* Các sự kiện và nhân vật tham khảo từ cuốn sách Warren Buffett – The making of an American Capitalist và một số tài liệu khác.
Hồi tuần trước, website của Berkshire Hathaway đã đăng tải bức thư thường niên của nhà đầu tư huyền thoại Warren Bufffett, cũng là chủ tịch và CEO, gửi tới cổ đông của công ty năm nay.
Như thường lệ, bức thư nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư tài chính khắp thế giới, đặc biệt là những người theo trường phái đầu tư giá trị, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đang giao dịch ở mức giá kỷ lục lịch sử với nhưng gần đây đã trải qua vài đợt rung lắc với những phiên giá cổ phiếu biến động rất mạnh.
Trong bức thư, Warren Buffett vẫn khuyên nhà đầu tư tiếp tục theo đuổi một chiến lược đơn giản tập trung vào cổ phiếu. Mặc dù vậy, ông đặc biệt phản đối việc sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư cổ phiếu, bởi nó có thể làm trầm trọng thêm sự tổn thương nếu thị trường xảy ra biến động.
Thậm chí kể cả khi khoản vay mượn là nhỏ và vị thế của nhà đầu tư là tuyệt đối an toàn, việc duy trì các khoản vay nợ trong tài khoản vẫn khiến cho tâm trí nhà đầu tư dễ bị dao động, sợ hãi, và không thể đưa ra các quyết định đầu tư tốt.
Warren Buffett có từng vay nợ để đầu tư cổ phiếu?
Vậy khi điều hành Berkshire Hathaway, Warren Buffett có bao giờ vay nợ để lấy tiền đầu tư cổ phiếu không? Thật bất ngờ khi câu trả lời lại là có.
Đầu những năm 1970, các nhà quản lý quỹ thời đó bị choáng váng bởi sự sụp đổ của thị trường sau thời kỳ bùng phát trước đó. Họ đã thu hẹp danh mục đầu tư của mình lại và tập trung vào những cổ phiếu đang tăng trưởng một cách rõ ràng lúc này như Xerox, Kodak, Polaroid, Avon hay Texas Instrument.
Những cổ phiếu trên được thị trường coi như ‘an toàn ở mọi mức giá’ và xem như những lựa chọn hảo hạng (bluechips) cho nhà đầu tư. Thậm chí, đến năm 1972, top 50 cổ phiếu vốn hóa lớn và tăng trưởng nhanh nói trên được giao dịch với mức giá lên tới 80 lần lợi nhuận.
Trong khi đó, Warren Buffett đã chán nản với thị trường cổ phiếu từ khi không còn những cổ phiếu giá rẻ để mua vào. Ông đã không tham gia thị trường được vài năm và nghỉ ngơi được một thời gian sau khi giải thể những quỹ đầu tư do mình quản lý. Lúc này, ông chỉ còn giữ lại một số khoản đầu tư cá nhân, trong đó có Berkshire Hathaway mà ông là chủ tịch kiêm CEO.
Năm 1973, các cổ phiếu top 50 bắt đầu đi xuống, những cổ phiếu ‘có vẻ an toàn’ lại đang rớt giá. Chỉ số Dow Jones có lúc đã từng phá ngưỡng 1.000 điểm, bây giờ giảm xuống chỉ còn dưới 950 điểm. Thị trường dao động, còn Warren Buffett lại bắt đầu hứng thú trở lại và tìm kiếm những cổ phiếu ngoài top 50 có giá cả hợp lý hơn.
Chỉ số càng giảm và thị trường càng hoảng loạn, Buffett càng mua vào nhiều hơn. Ban đầu là công ty cấp nước California, 1st Citizen Bank, General Motors,… Danh mục cổ phiếu mà Berkshire Hathaway mua vào sau đó đã lên tới con số hàng chục cổ phiếu.
Hàng loạt cổ phiếu của các công ty Mỹ giảm điểm khiến nước Mỹ như bị cho không ở thời điểm này. Lãi suất ngân hàng cũng đang ở mức thấp.
Vay khi không ai cần vay
Đúng lúc này, cơn hứng thú mua sắm của Warren Buffett càng lên cao. Warren Buffett cảm thấy mình cần phải có thêm tiền để tiếp tục mua vào cổ phiếu.
Số tiền ông cần huy động lên tới 20 triệu USD, dưới dạng trái phiếu – tức là một khoản vay nợ. Khoản vay được Warren Buffett thực hiện qua một chuyên viên của ngân hàng đầu tư Salomon Brothers mà ông gặp trên bờ biển Laguna. 20 triệu USD năm 1973 tương đương với khoảng 115 triệu USD ở thời điểm hiện tại , nhưng so với quy mô hoạt động của Berkshire Hathaway hồi đó thì không hề nhỏ.
Quyết định phát hành trái phiếu của Buffett được dựa trên nguyên tắc rất cơ bản của ông: huy động tiền khi lãi suất còn đang thấp. Nếu cứ đợi cho đến khi cần mới đi vay thì lãi suất sẽ tăng lên vì khi ấy nhiều người khác cũng muốn có tiền.
Những người cho vay thực ra không mấy nhiệt tình vì cho rằng Buffett sẽ dùng tiền thu được để đầu tư cho nhà máy của Berkshire Hathaway, vốn không có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, trong hồ sơ chào bán trái phiếu thể hiện rất rõ rằng Berkshire đã giảm lượng vốn đầu tư cho ngành dệt và sẽ dùng số tiền vay để đầu tư tài chính. Và vì vậy, bản chất khoản vay là dùng để Warren Buffett mua cổ phiếu chứ không phải cho Berkshire.
Buffett đã có được khoản vay với lãi suất chỉ 8%, chỉ ít thời gian trước khi lãi suất bắt đầu tăng trở lại.
Sau đó, Warren Buffett – thông qua Berkshire – bắt đầu gia tăng lượng cổ phiếu mua vào. Một trong những công ty quan trọng được Buffett nhắm tới trong đợt giải ngân này chính là Washington Post, tờ báo mà tới nay Warren Buffett vẫn gián tiếp sở hữu phần lớn cổ phần.
Trong lịch sử điều hành của Warren Bufffett tại Berkshire Hathaway, ông cũng đã thực hiện nhiều thương vụ vay nợ như vậy. Phần lớn số tiền vay đều được dùng để mua vào các cổ phiếu mà ông hứng thú.
Như vậy, khi khuyên mọi người không nên sử dụng vay nợ để đầu tư cổ phiếu, Warren Buffett đang muốn nhấn mạnh tới việc vay nợ sẽ khiến nhà đầu tư không còn tỉnh táo để kiểm soát hành động của mình.
Trong trường hợp các nhà đầu tư chuyên nghiệp và nắm bắt tốt diễn biến thị trường, họ vẫn hoàn toàn có thể thực hiện các khoản vay nợ theo một chiến lược nhất định.