Theo ông Lộc, nhìn vào bức tranh thu, chi, hiện có nhiều điểm cần lưu ý. Báo cáo thẩm tra từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, thu ngân sách có tăng lên, tuy nhiên, nguồn thu đó không phải từ doanh nghiệp, mà phần lớn từ đất đai, tài nguyên và đó là nguồn thu không bền vững.
Trong khi đó, nguồn ngân sách chi thường xuyên lớn, còn chi cho đầu tư phát triển bị thu hẹp cũng cho thấy: Hướng chi đó không đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Mặt khác, kể cả chi cho đầu tư và chi thường xuyên đều có tình trạng lãng phí, hiệu quả không cao, có dấu hiệu thất thoát, tham nhũng.
Theo ông Lộc, để giảm được chi thường xuyên, cần thực hiện các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là về công tác cán bộ. Sớm đổi mới bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Cơ quan nhà nước chỉ tập trung làm thể chế, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công.
Liên quan đến việc tăng thu các khoản thuế, phí, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, việc điều chỉnh một số sắc thuế để đảm bảo nguồn thu là cần thiết, nhưng cần có lộ trình, tính toán cẩn trọng.
Vừa qua, khi có động thái về việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, chưa có một phân tích sâu nào nói về tác động đến cộng đồng DN ra sao, nhất là năng lực cạnh tranh, việc làm…“Vấn đề trên tác động đến người dân đã lớn, nhưng với cộng đồng DN thì vô cùng lớn”- ông Lộc nói.
Chủ tịch VCCI cũng cho biết, các DN Việt Nam đang rất khó khăn, khi có tới 60% số DN làm ăn không có lãi. Nếu tất cả đầu vào tăng lên, thuế tăng lên chắc chắn sẽ giảm sức cạnh tranh của DN, nền kinh tế.