Đây là đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tại dự thảo Thông tư quy định xếp hạng tổ chức tín dụng (bao gồm các ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, ngân hàng hợp tác) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo dự thảo, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xếp hạng theo hệ thống tiêu chí và được chia thành các nhóm đồng hạng.
Các tiêu chí bao gồm nhóm chỉ tiêu định lượng và nhóm chỉ tiêu định tính.
Nhóm chỉ tiêu định lượng đo lường mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng trên cơ sở các số liệu phản ánh hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nhóm chỉ tiêu định tính đo lường mức độ tuân thủ các quy định pháp luật của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trọng số của từng chỉ tiêu hoặc nhóm chỉ tiêu được xác định trên cơ sở tầm quan trọng của từng nhóm chỉ tiêu, từng chỉ tiêu đối với mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng và yêu cầu của công tác giám sát trong từng thời kỳ.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xếp hạng ở 5 mức gồm Hạng A (Tốt), Hạng B (Khá), Hạng C (Trung bình), Hạng D (Yếu) hoặc Hạng E (Yếu Kém) căn cứ vào mức điểm xếp hạng đạt được.
Việc tính điểm để xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được căn cứ vào Báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; riêng báo cáo tài chính năm là báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật; số liệu trên bảng cân đối tài khoản kế toán, số liệu báo cáo thống kê của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; kết quả giám sát, tiếp xúc, kiểm tra, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước…
Hệ thống tiêu chí được sử dụng làm cơ sở phân nhóm chỉ tiêu khi xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm Vốn; chất lượng tài sản; quản trị điều hành; kết quả hoạt động kinh doanh; khả năng thanh khoản; mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường.
Hiện nay một số tổ chức tín dụng của Việt Nam chủ yếu được hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là Moody’s và Fitch đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và kết quả xếp hạng ấy cũng được các đối tác đánh giá rất cao, tuy nhiên số lượng tổ chức tín dụng được xem xét đánh giá còn rất ít (chỉ khoảng 1/3 số các ngân hàng).
Do vậy nếu dự thảo của Ngân hàng Nhà nước đi vào đời sống và được triển khai một cách nghiêm túc, bài bản thì các ngân hàng sẽ có thêm một chỉ số để cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời khách hàng và các nhà đầu tư cũng có thêm một cơ sở tin cậy để đánh giá về tổ chức tín dụng trước khi đưa ra quyết định hợp tác hoặc đầu tư.