Mạng xã hội Trung Đông bất ngờ lọt top ứng dụng tại 18 nước

Vero – một mạng xã hội kiểu mới của starup tại quốc gia Trung Đông Lebanon đang nổi lên nhanh chóng. Ra đời năm 2015 với mục tiêu trở thành mạng xã hội thay thế của Facebook và Instargram, vài tuần qua, Vero trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Theo Forbes, Vero lọt vào top ứng dụng mạng xã hội được tải xuống nhiều nhất trên cả cửa hàng ứng dụng App Store của Apple và Android Apps của Google Play trong tuần qua và lên vị trí số một vào 26/2.

Theo công ty nghiên cứu dữ liệu thị trường ứng dụng App Annie, Vero là ứng dụng mạng xã hội được tải xuống nhiều nhất tại 18 quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp… hôm 28/2 và chạm mốc 1 triệu người dùng.

Khác với Facebook, Vero theo đuổi mô hình mà sau cùng sẽ phụ thuộc vào việc thu phí người dùng hơn là kiếm tiền từ quảng cáo. Hiện startup này chưa quyết định khoản phí sẽ thu.

“Mô hình tính phí của chúng tôi cho phép giữ cho Vero ‘sạch’ quảng cáo và chỉ đơn thuần tập trung vào việc mang lại những trải nghiệm xã hội tốt nhất, thay vì cố gắng tìm cách kiếm tiền từ hành vi của người dùng hoặc lôi kéo họ với những thông báo trong ứng dụng”, Vero tuyên bố trên website.

Vero cho phép người dùng gom các kết nối của mình theo những danh mục khác nhau để cài đặt chế độ chia sẻ khác nhau. Người dùng sẽ nhóm tài khoản khác trên Vero vào các nhãn ví dụ: “bạn bè”, “người quen” hay “người theo dõi”. Sau đó, họ có thể chia sẻ mọi thứ từ âm nhạc, link liên kết, phim ảnh, vị trí hay hình ảnh riêng với từng nhóm.

“Chúng tôi cho phép người dùng chỉ chia sẻ những phần của cuộc sống mà họ cho là thú vị nhất. Khi có thể kiểm soát sẽ nhìn thấy những chia sẻ đó, bạn có thể hành xử theo cách tự nhiên hơn – điều mà chúng tôi tin rằng sẽ tốt hơn cho bạn”, Vero nói trên website.

Vero ban đầu hứa sẽ miễn phí thường niên trọn đời cho 1 triệu người dùng đầu tiên. Tuy nhiên, sau một số lỗi kỹ thuật do lượng đăng ký quá lớn, hôm 28/2, mạng xã hội này tuyên bố đã chạm mốc 1 triệu người dùng và sẽ miễn phí thường niên trọn đời cho người dùng đăng ký mới cho tới khi có thông báo mới.

Người đồng sáng lập Vero – Ayman Hariri là con trai của cựu Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri – người bị ám sát vào 2005 khi còn đương chức. Anh trai của Ayman – Saad Hariri hiện là Thủ tướng Lebanon và cũng là một tỷ phú.

Hariri, 39 tuổi, nảy ra ý tưởng thành lập Vero sau khi nhận thấy bạn bè trên Facebook của mình “hành động rất khác với những gì tôi biết về họ ngoài đời thực”.

“Trong thế giới thực, chúng ta không có khán giả”, Hariri nói. “Chúng ta đối xử với những người khác nhau xung quanh mình theo những các khác nhau dựa trên mức độ thân thiết. Một mạng xã hội tốt nhất là mạng xã hội tồn tại giữa những con người trong thế giới thực”. Đó là điều Vero theo đuổi, tỷ phú 39 tuổi cho biết.

Theo thống kê của Forbes, Hariri hiện có tài sản trị giá 1,3 tỷ USD. Hariri được thừa hưởng một số cổ phần từ cha tại công ty xây dựng Saudi Oger có trụ sở tại Saudi Arabia và đã bán cho anh trai Saad vào năm 2014.

Năm 2017, tỷ phú này bán 42% cổ phần tại công ty GroupMed của gia đình với giá 530 triệu USD. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản ở 7 quốc gia Trung Đông và châu Âu.

Hariri quản lý các khoản đầu tư startp công nghệ của mình thuông qua quỹ đầu tư mạo hiểm Red Sea Ventures có trụ sở tại New York. Quỹ này đã rót vốn vào hơn 30 startup, trong đó có Nest Labs – công ty được Google mua lại vào năm 2014.

Tỷ phú 39 tuổi cho biết giải quyết các vấn đề bằng kỹ thuật là một trong những đam mê của mình. Tốt nghiệp đại học Georgetown (Mỹ), năm 2001, Hariri thành lập startup phần mềm quản lý nhận diện Epok cùng với nhà đầu tư mạo hiểm Scott Birnbaum – cũng là người đồng sáng lập Vero.

Nói về việc Vero bất ngờ có lượng tải xuống kỷ lục, Hariri cho rằng đó là nhờ hiệu ứng truyền miệnh giữa các cộng đồng lớn từ cộng đồng hóa trang (cosplay) cho đến nhiếp ảnh và hội mê xăm hình.

Dù đang ngày càng trở nên phổ biến, ứng dụng Vero hiện chỉ được đánh giá 2,1/5 sao trên App Store của Apple với nhiều người dùng phàn nàn gặp nhiều lỗi và chậm.

Vừa được trả tự do, người giàu nhất Trung Đông đã “bỏ túi” 1 tỷ USD

Bài viết mới