Quỹ ngoại tiếp tục ‘kiếm lời’ trong 2 tháng đầu năm

Cái tên đầu tiên cần đề cập làVietnam enterprise investments limited (VEIL)được quản lý bởi Dragon Capital – quỹ đầu tư quen thuộc trên thị trường Việt Nam. Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2018, VEIL đã ghi nhận mức tăng trưởng tài sản ròng (NAV) 12,5% ở mức 1.747,8 tỷ USD, NAV/CCQ ở mức 7,94 USD tính tại ngày 27/02.

Những cổ phiếu đóng góp vào tăng trưởng tài sản của VEIL vẫn không có nhiều thay đổi so với năm trước. Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ chiếm gần 52% tài sản, trong đó MWG, ACB và MBB chiếm tỷ trọng cao nhất lần lượt 7,26%, 7,29% và 6,88% NAV.

Nếu như khoản đầu tư vào ACB và MBB khiến VEIL ‘tự hào’ khi ghi nhận mức tăng trưởng tốt lần lượt 20% và 31% kể từ đầu năm, thì MWG lại làm VEIL ‘ngậm trái đắng’. Trong 2 tháng đầu năm, thị giá cổ phiếu MWG đã giảm 8% và đang dừng ở mức giá 121.500 đồng/cp.

Khoản đầu tư lớn thứ 4 là Vinamilk cũng góp phần kéo giảm NAV của VEIL khi thị giá cổ phiếu này trên thị trường giảm gần 6% xuống chỉ 199.300 đồng/cp hay như thị giá ACV cũng giảm 17%.

Trong khi đó, 5 khoản đầu còn lại đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, trong đó KDH tăng 34%, GAS tăng 23%, FPT tăng 2,17%, HPG tăng 39%, VJC tăng 39%.

Danh mục của VEIL

Quỹ ngoại tiếp tục ‘kiếm lời’ trong 2 tháng đầu năm - Ảnh 1.

VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) được quản lý bởi VinaCapital cũng là một trong số những quỹ ghi nhận tăng trưởng tài sản trong thời gian qua.

Tính đến ngày 23/02, NAV của VOF ở mức 1,18 tỷ USD, tương đương NAV/CCQ ở mức 5,96 USD, tăng 8% so với thời điểm cuối năm 2017. Tính theo niên độ tài chính 2018 của VOF (kết thúc ngày 30/06), NAV của quỹ đã tăng 26,3% và tăng 5,4% trong tuần gần nhất.

Top 10 khoản đầu tư của VOF hiện chiếm 64% tài sản ròng của quỹ, trong đó cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 16,3% NAV, theo sau là VNM với 9,8% NAV và ACV với 7,8% NAV. Một số cổ phiếu khác cũng xuất hiện trong danh mục của VOF là KDH, PNJ, EIB, HDB, PVS và QNS.

Danh mục của VOF

Quỹ ngoại tiếp tục ‘kiếm lời’ trong 2 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Bên cạnh 2 quỹ trên, PYN Elite Fund (non-UCITS) cũng là cái tên đáng chú ý. Trong 2 tháng đầu năm, NAV cũng tăng 2,45%, và chốt ở mức 324,768 euro/CCQ tại ngày 01/03. Năm 2017, quỹ này ghi nhận mức tăng trưởng 21% trong cả năm, trong đó tháng 2 là thời điểm đóng góp mức tăng trưởng tuyệt đối cao nhất với 7,96%.

Danh mục đầu tư của PYN Elite Fund hiện nay đang có 12 mã cổ phiếu trong đó, ba mã chiếm tỷ trọng cao nhất là MWG, chiếm 14,3% NAV, CII chiếm 7,9% NAV, HBC, chiếm 7,2% NAV.

Danh mục của PYN Elite Fund

Quỹ ngoại tiếp tục ‘kiếm lời’ trong 2 tháng đầu năm - Ảnh 3.

Tính từ đầu năm 2018, VN-Index đã tăng 13,7% so với thời điểm cuối năm trước. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang được các chuyên gia và CTCK nhận định còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm nay.

Bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định quy mô thị trường chứng khoán trong năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh vì chỉ tính đến yếu tố IPO và niêm yết của các doanh nghiệp trong năm tới nếu đúng tiến độ thì quy mô thị trường đã có thể tăng trưởng khoảng 20%.

Nhìn chung, TTCK Việt Nam năm 2018 ở mức khiêm tốn có thể tăng trưởng quy mô khoảng 25% trong đó 20% đóng góp từ làn sòng IPO và niêm yết cổ phiếu mới còn 5% tăng về điểm số.

Trong khi đó, một số CTCK cho rằng, VN-Index có thể đạt đến 1.200 điểm vào cuối 2018, với mức tăng trưởng xấp xỉ năm 2017. Các thương vụ thoái vốn hay IPO lớn thực hiện thành công cuối năm 2017 và đầu 2018 đã kéo theo một lượng vốn đầu tư lớn vào thị trường, thanh khoản và vốn hóa thị trường dự đoán tăng trưởng mạnh trong năm.

Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng trưởng tốt là điểm tựa để thị trường duy trì xu hướng tăng. Thêm vào đó, hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước sau IPO được kỳ vọng sẽ hiệu quả và minh bạch hơn cũng là điểm sáng mà thị trường có thể trông chờ.

Nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo chuẩn MSCI hỗ trợ dài hạn cho thị trường. Câu chuyện này được nhắc lại ngày một nhiều, nhất là trong năm 2017 thị trường nhận dòng vốn đầu tư từ nước ngoài khổng lồ. Nếu những thay đổi diễn ra tích cực thì việc được đưa vào danh sách theo dõi có thể kỳ vọng vào giữa năm 2019 và sẽ mất thêm 2 năm để TTCK Việt Nam chính thức nằm trong nhóm các thị trường mới nổi.

Với những tín hiệu tích cực và dự báo lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam, cơ hội cho nhà đầu tư và các quỹ tìm kiếm lợi nhuận vẫn rất lớn.

Quỹ lớn thứ 2 thuộc Dragon Capital bất ngờ bị rút vốn mạnh trong những ngày đầu năm mới

Bài viết mới