Xu thế dòng tiền: Tâm lý chán nản thì không nên giao dịch

Hành động được khuyến nghị trong giai đoạn thị trường khó khăn hiện tại được các chuyên gia đưa ra khá tương đồng. Đối với các giao dịch ngắn hạn, nhà đầu tư không nên bắt đáy thêm nữa mà nên chờ đợi các tín hiệu tạo đáy một cách vững chắc. Đó vẫn là yếu tố thanh khoản và hành động của khối ngoại như các chuyên gia đã chỉ ra trong các kỳ trước.

Đối với các giao dịch dài hạn, việc nắm giữ tỷ trọng thấp là điều nên làm và giao dịch vòng nếu chấp nhận được rủi ro. Điều hợp lý hơn là đứng ngoài và lên danh sách các cổ phiếu chất lượng tốt đã giảm giá mạnh để sẵn sàng mua vào khi thị trường kết thúc điều chỉnh.

Đánh giá về động thái bán ra liên tục của nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia cho rằng có khả năng nhà đầu tư trong nước đã ngộ nhận việc khối ngoại tái cơ cấu danh mục để mua VHM. Hành động bán ròng liên tục có thể xuất phát từ các nguyên nhân cơ bản hơn, trong đó có triển vọng tăng lãi suất đồng USD đang đến gần.

Xu thế dòng tiền: Tâm lý chán nản thì không nên giao dịch - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Một tuần giao dịch thảm khốc và cuối cùng thì sự thận trọng của anh chị trong tuần trước đã đúng: Thị trường đã rơi xuống mặt bằng mới thấp hơn. Điều lạ là giá giảm rất lớn mà thanh khoản thị trường vẫn quá thấp, kể cả khi đã có VHM giao dịch lớn. Việc dò đáy vài tuần nay đều thất bại. Lúc này nhà đầu tư nên làm gì?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn – Chứng khoán MBS

Việc thị trường liên tục giảm mạnh, hình thành các đáy thấp hơn, khiến cho mọi nỗ lực bắt đáy đều trở nên thất bại. Lúc này, tâm lý nhà đầu tư đang rất chán nán, do đó, điều lúc này điều cần làm quan trọng nhất đó chính là giữ bình tĩnh. Dừng các hoạt động bắt đáy, để tránh lặp lại sai lầm. Dành thời gian quan sát thị trường, lập danh sách các cổ phiếu có cơ bản tốt nhưng đã bị sụt giảm mạnh để có thể tham gia khi thị trường phục hồi trở lại.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Thị trường trong tuần giao dịch vừa qua có thể nói là khá ảm đạm vì dù tuy mặt bằng giá nhìn chung đã chiết khấu ở một mức tương đối hấp dẫn nhưng dòng tiền bắt đáy vẫn rất thận trọng khiến cho thanh khoản thị trường chỉ duy trì ở mức thấp. Điều này là khá dễ hiểu do tâm lý e ngại của giới đầu tư vì vẫn chưa biết đâu là đáy của VN-Index cộng hưởng với việc khối ngoại vẫn tích cực duy trì động thái bán ròng bất chấp việc cổ phiếu VHM đã lên sàn.

Với quan điểm thận trọng, chúng tôi nhận định rằng VN-Index nhiều khả năng sẽ đi xuống dưới đường MA200 tương đương với mức điểm 945 – 950 và giao dịch quanh ngưỡng điểm 900. Do đó, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng trong giai đoạn này và tiến hành hạ tỷ trọng danh mục đầu tư xuống mức 15% trong trường hợp chỉ số VN-Index thực sự phá vỡ ngưỡng điểm 945 – 950.

Xu thế dòng tiền: Tâm lý chán nản thì không nên giao dịch - Ảnh 2.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo tôi nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài thị trường lúc này. Đối với những nhà đầu tư đang sử dụng margin, nên tranh thủ các nhịp hồi phục của thị trường để hạ tỷ trọng về mức an toàn, tranh việc bị margin call trong trường hợp thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh. Các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao có thể thực hiện mua trading với tỷ trọng thấp mang tính dò đáy khi VN-Index giảm về vùng hỗ trợ 930-940 điểm.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường tuần qua liên tục có những phiên giảm sốc và chưa có dấu hiệu hồi phục. Đặc biệt trong phiên cuối tuần ngày 25/5 thị trường chính thức mất mốc 975 điểm, đây là vùng đáy gần nhất của thị trường vào tháng 2/2018, và đóng cửa ở ngưỡng 963.9 điểm.

Có thể nói đây là một ngưỡng rất quan trọng khi thị trường đóng cửa ngay trên đường MA 200 ngày. Việc hàng loạt các cổ phiếu trụ liên tục giảm sàn như VIC, GAS, VCB, VJC khiến cho các nhà đầu tư có xu hướng khá tiêu cực. Thị trường hiện tại trong ngắn và trung hạn vẫn đang duy trì đà giảm vì vậy nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài thị trường lúc này cho đến khi điểm mua mới được xác nhận.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

VN Index tiếp tục có một tuần giảm khá mạnh với thanh khoản tăng nhẹ so với mức trung bình của những tuần trước. Lực cầu bắt đáy xuất hiện trong những phiên giữa tuần ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn khiến nhịp giảm có chững lại đôi chút và tạo một số phiên “bull-trap”. Tuy nhiên, phiên giảm điểm vào ngày cuối tuần đã khiến chỉ số kết tuần kéo dài xu hướng giảm điểm.

Một điểm đáng chú ý nữa là nếu loại trừ giá trị giao dịch thỏa thuận đột biến của khối ngoại ở mã VHM thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tiếp tục bán ròng trong tuần này với giá trị gần 500 tỷ đồng và theo đó gia tăng áp lực tiêu cực lên tâm lý giao dịch chung trên thị trường cũng như góp phần làm chỉ số không thể trụ lại ở mốc 1.000 điểm.

Nhà đầu tư đã nhiều lần dò bắt đáy ở các ngưỡng hỗ trợ ở các mốc như 1020 điểm, 1000 điểm nhưng đều thất bại và phải cắt lỗ. Điều đó giải thích tại sao VN-Index mất hơn 200 điểm từ đỉnh nhưng không xuất hiện lực bắt đáy do tâm lý nhà đầu tư vẫn còn rất e ngại từ những lần bắt đáy không thành công trước.

Với việc nhiều khả năng sẽ ít có thêm những thông tin hỗ trợ thị trường trong thời gian tới, chúng tôi chưa kỳ vọng nhiều vào việc xu hướng hiện tại sẽ có thể đảo chiều trong ngắn hạn. Thêm vào đó, biến động gây ra bởi hoạt động đảo danh mục định kỳ của các quỹ ETF ngoại trong những tuần tới cũng sẽ khiến cho thị trường mất thêm thời gian để tìm được điểm cân bằng mới.

Do vậy trong giai đoạn sắp tới chưa có cơ sở đề kỳ vọng dòng tiền dồi dào quay lại nhóm vốn hóa lớn cũng như thị trường chung như giai đoạn trước. Nhà đầu tư cần nên đứng ngoài quan sát thị trường và chưa nên giải ngân mới ở thời điểm hiện tại.

Xu thế dòng tiền: Tâm lý chán nản thì không nên giao dịch - Ảnh 3.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Tín hiệu giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài mà anh chị chờ đợi trong tuần trước vẫn rất tiêu cực. Nhiều nhà đầu tư cho rằng trước đây vài tuần khối ngoại bán ròng lớn là để mua VHM. Tuy vậy đến bây giờ khối ngoại vẫn bán rất nhiều, thậm chí bán luôn cả VHM. Có thể hiểu điều này như thế nào?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Hoạt động bán ròng liên tục của khối ngoại trong thời gian qua thực sự là một yếu tố đáng lo ngại đối với khả năng hồi phục của thị trường trong thời gian tới. Theo quan sát, áp lực rút vốn này không chỉ tồn tại ở riêng thị trường Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Nguyên nhân được cho là đến từ các yếu tố như lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua đã làm dấy lên lo ngại về việc FED sẽ đẩy nhanh việc tăng lãi suất. Bên cạnh đó, căng thẳng quan hệ kinh tế Trung – Mỹ và đà tăng mạnh của giá dầu trong thời gian qua cũng là những yếu tố khiến cho triển vọng của các thị trường mới nổi trở nên kém khả quan hơn, qua đó dẫn đến một cuộc “tháo chạy” khỏi các thị trường này.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Theo chúng tôi thông tin bán ròng của khối ngoại để cơ cấu danh mục mua VHM, TCB trước khi lên sàn xuất hiện rất nhiều trên mặt báo nhưng thực tế không có con số thống kê cụ thể. Có thể nói đây là việc “suy diễn” khi nhà đầu tư cố gắng tìm ra lý do để giải thích cho việc giảm điểm mạnh và nhanh của VN-Index.

Kỳ vọng VHM lên sàn có thể cứu được thị trường khi mã này có mức vốn hóa lớn chỉ đứng sau VIC là việc kỳ vọng quá xa vời khi mà xu hướng chính của thị trường chung vẫn là xu hướng giảm, kèm theo đó thanh khoản thấp và khối ngoại bán ròng. Khối ngoại đã bán ròng tất cả các mã vốn hóa lớn trong đó có cả VHM khi sự mạnh lên của đồng USD, khả năng tăng lãi suất lần thứ 4 của Fed và giá dầu tăng mạnh.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Việc khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trên diện rộng kể cả ở cổ phiếu VHM có thể nằm trong kế hoạch trading trong ngắn hạn của một số quỹ đầu tư nước ngoài nhằm mục đích đảo danh mục. Do đó, các nhà đầu tư cũng không cần quá lo lắng do khối ngoại vẫn thực hiện mua ròng mạnh ở một số cổ phiếu trong tuần giao dịch vừa qua mà tiêu biểu là HPG.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận định rằng khối ngoại có thể sẽ vẫn tiếp tục duy trì động thái bán ròng cho tới khi FED có quyết định chính thức về việc tăng lãi suất vào giữa tháng 6 tới.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Việc khối ngoại liên tục bán ròng trong thời gian vừa qua bắt nguồn từ việc lợi tức trái phiếu Mĩ tăng lên mức 3% cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đồng đô la mạnh lên tương đối so với các đồng tiền của những thị trường mới nổi dẫn đến việc dòng tiền có xu hướng rút ra khỏi những thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam. Ngoài các quỹ ETF sắp tới kì chốt data cho kì review tới cũng có tác động tới nhà đâu tư khối ngoại.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn – Chứng khoán MBS

Tôi cho rằng VHM đang hành xử rất giống với VRE giai đoạn trước, rất nhiều phiên dư mua trần, như sau khi khớp lệnh thì bắt đầu quay đầu giảm.

Việc nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng khả năng xuất phát từ 2 nguyên nhân, thứ nhất chuẩn bị cho việc techcombank chuẩn bị lên sàn, thứ 2, việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ liên tục tăng, vượt qua mốc tâm lý 3%/năm, dẫn tới dòng tiền từ các thị trường cận biên và thị trường mới nổi rút ra, và hành động của khối ngoại ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên.

Xu thế dòng tiền: Tâm lý chán nản thì không nên giao dịch - Ảnh 4.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Cổ phiếu VHM đã khiến VN-Index tuần qua không giảm quá nhiều. Thế nhưng chính điều này khiến việc phân tích kỹ thuật cũng gặp khó khăn và nhiều bản phân tích kỹ thuật trước đây vẫn dựa vào chỉ số thời điểm chưa có VHM lên sàn. Theo anh chị việc phân tích VN-Index lúc này còn chính xác không, anh chị khắc phục điều đó như thế nào?

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Theo chúng tôi việc phân tích kỹ thuật chỉ số VN-Index vẫn chính xác và chúng tôi vẫn dùng phân tích kỹ thuật để xem xét xu hướng của thị trường chứng khoán Việt nam cũng như lựa chọn thời điểm tham gia thị trường.

Tuần trước, VN-Index có cho tín hiệu MACD mua tuy nhiên chỉ số này nằm dưới ngưỡng 0 và thị trường thiếu vắng dòng tiền do đó chỉ báo đơn lẻ này sẽ không đúng. Việc kết hợp nhiều chỉ báo là việc nên làm để đánh giá thị trường sẽ giảm bớt độ nhiễu mà phân tích kỹ thuật có thể mang lại tại một thời điểm.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Việc một cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn như VHM lên sàn sẽ có những biến động rất lớn cho thị trường. Đặc biệt việc bộ ba cổ phiếu vốn hóa lớn là VIC, VHM và VRE chiếm đến 23% vốn hóa thị trường có tác động rất lớn đến chỉ số VN-Index.

Tuy nhiên nhà đầu tư có thể sử dụng các chỉ số khác như VN30, 10 chỉ số ngành như là một nguồn tham khảo đáng tin cậy cho thời điểm hiện tại để phân tích diễn biến thị trường cũng như lựa chọn cổ phiếu.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn – Chứng khoán MBS

Như tôi đã chia sẻ ở các bài viết trước, việc phân tích VN-Index không còn quá quan trọng, mà quan trọng là theo dõi các cổ phiếu riêng lẻ, để khi điều chỉnh về mức hấp dẫn có thể nắm bắt. Một cách khác, nhà đầu tư có thể xem xét biến động của Vn30, thay vì biến động của Vnindex thì sẽ bớt được hiện tượng nhiễu.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Để giảm các tín hiệu nhiễu của VN-Index khi có sự xuất hiện của VHM, nhà đầu tư có thể tham chiếu sang chỉ số VN30 và HNX-Index. Sự đồng thuận của các chỉ số về các tín hiệu chỉ báo kỹ thuật, diễn biến giá tại các vùng hỗ trợ, kháng cự sẽ là những yếu tố quan trọng đối với việc xác định hướng đi tiếp theo của thị trường trong giai đoạn hiện tại.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên Cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Theo quan điểm của tôi, việc thực hiện phân tích kỹ thuật đối với chỉ số VN-Index trong giai đoạn này vẫn cho ra được kết quả tương đối đáng tin cậy khi mà các chỉ báo kỹ thuật và xu hướng đều cảnh báo VN-Index vẫn sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi xuống trong ngắn và trung hạn.

Chính vì vậy cổ phiếu VHM cho dù có giao dịch tích cực và tăng giá cũng chỉ có thể kìm hãm được một phần đà rơi của VN-Index nhưng vẫn không đủ sức để có thể gây ảnh hưởng lớn tới xu hướng tiêu cực chung của thị trường.

Nhằm loại bỏ ảnh hưởng của cổ phiếu VHM, chúng tôi sử dụng chỉ số VN30 và kết quả khá tương đồng với việc phân tích kỹ thuật chỉ số VN-Index. Cả hai chỉ số đều phản ánh xu hướng đi xuống của thị trường nhìn chung trong ngắn và trung hạn, tuy rằng VN-Index thường có độ trễ hơn so với VN30.

Xu thế dòng tiền: Tâm lý chán nản thì không nên giao dịch - Ảnh 5.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Tuần trước anh chị nắm giữ tỷ trọng khá nhỏ, giá hiện đã giảm đáng kể chỉ trong 5 phiên, anh chị có tăng tỷ trọng cổ phiếu lên không?

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường chung đang xác lập một mặt bằng giá thấp hơn. Thời điểm hiện tại nhà đầu tư ngắn hạn không nên giải ngân mới. Còn đối với những nhà đầu tư dài hạn, đây là cơ hội để lựa chọn những cố phiếu tốt đã về những vùng kháng cự mạnh và tạo đấy để xem xét giải ngân. Tỉ trọng hiện tại nên giữ ở mức 15% cổ phiếu 85% tiền mặt.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Hiện tại danh mục của tôi chỉ còn duy trì tỷ trọng 20% cổ phiếu cho các vị thế đầu tư trung-dài hạn.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên Cứu Phân Tích, Chứng khoán Vietinbank

Với nhận định VN-Index có nhiều khả năng sẽ phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 945 – 950 điểm của đường MA200 cộng hưởng với việc khối ngoại có thể sẽ tiếp tục duy trì việc bán ròng cho tới giữa tháng 6, tôi đã thực hiện việc điều chỉnh danh mục đầu tư của mình về mức 15% và không thực hiện giải ngân thêm để tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn – Chứng khoán MBS

Theo dự tính của tôi, nếu xét về chỉ số, khả năng thị trường sẽ tạo đáy quanh mốc 900-930, mốc này có thể đạt ngay trong tuần này, nếu như đà bán tháo được kích hoạt ngay đầu tuần.

Còn nếu thị trường vẫn tiếp tục kịch bản phiên xanh phiên đỏ, thì khả năng sẽ tạo đáy ở nữa cuối tháng 6, sideway tích lũy ở tháng 7 và bắt đầu tăng trở lại vào tháng 8.

Do đó, giai đoạn này là giai đoạn tốt để tiếp tục gia tăng các cổ phiếu hấp dẫn. Chính vì thế, tôi vẫn sẽ tiếp tục gia tăng các cổ phiếu như kế hoạch, cho mục tiêu 6 tháng cuối năm.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi bắt đáy tỷ trọng thấp khi VN-Index về sát ngưỡng 1000. Tuy nhiên, chỉ số đã không giữ vững và ngưỡng tâm lý này đã bị xuyên thủng. Đúng nguyên tắc chúng tôi đã cắt lỗ và đứng ngoài chờ đợi thanh khoản tốt hơn cũng như chờ đợi khối ngoại dừng bán ròng.

Xu thế dòng tiền: “Quá tam ba bận” liệu đã xong?

Bài viết mới