Trên các tuyến đường nội ô hay các cột điện ở gần khu dân cư, trường đại học, không khó để bắt gặp hình ảnh những tờ rơi, quảng cáo cho vay tiêu dùng. Trên đó, chỉ có số điện thoại in rất to, bắt mắt, dễ nhớ chứ không có địa chỉ cụ thể nào.
“Ngân hàng cột điện”
Tại Khánh Hòa, dịch vụ cho vay tiền đang hết sức rầm rộ. Khi ai đó có nhu cầu, chỉ cần bấm gọi ngay các số điện thoại đó là được tư vấn “tận tình”. Với tiêu chí “tiện lợi, nhanh chóng”, các “ngân hàng cột điện” tiếp cận những người có nhu cầu vay “nóng” hoặc ngại giao dịch với các ngân hàng do thủ tục rườm rà.
Chúng tôi liên lạc nhiều số điện thoại để xin vay tiền, các “chủ nợ” cho biết việc vay tiền rất dễ dàng, chỉ cần CMND, hộ khẩu hoặc giấy phép lái xe là có thể vay từ 1-10 triệu đồng. Tiếp cận địa chỉ ở đường Hoàng Hoa Thám (TP Nha Trang), người chủ tay xăm trổ tiếp chúng tôi khá niềm nở và cho biết có 2 hình thức vay: trả theo tháng/lần hoặc trả góp theo ngày. Vay 1 triệu đồng, 1 tháng trả lãi 200.000 đồng; vay trả góp thì chu kỳ 5-7 ngày trả một lần, lãi 1 tháng là 360.000 đồng rồi chia cho số ngày muốn vay.
Đủ loại hình thức quảng cáo các dịch vụ cho vay nóng tại các khu nhà trọ, trường học, bệnh viện… Ảnh: Kỳ Nam
Khách hàng chủ yếu là sinh viên, người buôn bán, dân cờ bạc, cá độ bóng đá… Mỗi lần vay từ 10 triệu đồng có khi cả trăm triệu, lãi suất 20%-35%, chỉ riêng tiền lãi đã cả chục triệu đồng/tháng. Ngay trước cổng ký túc xá sinh viên Đại học Nha Trang (phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang), một tờ giấy dán công khai giới thiệu về dịch vụ “tài chính sinh viên” cho vay tiền qua bằng đại học, cao đẳng, giấy tờ xe các loại… Một sinh viên tên S. cho biết ngoài cầm cố bằng, vay tín chấp thẻ sinh viên, có thêm dịch vụ vay bằng hình thức “mua lại điện thoại trả góp”. Chủ nợ không trực tiếp cho vay mà “biến tướng” theo cách chỉ người vay ra tiệm điện thoại theo chỉ định mua điện thoại trả góp giá trị cao hơn khoản tiền muốn vay. Người vay giao điện thoại này cho chủ nợ và nhận tiền vay. Tiền nợ góp điện thoại thì người vay tự trả.
Mới đây, bà Nguyễn Thị M. (ngụ tỉnh Kiên Giang) cần gấp tiền để giải quyết việc nhà đã vay 20 triệu đồng từ người của các “ngân hàng cột điện”. Bà M. kể thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần thế sổ hộ khẩu, giấy CMND là bà đã nhận tiền mặt ngay. “Họ làm thủ tục nhanh lắm, vài chục phút là nhận tiền. Đơn giản vậy nên tôi và không ít người cứ nghĩ họ là người tốt” – bà M. kể. Chị L. ở tỉnh Hậu Giang chia sẻ khi một người thân chị gặp khó khăn về vốn làm ăn thì có người tư xưng là nhân viên ngân hàng đến tận nhà hướng dẫn thủ tục vay, chỉ cần photocopy sổ hồng và giấy CMND, phần lãi suất là thỏa thuận rồi ký hợp đồng chứ không theo lãi suất cố định.
Ôm hận
Anh Nguyễn Văn T. ở thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cho biết cách nay không lâu, cần tiền để trả nợ nên anh T. nhờ một người quen là tiểu thương ở chợ Kiên Lương giới thiệu vay 10 triệu đồng. Liền sau đó, một thanh niên chạy xe máy đến yêu cầu anh T. photocopy CMND để “giải ngân” ngay. Tuy nhiên, người này nói rằng hiện không có tiền nên sẽ giới thiệu mối vay khác và anh T. phải trả tiền “cò” 600.000 đồng. Khoảng 30 phút sau, một nhóm thanh niên khác xuất hiện, đưa anh T. 9,1 triệu đồng sau khi trừ đi tiền “cò” và lãi trước 1 ngày.
Theo thỏa thuận đôi bên thì mỗi ngày anh T. phải trả góp 300.000 đồng cho đến khi hết hạn là 42 ngày. Trong trường hợp bên B (người vay) không có tiền đóng lãi trong 3 ngày liên tục sẽ bị bên A (người cho vay) phạt với số tiền lãi 1 ngày. Như vậy, số tiền lãi và gốc mà anh T. phải trả đúng hạn là 12,6 triệu đồng. Mỗi ngày, nhóm đối tượng này thường tập trung ở quán nước hoặc nhà của một phụ nữ gần chợ Kiên Lương để làm nơi thu tiền tập trung.
“Sau khi trả xong nợ, tôi thật sự tởn tới già. Dù sau này có kẹt tiền tới đâu thì cũng không dám vay vì lãi quá nặng. Hiện ở khu vực thị trấn Kiên Lương có 4-5 nhóm cho vay nặng lãi và cũng đã có không ít người bị đe dọa, bị đánh vì không trả nợ đúng hẹn” – anh T. nói.
Cũng chính vì sự “đơn giản, tiện lợi” trong thủ tục vay như trên đã khiến gia đình bà Nguyễn Thị M. phải lãnh trái đắng khi biết số tiền gốc và lãi sau 24 tháng là 46 triệu đồng/20 triệu đồng tiền gốc vay. Hoàn cảnh đã khó, nay còn phải gánh thêm khoản tiền nợ lớn khiến gia đình bà càng khó khăn thêm. “Một tháng phải đóng 1.914.000 đồng, không nói bao nhiêu tháng sẽ dứt. Tính vay về cho con trả nợ nhưng mới đóng được 3-4 tháng, tôi mới lật giấy ra coi thì phát hiện sự việc. “Ăn” kiểu này là quá trời rồi, 20 triệu ra thành bốn mươi mấy triệu” – bà M. chua xót nói.
Trong khi đó, mặc dù lúc vay thì bảo rằng lãi suất theo thỏa thuận nhưng đến hạn đóng lãi, người của nhóm cho vay nặng lãi lại thu gấp đôi so với thỏa thuận trước đó khiến người thân của chị L (ở Hậu Giang) tá hỏa. Biết mình đã bị lừa, gia đình chị L. đành ngậm đắng đóng tiền lãi, rồi vội đi vay ngân hàng để trả vốn lẫn lãi cho nhóm tín dụng đen .
Tâm sự của một “con bạc”
N.V.K là sinh viên của một trường đại học tại TP Cần Thơ. K. cho biết do cá độ bóng đá trên mạng nên nam sinh này phải vay nóng của dân “máu mặt” 10 triệu đồng. Bị đòi nợ liên tục và bị dọa sẽ báo cho nhà trường và gia đình biết, K. tỏ ra rất lo lắng. Tình cờ nhìn thấy tờ rơi “cho vay trả góp” dán trên cột điện gần nhà trọ, nghĩ mình được “cứu mạng” nên K. liền liên lạc vào số điện thoại ghi trên tờ rơi để vay 15 triệu đồng, mỗi ngày phải góp 500.000 đồng, kéo dài trong 45 ngày. Người cho vay còn tỏ ra ngon ngọt và không quên chúc K. thắng lớn trong những trận cá độ sau đó.
Góp được tuần lễ, K. không còn khả năng thanh toán nên bị người trong nhóm cho vay này kéo một nhóm thanh niên xăm trổ đến tận phòng trọ hành hung, “xử” luôn cả bạn gái của K. Hoảng quá, bạn gái của K. nhờ cha mẹ gửi tiền lên gấp để trả dứt nợ trong hôm sau. “Thấy có lỗi với bạn gái nên em dứt bỏ luôn cá độ bóng đá, tập trung cho việc học năm cuối. Giờ nghĩ lại, em thấy hối hận và lo sợ vô cùng” – K. tâm sự.