3 “canh bạc” của Trung Quốc trong quá trình mở cửa bước ra thế giới

“Đồng chí này có thể tin tưởng về mặt chính trị và không có tiền án tiền sự”. Trong quá khứ, người dân Trung Quốc từng phải hồi hộp chờ đợi những dòng chữ này khi nộp hồ sơ xin cấp hộ chiếu. Họ sẽ được hỏi rất kỹ về mục đích ra nước ngoài để làm gì, nguồn tiền từ đâu mà có, phải xếp hàng qua đêm, xuất trình rất nhiều loại giấy tờ, kiểm tra mức độ trung thành với Đảng cộng sản Trung Quốc… Quá trình xin cấp hộ chiếu vì thế mà có thể kéo dài tới vài tháng, trải qua nhiều quy trình phức tạp và quan liêu. Và không có nhiều người có được 4 chữ quý giá: tongyi chuguo – nghĩa là được phép đi ra nước ngoài.

Tình trạng này kéo dài đến đầu những năm 1990. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay bức tranh đã hoàn toàn thay đổi. Nếu như trong thời kỳ những năm 1980, số chuyến du lịch nước ngoài mà người Trung Quốc thực hiện là vài chục nghìn mỗi năm, con số hiện nay đã lên đến hơn 130 triệu, với đủ loại lý do từ du lịch, du học đến các chuyến đi phục vụ công việc và cả di cư. Theo dự đoán đến năm 2020 con số sẽ chạm mốc 200 triệu chuyến, tương đương gần 1/7 dân số Trung Quốc.

Đã có rất nhiều bài báo viết về chuyện sự trỗi dậy của Trung Quốc cả về mặt kinh tế, chính trị và quân sự đang làm thế giới thay đổi như thế nào. Tuy nhiên chúng ta sẽ có được một câu chuyện hoàn toàn mới khi nhìn dưới một lăng kính khác: dòng người đang ồ ạt đi từ Trung Quốc ra nước ngoài đang mang đến những tác động rất lớn không chỉ tới những nơi họ đến mà còn tới cả bản thân xã hội Trung Quốc.

Kể từ những năm 1980, thế giới đã chứng kiến làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có rất nhiều lý do: từ sự sụp đổ của Liên minh Xô Viết và Đông Âu, các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) mở cửa biên giới cho đến sự phình to của tầng lớp trung lưu ở các nước đang phát triển hay làn sóng hàng triệu người trốn chạy khỏi chiến tranh và nghèo đói. Tuy nhiên, phần đóng góp của Trung Quốc trong làn sóng dịch chuyển này lớn hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác.

Trong ký túc xá của các trường đại học ở Sydney, sinh viên Trung Quốc lấp đầy các giảng đường và phòng nghiên cứu. Ở thung lũng Silicon, các nhà khoa học Trung Quốc đóng góp phần không nhỏ trong thành công của các ông lớn công nghệ. Ở thành phố Prato của nước Ý, hàng nghìn công nhân Trung Quốc làm việc chăm chỉ trong các nhà máy may. Còn ở những thị trấn nhỏ của đất nước châu Phi Namibia, ta có thể dễ dàng bắt gặp những người bán hàng rong đến từ Trung Quốc. Khách du lịch Trung Quốc trở thành nguồn thu lớn của các thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới.

3 “canh bạc” của Trung Quốc

Cách đây 40 năm, khi cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu công cuộc cải cách và mở cửa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có lẽ ít ai có thể hình dung được câu chuyện tiến triển nhanh đến vậy. Ý tưởng của ông Đặng là dè dặt chấp nhận một số nhóm khách du lịch và doanh nhân nước ngoài, với nhận định động thái nới lỏng này là rất cần thiết về mặt kinh tế và ngoại giao. Một mối quan hệ bình thường với phương Tây, trong đó có những khách du lịch nước ngoài, sẽ đem đến tác động tích cực cho nền kinh tế đang èo uột. Ông cũng nhận thấy một số lợi ích của việc gửi học sinh Trung Quốc ra nước ngoài để tiếp thu công nghệ kỹ thuật, nhưng nhìn chung Trung Quốc vẫn rất thận trọng vì lo ngại mở cửa có thể đem lại những tác động tiêu cực.

Tuy nhiên, những người kế nhiệm ông dường như đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Có thể nhìn thấy điều này rõ ràng trong 3 lĩnh vực chính. Thứ nhất là trong công cuộc cải cách nền kinh tế. Trong những năm 1990, các lãnh đạo Trung Quốc phớt lờ lời phàn nàn của những người bảo thủ và quyết tâm thực hiện chiến dịch đóng cửa hoặc bán hàng chục nghìn doanh nghiệp nhà nước. Với sự tăng trưởng nhanh chóng của khu vực tư nhân, làn sóng các công chức chuyển sang việc làm mới và hàng chục triệu người di cư lên thành phố tìm việc làm khiến chính quyền khó quản lý người dân hơn. Tuy nhiên chính những cải cách này giúp Trung Quốc vươn mình thành 1 cường quốc kinh tế.

Bước đi mạo hiểm thứ hai của Trung Quốc được thực hiện bởi người lên nắm quyền ngay sau ông Đặng, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân – chào đón Internet. Trong những năm 1990, có lẽ ông (cũng như rất nhiều người khác) chưa thể hình dung được Internet sẽ khiến thế giới này thay đổi mạnh mẽ như thế nào. Tuy nhiên, đây vẫn là 1 canh bạc lớn trong bổi cảnh Trung Quốc luôn muốn kiểm soát thông tin chặt chẽ. Trung Quốc đã thắng trong canh bạc này khi vừa có thể kiểm soát thông tin vừa có thể đi đầu thế giới trong lĩnh vực IT.

Canh bạc thứ ba là cho phép người dân ra nước ngoài nhiều hơn và mở cửa chào đón người nước ngoài. Kể từ năm 2007, số lượng chuyến đi nước ngoài mà người Trung Quốc thực hiện đã tăng hơn gấp 3. Để kiếm tiền từ sự bùng nổ này, nhiều nước đã nới lỏng đáng kể các yêu cầu về cấp thị thực hay chính sách nhập cư.

Từ thế kỷ 19 đến nay, những người Trung Quốc đi ra nước ngoài và trở về với những ý tưởng mới mẻ đóng 1 vai trò quan trọng đối với lịch sử đất nước này. Làn sóng hiện nay là mạnh mẽ hơn bao giờ hết, bởi vậy hãy cùng chờ đón những tác động lớn lao mà nó mang lại.

Người Trung Quốc đang ra nước ngoài nhiều hơn bao giờ hết và điều đó có ý nghĩa gì với thế giới?

Bài viết mới