Công ty sản xuất thiết bị viễn thông ZTE Corp. của Trung Quốc ước tính sẽ chịu thiệt hại ít nhất 20 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 3,1 tỷ USD, vì lệnh trừng phạt của Mỹ khiến công ty này phải dừng gần như tất cả các hoạt động chính, mất khách hàng và đối mặt với chi phí gia tăng.
Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng, ZTE vẫn đang hy vọng Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ sẽ sớm đạt thỏa thuận để ZTE được Washington dỡ trừng phạt. Đây là lệnh trừng phạt liên quan đến việc ZTE vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Theo đó, Chính phủ Mỹ cấm các công ty nước này cung cấp linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm.
Cũng theo nguồn tin, ZTE đã chuẩn bị sẵn kế hoạch để đưa các nhà máy đang ngừng hoạt động của mình trở lại làm việc bình thường chỉ sau vài giờ một khi Mỹ đồng ý dỡ trừng phạt.
ZTE, công ty có trụ sở ở Thẩm Quyến, phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện Mỹ, như con chip từ hãng Qualcomm, để sản xuất các sản phẩm như điện thoại thông minh và thiết bị mạng viễn thông.
ZTE là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ nhì Trung Quốc, và việc Mỹ trừng phạt ZTE có liên quan nhiều đến căng thẳng thương mại leo thang gần đây giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hôm thứ Ba, Tổng thống Donald Trump nói ông đang xem xét lại việc trừng phạt ZTE, có thể dỡ lệnh cấm, nhưng thay vào đó sẽ phạt ZTE hơn 1 tỷ USD.
ZTE hiện đang trong cảnh “như ngồi trên đống lửa”, khi mỗi ngày vẫn phải bỏ ra 80-100 triệu Nhân dân tệ chi phí hoạt động, mà phần lớn 75.000 nhân viên của công ty không có việc để làm.
ZTE bắt đầu gặp rắc rối vào năm 2016 khi bị phát hiện vi phạm luật Mỹ về hạn chế bán công nghệ Mỹ cho Iran. Theo thỏa thuận giữa Chính phủ Mỹ và ZTE vào năm 2017, công ty này phải nộp phạt 1,2 tỷ USD và phạt những nhân viên có liên quan.
Tuy nhiên, tháng 4/2018, Bộ Thương mại Mỹ nói rằng ZTE vẫn thưởng đầy đủ cho những nhân viên có liên quan đến vi phạm nói trên, và không hề khiển trách những nhân viên này. Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ ra lệnh cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong 7 năm. Lệnh cấm đã dẫn tới việc cổ phiếu của ZTE bị ngừng niêm yết cả ở thị trường Thẩm Quyến và Hồng Kông kể từ đó.
Giới quan sát cho rằng căng thẳng có thể dễ dàng leo thang. Đã có một số lo ngại rằng Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt tương tự như đối với ZTE lên Huawei, nhà sản xuất điện thoại di động và thiết bị viễn thông lớn nhất của Trung Quốc. Tháng trước, Bloomberg đưa tin nói rằng Mỹ đang thực hiện một cuộc điều tra nhằm xác định xem liệu Huawei có vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.