Công bố báo cáo tài chính quý 4 năm 2017, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) gây chú ý với việc trích lập dự phòng rủi ro rất cao.
Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng đạt 23.715 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước nhưng do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 14.915 tỷ đồng, tức tăng thêm hơn 5.700 tỷ đồng (tương đương 62%) so với năm 2016 nên lợi nhuận trước thuế năm qua chỉ còn tăng 14%.
Dù vậy, 8.800 tỷ đồng vẫn là con số lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của BIDV.
Thực tế việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đã được BIDV thực hiện trong các quý trước của năm 2017 và điều đó khiến cho lợi nhuận ròng tăng trưởng chậm lại.
Mặc dù vậy, động thái này được nhiều chuyên gia phân tích đánh giá là rất tích cực. Trong báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), các chuyên gia cho rằng, với tình hình hoạt động cốt lõi khả quan thì việc tập trung hơn nữa vào dự phòng đang giúp cho chất lượng tài sản của BIDV ngày càng cải thiện.
“Chúng tôi tiếp tục tin vào câu chuyện đảo chiều đối với hoạt động của BIDV” – báo cáo viết.
Cho vay khách hàng vốn là tài sản lớn nhất của các ngân hàng nói chung cũng như BIDV. Tại thời điểm cuối năm 2017, dư nợ cho vay khách hàng đạt 866.000 tỷ đồng, chiếm 72% tổng tài sản của ngân hàng.
Có thể thấy, nhờ mạnh tay trích lập dự phòng, chất lượng các khoản vay đã cải thiện khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tại ngân hàng cuối năm 2017 giảm mạnh 24,7% so với đầu năm. Nợ xấu nhóm 3, 4, 5 tại thời điểm cuối năm 2016 là 14.428 tỷ đồng (chiếm 2% tổng dư nợ tín dụng) và vào cuối năm 2017 giảm còn 13.949 tỷ đồng (chiếm 1,6% tổng dư nợ tín dụng).
Hoạt động kinh doanh cốt lõi khả quan được kỳ vọng sẽ giúp BIDV không gặp khó khăn trong việc giải quyết các khoản nợ xấu. Điều đó được thể hiện qua việc thu nhập lãi thuần của BIDV năm qua tăng trưởng ấn tượng tới 32% (tương đương gần 7.600 tỷ đồng). Hệ số NIM tăng lên 2,91%, cao hơn so với mức 2,66% của năm trước.
Theo đánh giá của CTCK Bản Việt, dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu, thanh lý tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu và cải thiện vai trò và năng lực của VAMC – được Quốc hội thông qua vào ngày 21/06/2017 và được thực hiện trong vòng 5 năm tính từ ngày 15/08/2017 – sẽ giúp các ngân hàng cải thiện thu hồi tài sản từ các khoản nợ xấu.
Đối với các ngân hàng trong nước có lượng nợ xấu lớn nhưng chưa đến mức độ để tái cơ cấu, nghị quyết nợ xấu này giúp các ngân hàng đó có lợi khi xử lý tài sản đảm bảo để có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay và sử dụng lợi nhuận để thúc đẩy nguồn vốn dự trữ. BIDV là một trong những ngân hàng hưởng lợi lớn nhất từ nghị quyết này.
Ngoài ra, VCSC cho rằng bơm vốn có thể hỗ trợ ngân hàng đảo chiều nhanh hơn nữa. Nếu tìm được đối tác chiến lược, ngân hàng có thể cải thiện các tỷ lệ về vốn, qua đó hỗ trợ giá cổ phiếu trong trung hạn và mang lại tiềm năng tăng trưởng.