Tháng 3, chứng khoán Việt Nam sẽ phá đỉnh lịch sử sau 11 năm mòn mỏi chờ đợi?

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng tháng 2/2018, chỉ số VnIndex dừng tại 1.121,54 điểm, tăng 14% so với đầu năm. Với mức tăng kể trên, VnIndex đã nằm trong top 2 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới tính từ đầu năm.

Trước mắt, chinh phục vùng đỉnh ngắn hạn 1.130 điểm hay vùng đỉnh lịch sử 1.170 điểm được thiết lập cách đây tròn 11 năm sẽ là những mục tiêu mà VnIndex hướng đến. Theo đánh giá của giới đầu tư, việc vượt đỉnh lịch sử của VnIndex chỉ còn là vấn đề thời gian và không ít dự báo lạc quan cho rằng điều đó sẽ diễn ra ngay trong tháng 3 này.

Vậy những lý do gì có thể khiến VnIndex vượt đỉnh ngay trong tháng 3?

Cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng

Trong các con sóng của thị trường, điều kiện cần là phải có sự dẫn dắt của các nhóm cổ phiếu trụ cột. Thời gian gần đây, cổ phiếu ngân hàng, hay còn được gọi là cổ phiếu “vua” đang làm khá tốt điều này và là động lực quan trọng giúp thị trường bứt phá. Hàng loạt cổ phiếu như BID, VCB, CTG, VPP, ACB, MBB…đều đã phá đỉnh lịch sử và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Việc các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong thời gian gần đây có nguyên nhân từ (1) Kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính tiếp tục tăng trưởng khả quan; (2) Năm 2018 có thể là thời điểm ghi nhận kết quả vượt trội về thu hồi nợ xấu; (3) làn sóng tăng vốn, tìm đối tác chiến lược nhằm đáp ứng Basel và (4) làn sóng hàng loạt các ngân hàng TMCP đồng loạt lên sàn (Techcombank, OCB, HDbank, TPbank, Maritimebank, Seabank, OCB, ABBbank, Saigonbank, Nam Á Bank, Việt Á Bank).

Tháng 3, chứng khoán Việt Nam sẽ phá đỉnh lịch sử sau 11 năm mòn mỏi chờ đợi? - Ảnh 1.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vượt đỉnh lịch sử

Sóng ĐHCĐ, lịch sử ủng hộ xu hướng tăng điểm tháng 3

Tháng 3 cũng là thời điểm bắt đầu mùa ĐHCĐ thường niên của các doanh nghiệp. Đây là lúc các doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh, cổ tức, thậm chí hé lộ KQKD quý 1 và là những thông tin hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu.

Thống kê từ năm 2008 đến nay cho thấy TTCK Việt Nam thường tăng điểm vào tháng 3, tháng 4 dương lịch với tần suất cao nhất trong năm. Có lẽ, những thông tin từ mùa ĐHCĐ đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường.

Tháng 3, chứng khoán Việt Nam sẽ phá đỉnh lịch sử sau 11 năm mòn mỏi chờ đợi? - Ảnh 2.

Tháng 3 và tháng 4, VnIndex có mức tăng trưởng tốt nhất trong năm (tỷ lệ %)

Nhiều tên tuổi lớn lên sàn, tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

Theo Quyết định 991/TTg-ĐMDN, năm 2018 sẽ có những tên tuổi lớn tham gia cổ phần hóa là MobiFone, VTC, Genco 1 và 2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)… Các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ là cơ hội thu hút dòng tiền lớn từ NĐT trong và ngoài nước do hiện tại sau khi IPO, doanh nghiệp sẽ lên niêm yết trên Upcom trong 90 ngày nếu đủ điều kiện, tạo thanh khoản cho nhà đầu tư.

Ngay trong tháng 3 này, những tên tuổi ngành dầu khí như Lọc dầu Bình Sơn (BSR), PVPower, PVOil sẽ lên sàn và điều này sẽ mang đến làn gió mới cho thị trường.

Về kế hoạch thoái vốn, trong năm 2018, Nhà nước cũng có kế hoạch thoái vốn tại một số doanh nghiệp lớn, có thể kể tới như Petrolimex, ACV, TCT Dược, Lilama, Viglacera, Habeco… Bên cạnh đó, danh mục thoái vốn của SCIC như Domesco, Bảo Minh, Vinaconex, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, FPT…cũng rất đáng chú ý. Hiện tại, SCIC đã đưa ra giá khởi điểm cho BMP là 96.500 đồng/cp và mức độ thành công của thương vụ này sẽ là phép thử cho các đợt thoái vốn Nhà nước trong năm 2018.

Câu chuyện Mỹ tăng lãi suất không quá đáng ngại

Những thông điệp của cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) thời gian gần đây cho thấy khả năng tăng lãi suất trên 3 lần trong năm 2018 là khá cao trong bối cảnh kinh tế Mỹ hồi phục tốt. Việc Mỹ tăng lãi suất đang khiến nhiều lo ngại rằng dòng tiền sẽ rút khỏi các thị trường sơ khai, mới nổi, bao gồm Việt Nam.

Tuy vậy, theo đánh giá của CTCK SSI, ngay cả trong kịch bản FED nâng lãi suất, đồng USD lên giá kéo theo sự rút vốn tại các thị trường mới nổi, những nước có đồng nội tệ dễ bị mất giá bởi dòng vốn sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ngược lại, những quốc gia có câu chuyện riêng, đặc biệt các câu chuyện liên quan đến cải cách sẽ vẫn thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Những ví dụ về cải cách liên quan đến dòng vốn trong thời gian qua có thể kể đến trường hợp của Brazil, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Pakistan.

Cũng theo SSI, Việt Nam nếu tạo dựng được một câu chuyện tốt cũng hoàn toàn có thể thu hút được dòng vốn ngay cả khi nhiều thị trường mới nổi khác bị rút ròng vốn trong một kịch bản xấu bất lợi nói chung. Câu chuyện cải cách của Việt Nam có thể nói đến là cải cách thể chế kinh tế trong đó động lực kinh tế tư nhân được coi trọng, làn sóng thoái vốn nhà nước và nâng hạng thị trường chứng khoán.

Tháng 3, chứng khoán Việt Nam sẽ phá đỉnh lịch sử sau 11 năm mòn mỏi chờ đợi? - Ảnh 3.

VnIndex sẽ vượt đỉnh ngay trong tháng 3?

Bài viết mới