Đừng quá lo, quỹ ngoại vẫn giữ tỷ trọng cổ phiếu rất cao

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có thời gian tươi đẹp với đợt tăng điểm mạnh hồi cuối 2017 và quý đầu năm 2018. Tuy nhiên những thành quả có được dần bị đánh mất trong 2 tháng vừa qua,

Chỉ số VNIndex từng đạt đỉnh hơn 1.200 điểm nhưng giờ chỉ giao dịch ở mốc hơn 930 điểm. Tính cả mức giảm 2,9% hôm thứ hai (28/5), chỉ số này mất 22% so với mức đỉnh tháng 4. Theo đó, VN-Index đang giao dịch ở mức PE khoảng 15,2 lần lợi nhuận ước tính cho năm tiếp theo, gần với mức định giá trung bình 3 năm – 14,5 lần.

Đừng quá lo, quỹ ngoại vẫn giữ tỷ trọng cổ phiếu rất cao - Ảnh 1.

VNIndex sụt giảm trong 2 tháng qua.

Theo nhận định của quỹ đầu tư Pyn Elite Fund, một số lý do cho đà giảm trên là sự thắt chặt cho vay margin đối với các nhà đầu tư trong nước, các công ty lớn niêm yết hút vốn ròng từ thị trường. Nhưng nguyên nhân chính của việc chốt lời có lẽ do đà tăng mạnh của các cổ phiếu vốn hóa lớn trong 12 tháng vừa qua.

Mặc dù thị trường thị trường hóa ‘gấu’ trong thời gian qua nhưng các quỹ ngoại lớn trên thị trường dường như không có nhiều giao dịch thoái lui lớn mà vẫn đang giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức rất cao.

VEIL – Dragon Capital chỉ giữ 0,51% tiền mặt

Trong báo cáo mới nhất ngày 17/5, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) – quỹ thành viên lớn nhất của Dragon Capital với tổng tài sản ròng (NAV) là 1,66 tỷ USD – chỉ duy trì tỷ lệ tiền ròng (net cash) ở 0,51% NAV. Như vậy, Quỹ lớn nhất thị trường này dồn 99,49% tài sản để đầu tư. So với mức đỉnh thiết lập ngày 9/4, giá trị tài sản ròng của VEIL giảm khoảng 200 triệu USD.

Mặc dù vậy, cơ cấu nắm giữ của VEIL lại biến động mạnh. Cụ thể, tỷ trọng sở hữu của nhóm 10 khoản đầu tư lớn nhất đã suy giảm từ gần 51% (12/4) xuống còn 48,16% (17/5).

Đừng quá lo, quỹ ngoại vẫn giữ tỷ trọng cổ phiếu rất cao - Ảnh 2.

VEIL duy trì tiền ròng ở 0,51% NAV.

Trong đó, ACB là khoản đầu tư lớn nhất nhưng tỷ trọng đã sụt giảm từ 8,27% xuống 7,85%. Ngoài ra, VEIL cũng giảm tỷ trọng MBB, KDH, VNM, GAS…(do giá cổ phiếu giảm). Ngược lại, Quỹ này lại tăng mạnh đầu tư vào MWG và SAB.

Cho dù duy trì một tỷ trọng cổ phiếu rất lớn trong danh mục nhưng hiệu quả của VEIL vẫn vượt qua chỉ số VNIndex và VN30. Suất sinh lời từ đầu năm 2018 đến 17/5 của VEIL là 6,94% trong khi VNIndex chỉ là 4,99%.

Đừng quá lo, quỹ ngoại vẫn giữ tỷ trọng cổ phiếu rất cao - Ảnh 3.

Hiệu quả đầu tư của VEIL.

VOF- VinaCapital giữ 3% tiền mặt

Cuối tháng 4, VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) – quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital quản lý khối tài sản NAV 1,12 tỷ USD – thông báo tỷ lệ tiền mặt của quỹ chỉ chiếm 3% NAV và vay nợ 2,6% NAV.

So với con số tiền mặt chiếm 4,4% NAV tại thời điểm cuối tháng 3 thì VOF không chỉ duy trì tỷ trọng tiền mặt khá thấp mà còn mạnh dạn đầu tư thêm cổ phiếu và các tài sản khác.

Đừng quá lo, quỹ ngoại vẫn giữ tỷ trọng cổ phiếu rất cao - Ảnh 4.

VOF chỉ giữ 3% tiền mặt.

Cũng giống như VEIL, tỷ trọng 10 cổ phiếu nắm giữ lớn nhất của quỹ VOF giảm từ 62,9% xuống còn 61,8% danh mục. Trong đó, mặc dù vẫn là khoản đầu tư lớn nhất nhưng tỷ trọng HPG chỉ còn chiếm 14,6%, ngoài ra do giá cổ phiếu giảm mạnh, tỷ trọng của KDH, EIB, BSR,…trong danh mục của VOF đều giảm, trong khi đó lại tăng mạnh sở hữu tại ACV và PNJ.

Có thể nhận thấy số lượng và tỷ lệ giao dịch tại các cổ phiếu của VOF thường không lớn nên gần như không có báo cáo về thay đổi tỷ lệ sở hữu của quỹ trên thị trường trong tháng 5 vừa qua.

Pyn Elite Fund dồn 100% tài sản vào đầu tư

Một quỹ lớn khác trên thị trường là Pyn Elite Fund lại đang dồn hết tài sản của mình vào cổ phiếu với tỷ trọng nắm giữ đến 100%. Con số này là quá khác biệt khi quỹ từ Phần Lan trước đây thường xuyên dành tỷ trọng tiền mặt đến 5% trong danh mục.

Đừng quá lo, quỹ ngoại vẫn giữ tỷ trọng cổ phiếu rất cao - Ảnh 5.

Pyn dồn hết tài sản vào đầu tư (15/5/2018).

Pyn Elite nhận định danh mục của quỹ vẫn giao dịch tại mức định giá hấp dẫn. Các công ty trong danh mục của Pyn đang kỳ vọng sẽ tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm nay và các yếu tố vĩ mô bền vững trong các năm tới. Mức PE trung bình các khoản đầu tư chính (đã tính pha loãng) trong danh mục của Pyn dự kiến trong giai đoạn 2018-2020 lần lượt là 9,8; 8,7 và 7,6 cùng với mức cổ tức 4-5%.

Trong danh mục của Pyn, MWG vẫn là khoản đầu tư lớn nhất với tỷ trọng 13%. Công ty này cũng vừa công bố kết quả 4 tháng với lợi nhuận tăng trưởng 44%, Pyn Elite dự kiến PE của MWG sẽ là 12 trong năm 2018 và 10 trong năm 2019.

Trong 12 khoản đầu tư lớn nhất, Pyn Elite duy trì 7 cổ phiếu nhóm bất động sản, 2 cổ phiếu ngân hàng, 1 cổ phiếu bán lẻ, 1 cổ phiếu chứng khoán và 1 cổ phiếu nông nghiệp là CTCP Tập đoàn PAN.

Tuy MWG chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng lại là khoản thua lỗ lớn nhất, trong khi đó Tập đoàn nông nghiệp The Pan Group (PAN) là khoản đầu tư hiệu quả nhất từ đầu năm đem về 10,13 triệu USD cho quỹ này.

Đừng quá lo, quỹ ngoại vẫn giữ tỷ trọng cổ phiếu rất cao - Ảnh 6.

PAN là khoản đầu tư lời nhất của Pyn từ đầu năm.

Hiện tại, đà bán ròng của khối ngoại đã có dấu hiệu chậm lại. Nếu tính trên toàn thị trường, lượng vốn rút ra khỏi TTCK Việt Nam là rất ít, việc đảo danh mục để có nguồn lực tham gia các deal IPO khủng trên thị trường của các tổ chức ngoại đã phần nào ảnh hưởng đến TTCK thời gian vừa qua.

“Khởi nghĩa” thành công, VNIndex chốt phiên tăng hơn 20 điểm

Bài viết mới