Trục lợi “đất vàng” từ cổ phần hóa

Ngày 28-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa (CPH) DN nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Đầu tư ra nước ngoài: Lỗ nặng

Báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước phiên thảo luận cho thấy việc đầu tư ra nước ngoài được triển khai khá tích cực. Đến thời điểm 31-12-2016, có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,608 tỉ USD.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng chỉ ra rằng hoạt động đầu tư ra ngoài DN còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Tính đến hết năm 2016, với 7 tỉ USD đầu tư ra nước ngoài, có 25,5% dự án báo lỗ và 29% dự án lỗ lũy kế.

Trục lợi đất vàng từ cổ phần hóa - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng sai phạm chủ yếu của doanh nghiệp nhà nước trong cổ phần hóa là xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp nhằm chiếm dụng vốnẢnh: TTXVN

Nhìn vào những con số trên, đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đánh giá nội dung báo cáo còn tương đối đơn giản, chưa lột tả được bức tranh tổng thể đầu tư ra nước ngoài của các DN nhà nước. “Đề nghị báo cáo cần làm rõ dự án thuộc ngành, lĩnh vực nào lỗ, hòa vốn, lãi; các quốc gia, DN đã đầu tư; hạn chế vướng mắc và nguyên nhân của việc lỗ…” – ĐB Sơn đề xuất.

Ông Sơn cũng kiến nghị Chính phủ rà soát, tổng kết vấn đề này để đánh giá thực chất hơn. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp xử lý, cơ cấu lại đối với những dự án đầu tư kém hiệu quả theo hướng bán, chuyển nhượng.

Dẫn số liệu 4/18 tập đoàn, tổng công ty có phát sinh trên 1,5 tỉ USD thu hồi từ các dự án đầu tư, bằng 22% số vốn đã thực hiện, ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) nhận định việc quản lý vốn đầu tư trong nước đã khó khăn thì việc quản lý vốn đầu tư ở nước ngoài còn khó khăn hơn rất nhiều. Ông Toàn góp ý: “Chính phủ cần tổng kết, báo cáo QH giải pháp xử lý, cơ cấu lại để thu hồi vốn đầu tư, hạn chế tối đa thiệt hại, thất thoát vốn. Đồng thời điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách, siết chặt điều kiện đầu tư của DN nhà nước ra nước ngoài để bảo đảm hiệu quả, hướng nguồn lực đầu tư của DN nhà nước vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế theo đúng mục đích, tôn chỉ đã đặt ra”.

Chiếm dụng vốn từ định giá tài sản

Trong phần báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh sai phạm chủ yếu của DN nhà nước trong CPH là xác định sai lệch giá trị DN nhằm chiếm dụng vốn. Có trường hợp DN không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Sau CPH, DN không đưa đất vào sử dụng mà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn chiếm…

“Kiến nghị cho phép nghiên cứu sự cần thiết luật hóa chính sách thu cổ tức, lợi nhuận từ vốn đầu tư và CPH DN nhà nước; cấm và xử lý nghiêm các trường hợp xác định giá trị DN không đúng quy định để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước, cũng như làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu” – ông Thanh nêu quan điểm của đoàn giám sát.

Góp ý thêm, ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) chỉ ra thực tế các DN chỉ bảo toàn vốn về giá trị tài sản trên sổ sách, không tính toán đến yếu tố trượt giá, hao mòn tài sản vô hình cần bù đắp. Vì vậy, sau thời gian hàng chục năm hoạt động, vốn của DN bị thu hẹp theo cách “giá trị con số ghi trên tài sản không thay đổi nhưng giá trị thực tế của tài sản hiện vật giảm nhiều lần, có đơn vị gần như mất hết”. Từ đó, bà Lịch đề xuất xem lại chính sách khấu hao, bảo toàn vốn, để làm sao “vốn lúc này là một chiếc ôtô thì 10 hay 20 năm sau, vốn đó phải đủ giá trị mua một chiếc xe có tính năng tương đương”.

Đáng chú ý là sau phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể với nội dung giai đoạn 2011-2016, có 137 DN ngành giao thông được CPH và hầu hết đều hoạt động tốt hơn, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã giơ biển tranh luận lại.

Ông Nhưỡng nêu 2 trường hợp CPH cần được Bộ trưởng Thể kiểm tra lại một cách nghiêm túc. Thứ nhất là việc CPH tại Tổng Công ty Vận tải thủy Việt Nam với 10 DN nhà nước cùng hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản mà chỉ định giá 327 tỉ đồng, tương đương 1 căn nhà tại phố cổ Hà Nội. Thậm chí, những người liên quan còn không tiếp cận nổi các tài liệu về CPH. Trường hợp thứ hai là Công ty CP Hàng hóa Nội Bài (thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam), mà theo ông Nhưỡng: “CPH lúc nào đến người của công ty cũng không biết, lãnh đạo cũng ngỡ ngàng”. Chưa kể, sau CPH, công ty phải đi thuê lại tài sản của chính công ty được CPH với giá hàng trăm tỉ đồng/năm. “Tôi không biết như thế nhà nước ta có được gì không, nhân dân có được gì không? Tôi không biết hiệu quả 137 DN CPH như nào?” – ĐB Nhưỡng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Thể. Ông cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xem xét lại việc CPH 2 DN này.

Dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn 36 lần

Đề cập đến dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) với số vốn dự kiến ban đầu là 72 tỉ đồng nhưng sau đó lên tới gần 2.600 tỉ đồng, ĐB Nguyễn Anh Trí bức xúc: “Thế giới khó tìm ra loại bột nở nào làm nở kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi, mà lại là voi ma mút như vậy. Việt Nam lại có không ít những dự án tương tự, toàn là trăm tỉ, nghìn tỏ cả. Tôi lo lắng không biết Chính phủ lấy kinh phí ở đâu bù vào?”.

Tuy nhiên, vị ĐB đến từ địa phương có dự án trên – ông Bùi Văn Phương, Phó trưởng đoàn ĐB tỉnh Ninh Bình, cho rằng không hẳn các dự án điều chỉnh vốn đầu tư là “có mờ ám”. “Dự án này ban đầu có mục tiêu nạo vét sông phục vụ tưới tiêu nông nghiệp nhưng do dòng sông chạy qua lõi di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình nên được điều chỉnh lại so với ban đầu” – ông Phương giải thích.

Tranh luận lại, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) gay gắt: “Dự án đầu tư mà đội vốn tới 36 lần thì có nghĩa là không hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực, làm gánh nặng cho nền kinh tế”. Ông Nghĩa đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra dự án này.

Bốn bộ trưởng trả lời chất vấn

Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sau khi tổng hợp từ phiếu xin ý kiến các ĐB, QH đã lựa chọn ra 4 nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, dự kiến diễn ra từ ngày 4 đến 6-6.

Bốn bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời nhóm vấn đề về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời nhóm vấn đề về công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, nhất là việc quản lý, sử dụng đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng… Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời nhóm vấn đề về chất lượng giáo dục, công tác quản lý giáo dục mầm non, tình trạng xuống cấp về chuẩn mực đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời nhóm vấn đề về thị trường lao động, quản lý xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm sau đào tạo; tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục đối với trẻ em.

V.DUẨN

Tổng Thanh tra Chính phủ LÊ MINH KHÁI:

Bố trí sắp xếp nhà, đất trước khi cổ phần hóa

Trong CPH, xác định giá trị DN có hai yếu tố rất đáng quan tâm, đó là giá trị tiền thuê đất và quyền sử dụng đất. Chúng ta thực hiện không nghiêm phương án sắp xếp, xử lý, sử dụng nhà, đất chuyển đổi khi CPH. Nếu thuê đất hằng năm thì không có giá trị hình thành nhưng thuê đất 50 năm thì giá trị rất lớn. Trong khi đó, xác định giá trị DN rất khó, rất phức tạp, vì mang tính lịch sử. Có những cái định lượng được nhưng cũng có cái mang tính tương đối, như giá trị thương hiệu, xác định giá trị rất khó. Do đó, cần quan tâm đến phương án bố trí sắp xếp nhà, đất trước khi CPH, bởi khi mua DN, người ta sẽ nhắm vào DN có vị trí đất tốt.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường TRẦN HỒNG HÀ:

Sử dụng rất lãng phí, quản lý chưa tốt

Hiện tượng thất thoát giá trị đất đai trong định giá giá trị DN nhà nước có nguyên nhân chính là do các quy định pháp luật về đất đai chưa rõ ràng, phương án rà soát quỹ đất đai, sử dụng đất của các DN chưa được xem xét trước khi tiến hành CPH. Từ đó dẫn đến việc không thể tính toán được giá trị từ đất đai để đưa vào giá trị của DN khi CPH. Thực tế thì điều này không sai bởi khi giao đất cho DN, nhà nước chủ yếu giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc giao đất thu tiền sử dụng hằng năm nên việc đưa ngay vào đối với giá trị của DN là không thể. Tuy nhiên, cũng có tình trạng nhiều khu vực đất đai đang sử dụng rất lãng phí, có sự quản lý chưa tốt tại nhiều khu đất vàng. Sau CPH, có việc DN đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng theo các tiêu chí, mục đích của DN này cần phải thực hiện… Trước tình hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 01 ngay từ tháng 1-2017, trong đó quy định chi tiết về phương án sử dụng đất khi CPH DN nhà nước. Hiện nay, các bộ, ngành đang cùng vào cuộc tiến hành thanh tra các dự án có đất vàng. Trên cơ sở đó, khi phát hiện sai phạm, sẽ xem xét, xử lý theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính ĐINH TIẾN DŨNG:

Siết chặt khâu kiểm định

Quá trình CPH còn một số DN sử dụng nhiều diện tích đất vàng tại nhiều địa phương chưa thống nhất được phương án sử dụng đất đai với địa phương trước khi CPH. Có việc phản ánh chưa đầy đủ giá trị DN khi CPH cũng như nguyên nhân một số DN, cá nhân lợi dụng để vi phạm quản lý, sử dụng đất đai trước, trong và sau khi CPH chuyển DN nhà nước sang công ty cổ phần.

Hiến pháp 2013 và Luật Đất đai 2013 đã quy định các DN nhà nước khi CPH phải hoàn thành phương án sử dụng đất đai và sắp xếp về nhà đất trước thời điểm quyết định CPH. Theo đó, đất phải được sử dụng đúng mục đích, sử dụng đất do địa phương phê duyệt. Đồng thời, chúng tôi cũng kiến nghị siết chặt khâu kiểm định đổi mục đích sử dụng đất.

THÙY DƯƠNG ghi

Lãi ròng từ ‘đất vàng’ chảy vào túi ai?

Bài viết mới