Kỳ vọng lớn vào mảng bất động sản, Đạt Phương lên HoSE với thị giá nhích nhẹ so với mức tham chiếu

Sáng nay ngày 22/5, gần 30 triệu cổ phiếu Đạt Phương chính thức niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE). Trong đầu phiên giao dịch, giá cổ phiếu DPG có lúc tăng lên mốc 58.000 đồng/cp, tương ứng tăng 8% so với giá tham chiếu. Khối lượng khớp lệnh đạt khoảng 40.000 cổ phiếu sau nửa giờ giao dịch đầu tiên.

Kết phiên sáng, cổ phiếu DPG của CTCP Đạt Phương đạt 55.000 đồng/cp, tương đương tăng hơn 2% so với mức tham chiếu là 53.800 đồng/cp.

Về Đạt Phương, Công ty hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm xây lắp, thủy điện và bất động sản. Riêng mảng xây lắp chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và 64,4% lợi nhuận gộp của Công ty trong năm 2017. Một số dự án tiêu biểu như cầu Đế Võng (Hội An), cầu Đại Phước (Đồng Nai), cầu Bến Thủy II (Nghệ An) và cầu Niệm 2 (Hải Phòng). Trong đó, dự án BT cầu Đế Võng đem lại quỹ đất chuyển giao 259,6 ha tại Hội An, tạo tiền đề cho mảng hoạt động mới trong năm 2018 là bất động sản nghỉ dưỡng.

Tại mảng thủy điện, Đạt Phương đầu tư 4 nhà máy thủy điện, trong đó có thủy điện Sông Bung, công suất 29 MW đang hoạt động từ năm 2012. Còn lại, thủy điện Sơn Trà 1A, 1B công suất 30 MW dự kiến phát điện từ tháng 6/2018 và Sơn Trà 1C công suất 9 MW phát điện trong năm 2020. Tổng công suất dự kiến đạt 98 MW.

Kỳ vọng lớn vào mảng bất động sản, Đạt Phương lên HoSE với thị giá nhích nhẹ so với mức tham chiếu - Ảnh 1.

Biến động giá cổ phiếu DPG trong 6 tháng

Nói về thủy điện, kế hoạch của Đạt Phương là sẽ cung cấp điện trong những giờ cao điểm nhằm thu về mức giá cao nhất. Bên lề sự kiện niêm yết, khi được hỏi về kế hoạch dự trữ nguồn nước như thế nào, ông Lương Minh Tuấn – Chủ tịch Công ty cho biết: “Thực tế những dự án thủy điện của Đạt Phương được đầu tư ở miền Trung có lưu lượng nước cao nên vấn đề thiếu nước không quá nghiêm trọng. Chưa kể, các thủy điện hiện nay của Công ty đều có bể chứa dự trữ đủ lượng nước phát điện, riêng dự án Sơn Trà 1A, 1B tương lai sẽ lấy nước từ thủy điện Đăk Đrinh sau khi hoàn thành”.

Đặc biệt tại mảng bất động sản, với quỹ đất 259,6 ha đổi từ dự án BT cầu Đế Võng, Đạt Phương dự kiến phát triển 5 dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Hội An gồm Khu đô thị Đồng Nà, Võng Nhi, Cồn Tiến, Nồi Rang và Khu phức hợp nghỉ dưỡng Bình Dương. Trong đó, dự án Nồi Rang sẽ chuyển nhượng khi hoàn thành hạ tầng còn 4 dự án khác Đạt Phương sẽ tự khai thác. Bất động sản là mảng có biên lợi nhuận rất cao, ông Tuấn kỳ vọng sẽ đóng góp đến một nửa biên lợi nhuận Công ty đến năm 2020. Chia sẻ thêm, đại diện Đạt Phương cho biết rất quan tâm đến những loại hình bất động sản như nhà ở thương mại… tuy nhiên tương lai Công ty sẽ cân nhắc nếu khả thi sẽ tiến hành đầu tư.

Năm 2018, Đạt Phương đạt kế hoạch doanh thu thuần 1.996,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 189 tỷ đồng, tăng lần lượt 42% và 20% so với kết quả năm trước.

Giai đoạn 2018 – 2020, Công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng hàng năm (CAGR) 37,4%, lợi nhuận sau thuế tăng 40,4% tương đương EPS tăng 39,67%. Trong đó, doanh thu xây lắp tăng trưởng ổn định 5%; thủy điện gấp 3 lần từ sau 2019 khi nhà máy Sơn Trà 1A, 1B đi vào hoạt động từ tháng 6/2018; bất động sản tăng mạnh từ 2019, chiếm trên 30% tổng doanh thu từ 2020.

Cơ cấu doanh thu, lợi nhuận cũng có sự thay đổi từ năm 2018 đến 2020. Mảng xây lắp sẽ giảm dần tỷ trọng, thay vào đó là đóng góp từ thủy điện và bất động sản, nhất là bất động sản. Định hướng đến 2020, bất động sản chiếm tỷ trọng 42,5% cơ cấu lợi nhuận sau thuế, sau đó là xây lắp (29%) và thủy điện (28,5%).

Bài viết mới