CTCK VCBS: Cân nhắc hạ tỷ lệ đòn bẩy về mức an toàn
Trong bối cảnh cả hai chỉ số đang ở mức đỉnh cũ trong tháng 1, phiên hôm qua đã chứng kiến áp lực chốt lời ngắn hạn ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn – vốn là những cổ phiếu đã hồi phục và tăng giá mạnh sau khi điều chỉnh giảm trong giai đoạn đầu tháng 2. Như vậy, nhìn tổng thể thì chỉ số vẫn đang có xu hướng vận động tích lũy và dao động trên ngưỡng tâm lý 1.000 điểm và có thể sẽ cần thêm thời gian để ổn định mặt bằng giá mới sau một giai đoạn tăng giá liên tục kể từ nửa cuối năm 2017.
Theo đó, nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi tại các vùng giá cao trong phiên và có thể cân nhắc hạ tỷ lệ đòn bẩy về mức an toàn, đồng thời các cổ phiếu trong danh mục nên hướng tới mục tiêu đầu tư trung-dài hạn với sức mạnh tài chính tốt và triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2018.
CTCK BSC: Cân nhắc việc chốt lời
Tâm lý hưng phấn kéo chỉ số thị trường tăng mạnh ngay trong phiên sáng. Nhóm các cổ phiếu nhỏ và vừa hút dòng tiền đặc biệt ở nhóm Bất động sản có thể kể đến như HBC, NLG, KDH. Trong phần lớn thời gian giao dịch, các cổ phiếu Thép vẫn phải chịu áp lực bán lớn nhưng lực đỡ từ dòng tiền của nhà đầu tư vẫn khá mạnh, cổ phiếu HPG dù giảm nhưng giá trị giao dịch đạt hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, phiên ATC đã diễn biến khá khó lường. Đồng loạt các cổ phiếu trụ cột bị bán mạnh khiến thị trường giảm điểm sâu, đặc biệt là Nhóm Tài chính như Ngân hàng và Chứng khoán.
Bất ngờ nhất là việc VRE giảm sàn dù đã được hỗ trợ khá lớn bởi thông tin trước đó. BSC nhận định, dường như tâm lý lo ngại sự điều chỉnh theo chứng khoán thế giới vẫn chưa thực sự được loại bỏ. Nhà đầu tư nên cân nhắc việc chốt lời và theo dõi thị trường khi mà nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh trong những phiên sắp tới.
CTCK Rồng Việt: Nếu bán tháo diễn ra trên diện rộng, đây sẽ lại là một cơ hội
Vẫn là những nỗ lực bứt phá bất thành của thị trường, nhưng việc chỉ số lao dốc chỉ trong 5 phút cuối của phiên ATC thì lại rất bất ngờ và khiến hầu hết mọi người không kịp trở tay. Cú bán mạnh chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, với danh sách các cổ phiếu bị bán mạnh gói gọn trong nhóm chứng khoán (SSI, HCM, VND), ngân hàng (BID, CTG, VCB, ACB, MBB, VPB), và các cổ phiếu vốn hóa lớn như PLX, GAS, NVL, cũng làm dấy lên những nghi ngờ hành động này xuất phát từ những người chơi lớn. Tính trên toàn VN-Index, vẫn có 125 mã tăng so với 173 mã giảm, nhưng chỉ số vẫn mất tới 2,47% so với cuối tuần trước, còn 1.093 điểm.
Phiên điều chỉnh cuối cùng đã diễn ra như chúng tôi dự tính, dù kịch bản là khá bất ngờ. Khả năng chỉ số tiếp tục giảm là hiện hữu, nên trong trường hợp có một nhịp hồi phục vào đầu phiên, NĐT có thể hạ bớt vị thế cổ phiếu và chờ đợi tham gia trở lại ở vùng giá thấp hơn. Nếu bán tháo diễn ra trên diện rộng, đây sẽ lại là một cơ hội để NĐT có thể mua được những cố phiếu tốt ở mức giá hấp dẫn.
CTCP FPT – FPTS: Tạm dừng các hành động giải ngân mới
Phiên sụt giảm hôm qua của thị trường xuất phát từ áp lực bán mạnh đột ngột trong phiên chiều tại nhóm ngân hàng và một số cổ phiếu trụ cột như HPG, VRE…
Trong đó, biến động của VRE gây nhiều bất ngờ bởi cổ phiếu này vừa được công bố thêm vào danh mục của FTSE VietNam ETF.
Với trạng thái này, chúng tôi lo ngại tâm lý bán tháo có thể bị kích hoạt trở lại và gây tác động xấu hơn đến xu hướng trong các phiên kế tiếp.
Nhà đầu tư nên tạm dừng các hành động giải ngân mới, bám sát diễn biến thị trường chung để có thể ra quyết định phù hợp.
Nếu VN-Index tiếp tục xuyên phá qua đường SMA 20 thì việc giảm tỷ trọng cổ phiếu sẽ được khuyến nghị để đề phòng rủi ro của xu hướng giá xuống.
CTCK KB Việt Nam – KBSV: Tạm thời đứng ngoài thị trường
Nỗ lực vượt đỉnh bằng các cổ phiếu BigCaps bất thành và động thái bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại ở HPG đã gần như đẩy thị trường vào xu hướng giảm giá.
Rủi ro toàn phần đã lên mức báo động rất cao khi hàng loạt mã chứng khoán như SSI, HCM, VND … giảm hết biên độ một cách bất ngờ trong phiên ATC. Nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài thị trường, ưu tiên quản trị rủi ro.