Thời gian gần đây, nông dân trồng hồ tiêu lâm vào tỉnh cảnh điêu đứng khi giá tiêu liên tục rớt thảm do phát triển quá nóng. Không dừng lại ở đó, tại một số huyện như Chư Pưh hay Chư Sê (tỉnh Gia Lai), tình trạng tiêu chết hàng loạt càng khiến nhiều hộ gia đình thua lỗ và hoang mang chưa biết xoay sở khoản nợ ngân hàng thế nào.
Nguồn: Báo Công Thương
Giá hồ tiêu trượt dốc không phanh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá tiêu trên thị trường thế giới sụt giảm đã ảnh hưởng đến giá thị trường trong nước. Theo đó, giá tiêu giảm từ 200.000 đồng/kg vào năm ngoái xuống còn khoảng 70.000 đồng/kg.
Nguồn: Bộ NN&PTNT
Đà thả dốc này tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2018 khi giá giảm trung bình 10.000 đồng/kg trong tháng 1. Giá tiêu tại Đắc Lắk – Đắc Nông và Bà Rịa Vũng Tàu khoảng 62.000 đồng/kg, tại Gia Lai và Đồng Nai là 61.000 đồng/kg.
Theo thông tin cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sau khi tăng nhẹ hôm 26/2 thì hôm 27/2, giá thu mua hồ tiêu nguyên liệu tại một số tỉnh phía Nam đồng loạt giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk (huyện Ea H’leo), Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Phước ghi nhận giá tiêu giảm 2.000 đồng/kg so với 26/2. Tỉnh Gia Lai (huyện Chư Sê), Đắk Nông (huyện Gia Nghĩa) và Đồng Nai ghi nhận giá giảm 1.000 đồng/kg.
Giá tiêu cập nhật hôm 27/2
Với mức giảm này, giá hồ tiêu tại các tỉnh phía Nam hiện phổ biến trong khoảng 62.000 – 63.000 đồng/kg, cao nhất là 64.000 đồng/kg ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Việc giá hồ tiêu giảm gần một nửa so với vụ trước khiến người tiêu trồng tiêu lao đao thậm chí không dám thuê người hái.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết nguyên nhân giá hồ tiêu giảm sâu là do cung vượt cầu, diện tích hồ tiêu cả nước tăng mạnh và sản lượng tiêu cũng đạt mức kỷ lục. Đây cũng là tín hiệu bão hòa khi Việt Nam là nước chiếm trên 50% sản lượng tiêu thế giới, diện tích và sản lượng tăng liên tục trong những năm gần đây.
Diện tích hồ tiêu năm 2017 đạt 152.000 ha, tăng 17,6% tương đương 22.700 ha so với năm 2016. Sản lượng đạt 241.500 tấn, tăng 11,6% tương đương 25.100 tấn. Trong khi đó theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của Bộ NN&PTNT ký ban hành vào năm 2014, mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030 của cả nước diện tích trồng hồ tiêu chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha, như vậy diện tích trồng tiêu hiện đã gấp gần 5 lần quy hoạch ban đầu.
Việc giá tiêu xuất khẩu những năm gần đây tăng và giữ ổn định, người trồng hồ tiêu có lãi cao đã kích thích sự chuyển dịch diện tích các cây trồng khác sang trồng tiêu từ những năm trước.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, riêng trong năm 2018, tuy năng suất hồ tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam, có thể giảm, nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ cao hơn 2017 và cao hơn nhu cầu. Điều này khiến giá thế giới có xu hướng không tăng, lợi nhuận từ sản xuất hồ tiêu với nông dân không được như những năm trước. Xuất khẩu tiêu Việt Nam sẽ khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước NK như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan …
Cây tiêu chết 1 người dân trồng 10
Gần đây, báo chí đưa tin tình trạng tiêu chết hàng loạt tại một số huyện như Chư Pưh hay Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Chia sẻ với phóng viên Người Đồng Hành, ông Hoàng Phước Bính- Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Sê cho biết: “Tình trạng tiêu chết năm nào cũng diễn ra. Chủ yếu là do dịch bệnh và yếu tố thời tiết. Năm nay người nông dân bị 2 nỗi “buồn” là “mất mùa” và “mất giá””.
Ông Bính nói thêm việc cây tiêu chết nhưng giá vẫn liên tục giảm do “cây tiêu chết 1 người dân trồng 10 thậm chí còn hơn 10” nên sản lượng vẫn tăng. Sản lượng dư từ năm 2017 do những năm trước thiếu nguồn cung nên giá tiêu mạnh khiến người nông dân đổ xô trồng tiêu. Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Sê cho biết theo thông lệ mọi năm tình trạng tiêu chết sẽ kết thúc khi hết mùa mưa.
Để giải quyết tình trạng thê thảm của thị trường tiêu hiện nay ông Bính đề xuất cần tổ chức lại sản xuất và tăng cường kết nối trong chuỗi giá trị thay vì sản xuất đơn lẻ “hộ nào biết hộ nấy” nhằm dễ dàng chia sẻ thông tin, phương pháp canh tác, cách đối phó dịch bệnh… “Các hộ nên thành lập tổ canh tác hoặc hợp tác xã để khi có vấn đề gì xảy ra các cơ quan chức năng dễ giải quyết hơn. Đặc biệt khi có hợp tác xã hoặc tổ canh tác, việc kết nối đầu ra cho tiêu cũng như nguyên liệu đầu vào sản xuất được giá thành tốt hơn”, ông Bính nói. Bên cạnh đó, việc đóng gói và chế biến cũng cần được chú ý hơn.
Ngoài ra, hiện nay nhu cầu thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trên thế giới rất cao. Nếu sản phẩm hồ tiêu đạt được tiêu chuẩn đó thì giá có thể tăng gấp 4,5 lần. Để thực hiện các biện pháp này ông Bính cho rằng cần phải có sự vào cuộc từ các bên từ Nhà nước đến nhà khoa học, doanh nghiệp..
Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu, tính đến năm 2017, ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam có 20 nhà máy chế biến, trong đó có 5 nhà máy của doanh nghiệp FDI. Các nhà máy đều có công nghệ hiện đại, đảm bảo có thể xử lý, chế biến các loại hồ tiêu đạt chất lượng theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Với đa số các thị trường, ngành tiêu Việt Nam đã có thể đáp ứng mọi yêu cầu về chất lượng của các khách hàng như xử lý tiêu sạch theo ETO, tiêu sạch FAQ 400/450/480/500/550/ 600g /l, tiêu sạch tiêu chuẩn ASTA (cho thị trường Mỹ), tiêu xử lý tiệt trùng, thanh trùng (HTST)…
Nhiều nhà máy được đầu tư thiết bị chế biến hiện đại nhất trong ngành chế biến hồ tiêu thế giới, đạt các Chứng chỉ cao nhất hiện nay đối với mặt hàng hạt tiêu thế giới, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như chứng chỉ BRC-Food, HACCAP, GMP, LEED; ISO 22000; ISO 9001: 2008; SAN (RA)…