Văn bản thẩm định 3 đặc khu kinh tế của Bộ Tài chính cho biết, vốn đầu tư cho Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc lên đến 1,57 triệu tỷ đồng. Số đầu tư này về sau được ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ quản lý các đặc khu kinh tế giải thích là cộng toàn bộ vốn đầu tư toàn xã hội (vốn từ ngân sách, địa phương, tư nhân, người dân), luỹ kế trong 10 năm của cả ba đặc khu.
Vốn ngân sách được hiểu là “vốn mồi”, đầu tư vào những dự án trọng điểm, nhằm thu hút các nhà đầu tư cùng vào đặc khu. Do vậy, nguồn ngân sách này sẽ được triển khai như thế nào, dự định phân bổ ra sao là một câu hỏi.
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch Đầu tư khẳng định, hiện trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 – 2020 không có đồng vốn nào cho ba đặc khu. Nguyên nhân là Luật chưa được thông qua, đặc khu chưa được thành hình.
“Chưa có công trình, chưa có mục tiêu nhiệm vụ gì thì không thể nói đến xin vốn đầu tư công được”, ông nói.
Tất nhiên nếu có vốn đầu tư công tại một công trình nào đó, ví dụ ở Phú Quốc giai đoạn 2016 – 2020 chẳng hạn, thì vốn này có ý nghĩa là đầu tư cho dự án công của huyện đảo Phú Quốc, có kế hoạch từ trước, không mang nghĩa đầu tư cho đặc khu.
Hiện chỉ đạo yêu cầu tổng hợp vốn cho ba đặc khu này, ông Phương cũng cho biết là chưa có.
Như vậy, giả sử Luật đặc khu được thông qua vào kỳ họp này, có hiệu lực từ năm 2019, thì dù thành hình, đặc khu cũng không được sử dụng vốn đầu tư trung hạn 2016 – 2020.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, giả sử nếu có nhiệm vụ cần sử dụng vốn, được sự chỉ đạo của Quốc Hội, Chính phủ, thì có thể làm động tác bổ sung, sử dụng nguồn vốn dự phòng được trích lập từ năm 2016. Khoản này hiện là 200 nghìn tỷ đồng.