Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị xem xét lại vụ cổ phần hóa Tổng công ty vận tải thủy – đơn vị đã mua lại Hãng phim truyện Việt Nam

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã giải trình, cung cấp thêm số liệu, giải đáp nhiều vấn đề được các Đại biểu Quốc hội chỉ ra.

Đa số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã vượt chỉ tiêu cổ phần hóa DNNN mà Chính phủ giao. Trong giai đoạn 2011-2016, Bộ Giao thông vận tải đã cổ phần hóa 137 doanh nghiệp (12 tổng công ty, 125 doanh nghiệp trực thuộc tổng công ty). Trước đó, Chính phủ đã giao chỉ tiêu cổ phần hóa 70 DNNN (9 công ty mẹ, 61 công ty thành viên).

Về giá trị, giá bán được đều cao hơn giá niêm yết. Cụ thể: giá niêm yết của 12 tổng công ty là 2.153 tỷ đồng, nhưng đã thu về 2.785 tỷ đồng (tăng 632 tỷ). Cổ phần hóa 133 doanh nghiệp thuộc các tổng công ty không cần nắm giữ thu về 4.184 tỷ đồng, tăng 1.280 tỷ đồng so với giá niêm yết (2.904 tỷ đồng).

“Ngay khi IPO, cổ phiếu của doanh nghiệp cổ phần hóa đã có giá rất cao. Nguyên nhân là doanh nghiệp tư nhân mới thành lập phải có thời gian, kinh nghiệm để tham gia giữ các gói thầu. Còn các công ty nhà nước của ngành giao thông thì đã có lịch sử lâu dài, có truyền thống tham gia dự án lớn. Doanh nghiệp sau cổ phần hóa sẽ hoạt động hiệu quả vì có thâm niên, có công trình tương tự, có hồ sơ kinh nghiệm để tham gia đấu thầu” – ông Nguyễn Văn Thể giải thích.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị xem xét lại vụ cổ phần hóa Tổng công ty vận tải thủy - đơn vị đã mua lại Hãng phim truyện Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Tính riêng 18 tổng công ty đã cổ phần hóa, Bộ Giao thông vận tải thống kê được rằng, doanh thu tăng khoảng 15%, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 194%, thu nhập của người lao động tăng 32% trong 4 năm. Đa số doanh nghiệp cổ phần hóa trong giai đoạn trên hoạt động có hiệu quả.

Đề nghị xem xét vụ cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy Việt Nam

Ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quộc hội tỉnh Bến Tre, đã đăng ký tranh luận ngay sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

“Rất mừng là 137 doanh nghiệp cổ phần hóa đến giờ đều hoạt động tốt. Nhưng tôi xin nêu 2 trường hợp, cần được kiểm tra nghiêm túc. Tại kỳ họp thứ 3, tôi đã kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ lúc bấy giờ về cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thuỷ Việt Nam. Tại đây có 10 doanh nghiệp nhà nước với hàng trăm tàu, nhiều tài sản nhà nước khác mà chỉ được định giá 327 tỷ đồng, tương đương 1 căn nhà tại phố cổ Hà Nội. Rất nhiều người bức xúc về việc này” – ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, người đứng đơn tố cáo khi đó là Nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cảng Hà Nội. Kết luận giải quyết tố cáo khiến ông này bất bình, vì nó cho rằng: không có vấn đề gì xảy ra, không tiếp cận được tài liệu về cổ phần hóa, quên nhà đầu tư chiến lược.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị xem xét lại vụ cổ phần hóa Tổng công ty vận tải thủy - đơn vị đã mua lại Hãng phim truyện Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quộc hội tỉnh Bến Tre.

“Không chỉ tài sản bị hạ giá thấp mà còn một vấn đề nữa là để ra ngoài một số tài sản khác không đưa vào cổ phần hóa giống như một loại quỹ đen của cổ phần hóa. Tôi đề nghị đồng chí (Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) cho xem xét một cách nghiêm túc. Người mua doanh nghiệp đó (Tổng công ty Vận tải thủy Việt nam) cũng chính là người mua Hãng phim truyện Việt Nam. Tôi chính thức đề nghị Thủ tướng xem xét lại 2 vụ cổ phần hóa này” – ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Bộ trưởng Công thương: Hoạt động của DNNN trong nhiều trường hợp như được “dắt trâu qua rào”

Bài viết mới