LTS: Tiếp nối các bài dự thi viết vềNghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quangdo CafeF phối hợp với báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của độc giả Lê Phú Tuấn đang công tác tại Ngân hàng OCB chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh.
——————–
Gần đây, nhiều vụ án liên tục phanh phui các sai phạm tại các “ông lớn” ngành ngân hàng. Nhiều quan chức cỡ bự trong ngành vướng vòng lao lý khiến không ít người làm việc bằng cái nghề tài chính cảm thấy bất an và tự hỏi nhau “Đồng tiền có “bạc”?”
Đem câu hỏi này đặt ra cho bác, ông khách già thân thuộc có vài chục năm làm việc ở ngành tài chính ngân hàng, kinh qua nhiều vai trò chủ chốt và phiêu bạt khắp các ngân hàng lớn nhỏ để tìm câu trả lời cho bản thân mình, tôi được nghe câu chuyện đời bác.
“Ngày mới đi làm, tuổi bác cũng trạc cháu bây giờ, bác mang trong mình hoài bão phải thoát khỏi cái nghèo, phải trở nên giàu có và giúp được nhiều người. Thời điểm đó, đất nước mới được giải phóng, nhìn đâu cũng thấy người nghèo. Người làm nghề ngân hàng như bác rất quyền lực và được trọng vọng. Vốn xuất thân từ cảnh nhà thiếu ăn quanh năm, bác hiểu nỗi khổ của họ và càng thêm yêu cái nghề của mình – cái nghề giúp nhiều gia đình cơ cực vươn lên làm giàu chính đáng. Bác làm việc hăng say, trung thực và luôn mang trong mình tinh thần, trọng trách cống hiến cho đời. Trong thâm tâm, bác mong những đồng tiền mà mình được giao quản lý sẽ đến được với những người thực sự thiếu thốn ngoài kia có được một cuộc sống thịnh vượng, góp phần phát triển đất nước. Ngoài giờ làm việc, bác còn hoạt động xã hội năng nổ nhằm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Với cái tâm trong sáng và sự nhiệt huyết thực hiện hoài bão và cả may mắn đồng hành, bác không chỉ giúp đỡ rất rất nhiều người mà còn thăng tiến rất nhanh và kiếm được nhiều tiền hơn. Bác liên tục được bổ nhiệm tại nhiều ngân hàng lớn và cả những ngân hàng nước ngoài với chính sách săn đầu người trong thời kỳ mở cửa. Càng nhiều tuổi đời, tuổi nghề, uy tín, quyền lực và tất nhiên là cả tham vọng của bác cũng tăng lên rất nhiều. Bạn bè của bác, người thân của bác không ai còn nhận ra cậu trai trẻ ngày nào với hoài bão lớn nữa. Trong mắt họ, bác dần trở thành một người tham lam và ích kỷ.
Khi đã có tất cả mọi thứ, bác cũng bắt đầu thay đổi. Bi kịch cũng dần ập xuống khi bác đánh mất hình ảnh cậu trai nghèo khó nhiệt huyết và trong sáng ngày xưa. Bác sa vào vòng xoáy và sự cám dỗ của danh vọng. Tự cho mình cái quyền ban phát đặc ân, đòi hỏi nhiều hơn và lòng tham cũng theo đó bùng lên dữ dội.
Sau nhiều vụ “áp phe” lớn, bác vướng vòng lao lý. Điên loạn, oán hận tràn ngập trong lòng bác. Bác oán trách tất cả mọi người, những người đã được mình giúp đỡ sao chẳng ai bênh vực mình. Bác oán trách đồng tiền sao mà bạc bẽo với mình – cảm giác này chắc mấy ông quan chức ngân hàng gần đây cũng gặp phải. Hơn 10 năm phải trả giá, thời gian và những bài học từ nhiều cảnh đời của bạn tù giúp bác chiêm nghiệm được rất nhiều về tiền bạc”.
Xem tất cả các bài viết dự thi
NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG
tại đây
Tôi ngẩn người trước câu chuyện đầy xúc cảm của một con người đã đi qua cả hai thái cực giàu – nghèo, vinh – nhục. Tôi lặng im không biết nói gì với bác.
“Thời xưa, con người dùng vỏ ốc để thay thế cho tiền. Thời đó, tiền chắc chắn không lấp lánh ánh bạc, nhưng vẫn gọi là tiền đấy thôi” – Câu nói vô cùng triết học của ông già gần đất xa trời phá tan bầu không khí nghèn nghẹn nãy giờ và cho tôi một thế giới quan vô cùng mới mẻ. Vậy thì “bạc” đâu phải là bản chất của đồng tiền.
Nheo đôi mắt đã không còn tinh anh, bác tiếp lời: “Đồng tiền chỉ là phương tiện cháu à, con người sử dụng chúng với mục đích gì mới tạo nên kết quả sau cùng. Lấy 1 đồng mua mắm hay mua hoa thì nó vẫn là 1 đồng. Quan trọng là người mua muốn của thơm hay thứ khó ngửi kia. Dù làm nghề nào cũng vậy, cái tâm của người làm nghề luôn là yếu tố quyết định. Làm việc, tiếp xúc, có quyền quyết định nhiều với tiền, càng cần tỉnh táo và giữ cái tâm trong sáng.
Bác nói tới đâu, tôi thấm tới đó. Đúng thật. Hầu như tất cả nguồn tiền để vận hành, phát triển các doanh nghiệp, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của đất nước bắt nguồn từ việc giải ngân các khoản vay. Nếu không có ngành ngân hàng chúng ta, việc tạo ra giá trị gần như là không thể. Việt Nam được thế giới chú ý bởi những thành tựu trong công tác xóa đói, giảm nghèo – đó là thành tựu mà những người làm nghề tài chính ngân hàng góp sức không nhỏ.
Trải qua nhiều vinh nhục cuộc đời, bác tin chắc rằng “Đồng tiền không bạc”. Chỉ có tâm người giữ tiền thay đổi mà thôi cháu ạ. Bác đã nhìn thấy cả hai mặt sấp ngửa của đồng tiền. Những người vướng vòng lao lý như bác không thiếu, nhưng bác tin cũng chỉ là con số rất rất nhỏ so với hàng vạn con người chân chính đang ngày đêm làm việc trong môi trường rất dễ cám dỗ này để phát triển bản thân, xã hội và đất nước. Bác hy vọng rằng cháu cũng là một người như vậy.
Đến bây giờ tôi mới nhìn thấy nét bình an trên gương mặt của bác. Kết thúc cuộc trò chuyện, bác dẫn câu nói nổi tiếng của Kahlil Gibran – nhà triết học Ả Rập – như món quà chia tay dành cho tôi: “Tiền bạc giống như tình yêu, nó từ từ giết chết một cách đau đớn những ai chiếm giữ nó và làm sống dậy những ai biến nó thành bạn”.
Ông già bước đi. Cái dáng vẻ khoan thai của bác – người đã bước qua mọi thăng trầm của cuộc đời – chầm chậm nhỏ dần trong những vạt nắng cuối ngày. Bài học của đời bác chắc chắn sẽ là hành trang cùng tôi trong cuộc đời làm nghề – Đồng tiền không bạc.
Từ nay đến 30/9/2017, CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức cuộc thi viết ” Nghề Tài chính – Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang” nhằm tôn vinh những giá trị đẹp mà nghề đem lại, phê phán những điều chưa đẹp đồng thời truyền cảm hứng cho những người mới vào nghề.
Ngay bây giờ, quý độc giả đang công tác, học tập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có những câu chuyện muốn chia sẻ, hãy gửi bài cho chúng tôi qua địa chỉ: [email protected].
Các bài viết được đăng tải sẽ được lĩnh nhuận bút cùng cơ hội trúng giải thưởng lên đến 30 triệu trong gói giải thưởng tổng cộng 100 triệu đồng.