Tổng công ty Sông Đà vừa thông báo về việc đựa cổ phần của hàng loạt công ty thủy điện ra bán đấu giá.
Thoái vốn tại Thủy điện Hồ Bốn
Cụ thể, Sông Đà sẽ đưa 216.000 cổ phần của CTCP Thủy điện Hồ Bốn ra đấu giá với giá khởi điểm 10.400 đồng/cổ phần. Thời gian đăng ký và nộp tiền cọc từ 6/9 đên 26/9/207. Thời gian nhận phiếu tham dự đấu giá đến 16h ngày 29/9/2017. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào 10h ngày 3/10/2017 tại Sở GDCK Hà Nội.
Trước đó, Tổng Sông Đà sở hữu 360.000 cổ phần của CTCP Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc 1 (Nedi1). Từ tháng 7/2016, Bộ XD đã phê duyệt phê duyệt phương án thoái vốn tại Nedi1, tuy nhiên, ngay sau đó Nedi1 đã sáp nhập vào CTCP Thủy Điện Hồ Bốn.
Sau sáp nhập, Tổng Sông Đà nắm giữ 216.000 cổ phần của Thủy điện Hồ Bốn, chiếm 0,92% vốn điều lệ công ty. (Thủy điện Hồ Bốn có vốn điều lệ gần 235,4 tỷ đồng). Tính đến cuối năm 2016 Thủy điện Hồ Bốn có 5 cổ đông trong đó cổ đông lớn duy nhất Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (VPNNPC) sở hữu 93,09% vốn.
Thoái vốn tại Thủy điện Nậm Mức
Ngoài Thủy điện Hồ Bốn, cũng trong ngày 3/10 tới đây Sông Đà cũng dự kiến thực hiện phiên đấu giá 558.000 cổ phần của Thủy điện Nậm Mức với giá khởi điểm 10.300 đồng/cổ phần. Số cổ phần Tổng Sông Đà đưa ra đấu giá chiếm 1,3% tổng số cổ phần của Thủy điện Nậm Mức và cũng là toàn bộ cổ phần mà Tổng Sông Đà đang sở hữu. Phiên đấu giá cổ phần Thủy điện Nậm Mức sẽ diễn ra ngay trước phiên đấu giả cổ phần Thủy điện Hồ Bốn, vào lúc 8h30ph.
CTCP Thủy điện Nậm Mức thành lập năm 2007 với mục tiêu triển khai vận hành dự án Thủy điện Nậm Mức. Tháng 4/2012 dự án được giao cho Tập đoàn Bitexco điều hành. Đến cuối năm 2016, Bitexco là cổ đông lớn nhất nắm giữ 65,9% vốn điều lệ (vốn điều lệ 451 tỷ đồng). Ngoài ra, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc cũng là cổ đông lớn của Thủy điện Nậm Mức, nắm giữ 32,4% vốn.
Dự án bắt đầu phát điện tổ máy số 1 từ tháng 6/2015 và tổ máy số 2 cũng đã phát điện vào tháng 8/2015, hòa vào điện lưới Quốc gia. Năm 2015 doanh thu chỉ hơn 98 tỷ đồng thì sang năm 2016 doanh thu Thủy điện Nậm Mức gấp rưỡi, đạt hơn 155,55 tỷ đồng. Tuy nhiên số lỗ phải gánh năm 2016 hơn 5,4 tỷ đồng lại cao hơn rất nhiều so với số lỗ gần 1,55 tỷ đồng trong năm 2015. Và Công ty cũng dự kiến sẽ lỗ tiếp 4,25 tỷ đồng trong năm 2017.
Thoái toàn bộ gần 57% vốn tại Thủy điện Hương Sơn
Đây là 2 dự án Thủy điện Tổng Công ty Sông Đà dự kiến bán cổ phần ngay những ngày đầu tháng 10, còn trước đó, Tổng công ty Sông Đà đã đăng ký đưa hơn 16,27 triệu cổ phiếu GSM của Thủy điện Hương Sơn ra bán, trong đó cũng thông báo rõ sẽ chuyển nhượng hơn 15,38 triệu cổ phiếu để tái cơ cấu các khoản đầu tư và chuyển quyền sở hữu 885.850 cổ phiếu GSM cho các nhà đầu tư đã ký thỏa thuận với Tổng Công ty Sông Đà về việc nhân lại tài sản.
Tổng công ty Sông Đà đã nỗ lực thoái hết tại Thủy điện Hương Sơn từ trước đó bằng việc đăng ký bán dần cổ phiếu GSM. Từ tháng 5/2017, Tổng công ty Sông Đà đã nhiều lần đăng ký bán đi toàn bộ số cổ phần Thủy điện Hương Sơn, song đến nay công tác thoái vốn vẫn chưa hoàn tất.
Đã thoái hết vốn tại Thủy điện Sử Pán 2 (SP2) từ đầu năm 2017
Thời điểm đầu năm 2017 TCT Sông Đà đã hoàn tất bán gần 2,54 triệu cổ phần Thủy điện Sử Pán 2, thoái hết vốn (16,65%) tại đơn vị này. Việc thoái vốn tại Thủy điện Sử Pán 2 cũng là một phần trong kế hoạch kinh doanh năm 2017 củ Tổng công ty.
TCT Sông Đà cũng đang nỗ lực thoái vốn tại CTCP Đầu tư và Phát triển Điện Miền Trung
Không chỉ thoái vốn tại các công ty Thủy điện, mà Tổng Sông Đà cũng đang nỗ lực thoái vốn tại CTCP Đầu tư và Phát triển Điện Miền Trung (SEB) bằng việc liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu SEB. Nỗ lực thoái vốn của Tổng Công ty Sông Đà đã thể hiện bằng việc công ty liên tục đăng ký bán hết phần còn lại sau mỗi đợt bán không thành công.
Hiện tại Tổng công ty Sông Đà còn giữ lại hơn 1,21 triệu cổ phiếu SEB tương ứng 6,06% vốn điều lệ công ty.
Kế hoạch phát triển mới của TCT Sông Đà vẫn có rất nhiều Thủy điện
Không chỉ hoàn toàn là thoái vốn, mà kế hoạch động năm 2017 và thời gian tới của Tổng công ty Sông Đà cũng liên quan nhiều dự án thủy điện. Trong đó, trong năm 2017 Tổng công ty dự kiến hoàn thành xây lắp các công trình trọng điểm như đưa vào phát điện Thủy điện Xekaman San Xay, hoàn thành hầm Đèo Cả, đường Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đảm bảo mục tiêu tại Thủy điện Nam Theun tại Lào, triển khai thi công phương án dài hạn tại thủy điện Xêkaman 3.
Dự án Thủy điện Nam Theun 1 tại Lào là dự án do liên danh nhà thầu CMC (Italia) – Italian Thai (Thái Lan) – Sông Đà ký hợp đồng thi công tháng 5/2016. Đây là dự án lớn đấu thầu quốc tế đầu tiên Tổng công ty Sông Đà trúng thầu tại nước ngoài.
Đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà
Tháng 7 vừa qua Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty Sông Đà theo hình thức kết hợp bán bớt phần vón Nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Theo phương án được phê duyệt, sau cổ phần hóa vốn điều lệ TCT Sồng Đà là 4.500 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sẽ nắm giữ 51% cổ phần Sông Đà đến hết năm 2019 và sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50% vào năm 2020. Ngoài ra, Sông Đà sẽ bán 135 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (30% vốn), bán đấu giá công khai (IPO) 84,77 triệu cổ phần (18,82% vốn) và bán cho người lao động 822 nghìn cổ phần (0,18% vốn).