Chẳng hạn Maritime Bank cho biết, để kiểm tra tình trạng sổ của mình, người dùng chỉ cần truy cập website ngân hàng, nhấp vào biểu tượng “chú heo tiết kiệm” ở bên phải màn hình trang chủ rồi sau đó nhập một số thông tin cá nhân được bảo mật khác, khách hàng sẽ tra cứu được mọi thông tin của sổ bao gồm: tên chủ thẻ, số tiền gốc ban đầu, tiền gốc hiện tại, ngày gửi, ngày đáo hạn, kỳ hạn, lãi suất…Người dùng có thể kiểm tra ngay tình trạng sổ tiết kiệm theo cách này mà không cần phải thực hiện bất kỳ thủ tục đăng ký nào.
Sacombank cũng ra mắt ứng dụng theo dõi và quản lý tài khoản tiết kiệm với hai cách. Cách đầu tiên là tra cứu bằng cách nhập số tài khoản thẻ tiết kiệm trên trang web của ngân hàng. Để sử dụng cách tra cứu này, khách hàng chỉ cần đăng ký thủ tục một lần duy nhất tại bất kỳ điểm giao dịch nào của Sacombank hoặc đăng ký trực tuyến trên chính trang web này.
Cách thứ hai, đối với khách hàng đang sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử Sacombank có thể vào mục Tài khoảnTài khoản có kỳ hạn trên Ngân hàng điện tử. Hệ thống sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin như số tài khoản, tên sản phẩm, số tiền gửi, kỳ hạn, ngày đáo hạn, lãi suất… của tất cả các thẻ tiết kiệm khách hàng mở tại Sacombank.
Tại VietinBank, ngân hàng cho phép khách hàng kiểm tra thông tin sổ tiết kiệm qua internet khi truy cập vào website của ngân hàng này. Đầu tiên, khách hàng chọn mục “Công cụ và tiện ích”, chọn “Tra cứu số dư sổ/thẻ tiết kiệm”. Sau đó khách hàng nhập đầy đủ các thông tin như Số tài khoản, số Serial sổ/thẻ tiết kiệm, số TCC/CMND/HC, số điện thoại. Ngân hàng cho biết việc yêu cầu cung cấp đầy đủ 4 trường thông tin này đảm bảo chỉ chính chủ sở hữu đang nắm giữ sổ/thẻ tiết kiệm mới có thể tra cứu thông tin, giúp khách hàng hoàn toàn yên tâm với tính chính xác, an toàn và bảo mật của công cụ.
Thông qua công cụ, khách hàng có thể tra cứu các thông tin: Họ và tên chủ sở hữu sổ/thẻ tiết kiệm, số dư hiện tại, số tiền bị phong tỏa (nếu có), kỳ hạn, ngày phát hành, ngày đến hạn của tài khoản tiền gửi tiết kiệm. Việc sử dụng công cụ qua máy tính và các thiết bị di động cũng rất nhanh chóng thuận tiện và an toàn.
BIDV thì khuyến cáo người dùng sử dụng dịch vụ tin nhắn báo biến động số dư tài khoản (BSMS), bao gồm tin nhắn tự động mỗi khi tài khoản gồm cả tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi tiết kiệm, thẻ tín dụng và nhiều loại tài khoản khác có thay đổi. Người dùng có thể đăng ký dịch vụ này tại website của BIDV hoặc gọi đến tổng đài 19009247 hoặc nhắn tin đến tổng đài (sau khi nhận được tin nhắn thông báo của BIDV) mà không phải đến quầy.
Hoặc như VietABank cũng đã mở mục tra cứu thông tin về tình trạng của Sổ tiết kiệm đã được cập nhật trên hệ thống ngân hàng kể cả trường hợp chưa có tài khoản thanh toán. Cụ thể, sau khi khách hàng nhập số tài khoản sổ tiết kiệm, màn hình sẽ hiển thị các thông tin: Tên sản phẩm; Số tiền gửi; Kỳ hạn gửi tiền; Ngày mở sổ; Ngày đến hạn thanh toán; Lãi suất…là tra cứu được hết các thông tin về sổ tiết kiệm của mình.
Các ngân hàng cho biết, tiện ích tra cứu sổ tiết kiệm trên website mang tới sự minh bạch hóa thông tin và đảm bảo nguyên tắc bảo vệ an toàn thông tin cho khách hàng gửi tiền có thể kiểm soát rủi ro các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân. Trong tình hình gia tăng các loai tội phạm và lừa đảo, thì ngân hàng xem các kênh giao dịch ngân hàng điện tử không chỉ là kênh cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà còn là một trong các biện pháp giúp khách hàng chủ động quản lý tài sản của mình tại ngân hàng.