Biên bản kỳ họp tháng 5 của FOMC (Ủy ban Thị trường mở của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed) vừa được công bố đêm 23/5 cho biết lãi suất cơ bản vẫn được giữ nguyên trong tháng này, nhưng sẽ tăng sớm trong thời gian tới khi Fed lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường lao động tích cực.
Nhiều chuyên gia dự đoán lãi suất sẽ được Fed điều chỉnh tăng trong kỳ họp tháng 6 tới. Trước đó, Fed đã thực hiện lần tăng lãi suất đầu tiên trong năm nay tại cuộc họp chính sách tháng 3 và dự kiến sẽ tăng thêm lãi suất ít nhất là 2 lần nữa trong năm nay. Nhưng đồng thời, cũng không loại trừ khả năng Fed có thể tăng nhiều đợt lãi suất hơn dự kiến. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng động thái này cũng sẽ không tác động mạnh, gây biến động tỷ giá.
NHNN phải rất nỗ lực hạn chế đáng kể tình trạng đô-la hoá trong nền kinh tế, củng cố lòng tin của người dân vào tiền đồng |
Không đặt ra lo ngại tỷ giá, nhưng có ý kiến lại băn khoăn đến lãi suất chịu tác động từ quyết định của Fed và cho rằng Việt Nam nên xem xét điều chỉnh lãi suất USD để đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền VND. Về vấn đề này, một thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng, giả sử có nâng lãi suất huy động USD lên 0,25%-0,5%/năm cộng với biên độ biến động tỷ giá 1-2% không đáng để người dân chuyển đổi từ tiền đồng VND sang USD bởi lãi suất tiền gửi VND ngắn hạn đang dao động từ 4,8-5,5%/năm.
Vấn đề lớn hơn, theo vị này, là liên quan đến tâm lý – điểm yếu cố hữu của người dân. “Nếu như NHNN nâng lãi suất tiền gửi USD lên, người dân sẽ lại mua USD gửi vào NH nhiều hơn. Tức là lại khuyến khích người dân nắm giữ ngoại tệ và tăng tình trạng đô-la hoá. Vô hình trung làm giảm hiệu quả chính sách tiền tệ, cụ thể là giá trị đồng VND bị giảm, tăng sức hấp dẫn cho đồng USD và lại làm khó cho NHNN. Bởi để ghìm cương con ngựa bất kham vàng, tỷ giá không hề dễ dàng”, vị này đưa ra những quan ngại.
Liên quan đến vấn đề lãi suất USD, mới đây NHNN cũng đã giải thích cụ thể đối với băn khoăn của cử tri Phú Yên về việc NHNN vẫn giữ lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%. NHNN cho biết: Trước đây, do lạm phát luôn ở mức cao nên tình trạng đô-la hóa của Việt Nam ở mức báo động, cần kiểm soát. Lượng tiền gửi ngoại tệ so với tổng phương tiện thanh toán giai đoạn 2007-2011 ở mức trên 20%, thậm chí đầu những năm 90 còn ở mức 30 – 40%. Hiện tượng mua bán, thanh toán và găm giữ ngoại tệ tiền mặt khá phổ biến, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và phi chính thức ở mức cao tạo áp lực lớn cho thị trường ngoại hối chính thức và ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành tỷ giá và tiền tệ của NHNN.
Sự bất ổn về tỷ giá và thị trường ngoại hối trong giai đoạn nói trên đã là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất ổn về kinh tế vĩ mô. Trước thực trạng đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ, nhằm hạn chế tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế, NHNN đã đưa ra gói giải pháp đồng bộ để ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế đồng Việt Nam, trong đó có chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%…
Những năm gần đây, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm (thể hiện qua tỷ lệ đô-la hóa giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% thời điểm 31/12/2017). Hệ thống TCTD chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ từ năm 2016, tạo điều kiện cho NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước. Tính đến cuối tháng 4/2018, dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt gần 63 tỷ USD – cao nhất từ trước đến nay và là một nhân tố tích cực hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô.
Thông số nữa cho thấy về cơ bản chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm vẫn đang phát huy hiệu quả: Kiều hối trong năm 2017 đạt khoảng 9,84 tỷ USD, tăng 10,76% so với cùng kỳ năm 2016; giải ngân vốn FDI và FII tiếp tục chiều hướng tích cực, trong đó FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD.
Theo ghi nhận của một Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, có được kết quả như hiện tại, thời gian qua, NHNN phải rất nỗ lực bằng nhiều giải pháp chính sách quyết liệt đối với đô-la và vàng, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng đô-la hoá trong nền kinh tế, củng cố lòng tin của người dân vào tiền đồng.
Muốn thu hút được các nguồn lực không phải VND vào hoạt động sản xuất kinh doanh theo khuyến nghị của các chuyên gia ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị VND đóng vai trò then chốt. Khi VND có giá trị ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi thì các nhu cầu tích trữ dự phòng tài sản bằng ngoại tệ, vàng sẽ giảm và nhu cầu đầu tư sẽ tăng lên.
Chính vì vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, không nên có sự thay đổi gì trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt đối với chính sách lãi suất. Bởi, lãi suất đang là một trong những yếu tố chịu nhiều áp lực nhất trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2018. Vì tăng lãi suất USD chúng ta phải tăng lãi suất VND thì mới khuyến khích người nắm giữ USD bán chuyển đổi sang tiền đồng. Nhưng nếu tăng lãi suất huy động VND sẽ tạo áp lực tăng lãi suất cho vay. Đây là điều Chính phủ cũng như NHNN không mong muốn.
“Sự thay đổi chính sách USD sẽ gây ra xáo trộn trên thị trường và Chính phủ, NHNN sẽ lại phải hao tốn công sức mới lấy lại được thành quả đã đạt được”, một chuyên gia đưa ra cảnh báo. Còn TS. Lê Xuân Nghĩa thì khuyến nghị, NHNN nên tiếp tục kiên định điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao vị thế VND, củng cố niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam.
“Sự thay đổi chính sách USD sẽ gây ra xáo trộn trên thị trường và Chính phủ, NHNN sẽ lại phải hao tốn công sức mới lấy lại được thành quả đã đạt được”
Lãi suất huy động nơi giảm, nơi tăng
|