Bộ trưởng Tài chính: Tỷ lệ vốn được thoái tại DNNN chỉ đạt 7,5%

Có doanh nghiệp chỉ bán được 1% – 2% vốn

Tại Quốc hội chiều nay, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã bổ sung thêm thông tin về hoạt động cổ phần hoá DNNN, bên cạnh báo cáo của Đoàn giám sát đã đưa ra trong phiên thảo luận sáng.

Bộ trưởng cho biết trước năm 2011, 3.958 doanh nghiệp đã được cổ phần hoá với tổng giá trị vốn nhà nước là 139.00 tỷ đồng. Số vốn nhà nước dự kiến bán ra là 36.00 tỷ đồng nhưng thực tế bán được 34.000 tỷ đồng. Số vốn nhà nước chiếm 2,4% tổng số vốn nhà nước so với số vốn cuối năm 2016 vốn nhà nước tại doanh nghiệp 1.398.000 tỷ đồng.

Đến giai đoạn 2011 – 2016 có 571 doanh nghiệp, so với tổng giá trị vốn nhà nước là 214 ngàn tỷ đồng, số vốn nhà nước dự kiến bán là 73 ngàn tỷ đồng, thực tế bán 43 ngàn tỷ đồng. Số vốn nhà nước thực bán chiếm 3% tổng số vốn nhà nước cuối năm 2016.

Như vậy, nếu tính cả số vốn nhà nước đã thoái là 14,6 ngàn tỷ đồng thì giai đoạn này vốn nhà nước cổ phần hóa và thoái vốn chiếm 4,1%.

“Tổng số vốn nhà nước so với cuối năm 2016 đúng như báo cáo giám sát là rất thấp, rất ít, có doanh nghiệp chỉ bán được 1% đến 2%”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, năm 2017 có 69 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị vốn nhà nước là 160 ngàn tỷ đồng, số vốn nhà nước dự kiến bán ra là 75.000 tỷ. Tuy nhiên, thực tế 5 tháng đầu năm đã IPO được 21 doanh nghiệp thu được 5.000 tỷ đồng.

Do đó, nếu tính tổng số vốn nhà nước được thoái là 9.000 tỷ đồng thì thực thu là 139.000 tỷ đồng, trong đó có Sabeco. Tỷ lệ vốn nhà nước bán khi cổ phần hóa và thoái vốn là 14.000 tỷ đồng chiếm 1% so với vốn nhà nước vào cuối năm 2016 tại doanh nghiệp.

“Như vậy, hết năm 2017 tỷ lệ vốn nhà nước thực bán trong cổ phần hóa và thoái vốn khoảng 7,5% tính theo tổng số vốn nhà nước cuối năm 2016”, Bộ trưởng nói.

Đất đai là một vướng mắc lớn

Bộ trưởng nhấn mạnh quá trình cổ phần hóa còn vướng mắc liên quan đến đất đai. Theo đó, một số doanh nghiệp sử dụng nhiều diện tích đất vàng tại nhiều địa phương chưa thống nhất được phương án sử dụng đất đai với địa phương trước khi cổ phần hóa.

Quá trình này thực tế đã được UBND tỉnh, thành phố có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất và giá đất nhưng thường rất chậm dẫn đến việc phải kéo dài thời gian điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Theo Bộ trưởng, một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai.

Đây chính là những tồn tại của khâu tổ chức thực hiện đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả của quá trình cổ phần hóa DNNN, phản ánh chưa đầy đủ giá trị doanh nghiệp. Khi cổ phần hóa cũng như nguyên nhân một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để vi phạm quản lý, sử dụng đất đai trước, trong và sau khi cổ phần hóa chuyển doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.

Đến nay, Bộ trưởng cho biết đã có nhiều chính sách được đưa ra để khắc phục hiện tượng này.

Đối với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh việc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp là rất quan trọng. Và quan trọng hơn là sau cổ phần hóa, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp có đất đai phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là mục đích sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.

Khi doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở, đất thương mại, phù hợp với quy hoạch xây dựng thì phải thu hồi, đấu giá công khai để thu về cho nhà nước với giá trị cao nhất.

“Chúng tôi cho rằng trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương nơi trực tiếp quản lý đất đai”, ông nói và cho biết thêm nếu diện tích đất trên 10 ha mới cần xin ý kiến của Thủ tướng.

Bộ trưởng Dũng kiến nghị cần xiết chặt hơn các vấn đề liên quan đến đất, đặc biệt là kiểm định đổi mục đích.

Nói thêm về tiến độ cổ phần hoá còn chậm, Bộ trưởng Dũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để có sự vào cuộc đồng bộ gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay theo phân cấp là các bộ, ngành, các địa phương là chủ sở hữu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất đai mà doanh nghiệp nhà nước đang quản lý trước, trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tính công khai, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa.

Một “điều kỳ lạ” về doanh nghiệp Nhà nước

Bài viết mới