TP.HCM phản biện đề án tăng thu nhập cho CBCCVC

Theo đề án, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị trong giai đoạn 2018-2020 sẽ theo lộ trình như sau: Năm 2018 tăng tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2019 tăng tối đa là 1,2 lần và đến năm 2020 sẽ tăng tối đa là 1,8 lần.

PGS Võ Trí Hảo, Phó Trưởng khoa Kinh tế-luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng ông có cảm giác đề án chưa tạo sự cạnh tranh giữa các đơn vị là nơi được tăng thêm thu nhập trong khi mong muốn của TP.HCM là tạo chính sách, cơ chế đặc thù để xây dựng đội ngũ CBCC đạt hiệu quả cao.

Từ đó ông Hảo cho rằng không nên cứng nhắc hệ số điều chỉnh tăng thêm thu nhập từng năm mà chia theo nhóm chất lượng công việc. Theo đó, đối với đơn vị đạt hiệu quả tốp đầu của TP.HCM cho phép áp dụng ngay mức tăng 1,8 lần, tốp giữa tăng 1,2 lần và tốp cuối tăng 0,6 lần.

TP.HCM phản biện đề án tăng thu nhập cho CBCCVC - Ảnh 1.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, nêu ý kiến ủng hộ đề án tăng thu nhập cho CBCCVC TP. Ảnh: T.LÂM

“Tôi hy vọng sau năm 2021, TP.HCM sẽ xin được nghị quyết mới để nâng trần 1,8 lần lên 3,6 lần chứ mức tăng 1,8 lần vẫn còn rất thấp so với đặc thù nhiều công việc như ở TP.HCM. Bởi số lượng công việc, hồ sơ mà một số nơi ở TP.HCM phải giải quyết cao gấp 10 lần ở địa phương khác. Như ở quận Tân Phú có phường phải giải quyết công việc cho gần 100.000 dân, tương đương với ba huyện miền núi. Vậy thì lý do gì phải khống chế mức trần tăng là 1,8 lần?” – ông Hảo nói.

Cũng quan tâm đến hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm cho CBCCVC, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, nhìn nhận CBCCVC ở TP.HCM luôn làm việc với năng suất cao, đóng góp vào ngân sách trung ương 28%. “Năng suất cao thì phải thu nhập cao” – ông Ngân quả quyết và lý giải thêm công chức TP.HCM còn làm việc trong môi trường áp lực rất lớn.

Đánh giá cán bộ phải thực chất

Theo dự thảo đề án thì chỉ CBCCVC nào được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên mới được tăng thu nhập. Việc đánh giá này do thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm.

Về vấn đề này, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng cần quan tâm đến việc đảm bảo sự công bằng, tránh sự cào bằng trong tăng thêm thu nhập.

Ông Châu Minh Tỷ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cũng cho rằng cần phải xem xét lại cách đánh giá CBCCVC hiện nay. Ông nêu thực trạng CBCC giỏi nếu được lãnh đạo trọng dụng thì một thời gian sau bị cô lập, không phát huy được nữa. “Lại có những CBCC mà thủ trưởng không dám giao nhiệm vụ hoặc giao rất ít nên cuối năm tổng kết thì lại hoàn thành hết các nhiệm vụ” – ông Tỷ nói.

Theo ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, hiện nay công tác đánh giá còn nhiều bất cập. Dù nói là thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá nhưng cuối cùng hằng năm cũng phải bỏ phiếu bình chọn. Thủ trưởng cũng rất ngại với việc bỏ phiếu. Còn bỏ phiếu bình bầu thì còn “dĩ hòa vi quý”.

Đề xuất tăng thuế thu nhập cá nhân: Chuyên gia nói gì?

Bài viết mới