Sự thành công của FE Credit là không thể phủ nhận được với ngành tài chính ngân hàng nói chung, đồng thời qua đó cũng cho thấy thị trường tài chính tiêu dùng đang có những vai trò quan trọng và cần được hỗ trợ phát triển.
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ riêng dư nợ tín dụng của nhóm các công ty tài chính đang chi phối thị trường gồm FE Credit, Home Credit, HD Saison, Prudential Finance đã đạt khoảng 2,5 – 2,7 tỷ USD trong năm 2016, tương đương khoảng 50.000 tỷ đồng. Con số dù chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng dư nợ của nền kinh tế nhưng lại có ý nghĩa quan trọng vì phân khúc mà các khoản vay này dành cho là những người có thu nhập thấp, không có tài sản đảm bảo – đối tượng không thể tiếp cận được với tín dụng của ngân hàng.
Việc cấp vốn cho các đối tượng là khách hàng dưới chuẩn này giúp bản thân các khách hàng giải ngay được bài toán về vốn, thoát khỏi tình trạng phải phụ thuộc vào tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ”, lại vừa giúp cho nền kinh tế bớt đi gánh nặng trong việc tìm kiếm nguồn vốn để phục vụ các đối tượng đó, đồng thời giúp giảm đi đáng kể các tình trạng bất ổn trong xã hội do tín dụng đen gây nên bấy lâu nay.
Ngoài ra, một đóng góp quan trọng của các công ty tài chính và thị trường tài chính tiêu dùng với xã hội đó là đã tạo được hàng chục nghìn việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp vốn vẫn làm đau đầu các nhà quản lý khắp thế giới. Thống kê cho thấy chỉ riêng FE Credit đã có 15.000 lao động, Home Credit và HD Saison có khoảng 10.000 nhân sự mỗi công ty, Prudential Finance cũng có khoảng 6.000 người, chưa kể các đối tượng cộng tác viên hỗ trợ.
Song song với những đóng góp đó, các công ty tài chính tiêu dùng vẫn còn mang tai tiếng về lãi suất khi áp dụng lãi suất khá cao, phổ biến từ 18 – 30%/năm. Đó là chưa kể nếu như khách hàng nộp lãi chậm còn bị phạt lãi, tính ra tổng lãi suất có nơi còn ở mức 50%, thậm chí lên đến 60% (tất nhiên tỷ lệ này chiếm rất nhỏ).
Nhưng cần nhìn phải nhận khách quan rằng, mức lãi suất của các công ty tài chính đưa ra cao hơn hẳn so với ngân hàng là bình thường bởi họ không có tài sản thế chấp, chỉ cho vay bằng niềm tin nên rủi ro rất cao, mà quy luật của nền kinh tế thị trường thì cái gì rủi ro cao thì càng phải chịu chi phí càng lớn. Đó là chưa kể các khoản vay này thường rất nhỏ, phổ biến từ 3-6 triệu đồng, thời gian vay lại ngắn nên chi phí phục vụ phải cao hơn.
Và nếu so với tín dụng đen – thứ mà người dân có thu nhập thấp vẫn phụ thuộc từ trước tới nay- thì tín dụng của công ty tài chính còn dễ chịu hơn nhiều về lãi suất. Ngoài ra những chuẩn mực rồi cách thức cho vay cũng chuyên nghiệp và minh bạch hơn rất nhiều.
Một tình trạng khác của việc cho vay ở các công ty tài chính vẫn bị phàn nàn đó là hay bị thúc nợ mỗi khi hết hạn, bị gọi điện làm phiền nhiều lần… Việc phàn nàn này rõ ràng phi lý, vì chẳng phải riêng công ty tài chính mà ngay cả các ngân hàng hay các mối quan hệ khác dù không liên quan đến tiền bạc, khi đến kỳ trả nợ thì bên được nợ phải nhắc là chuyện đương nhiên và đó cũng là nghĩa vụ của họ. Thậm chí người vay vốn còn phải cảm ơn vì được nhắc nhở để trả đúng hạn, tránh lãng quên mà quá hạn rồi bị phạt. Và so với tín dụng đen thì việc nhắc nợ của các công ty cũng còn lý tưởng hơn rất nhiều bởi nếu vay nợ tín dụng đen không trả, nhiều người còn không chỉ bị đe dọa đến sức khỏe, tính mạng, cuộc sống bản thân mà còn làm liên lụy đến người thân, gia đình.
Do vậy khi nhìn nhận sự việc cần thật khách quan để phân tích những thứ được, mất để có cái nhìn phù hợp hơn với các công ty tài chính. Và bởi lẽ phân khúc khách hàng thu nhập thấp, đặc biệt là những công nhân và người lao động không có việc làm ổn định, thậm chí là sinh viên ở Việt Nam còn rất lớn nên nhu cầu vay vốn chắc chắn chưa dừng lại, do đó việc các công ty tài chính phát triển là rất cần thiết để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, xã hội.
Đến đây bài toán lại được đặt ra là làm sao để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển? Câu trả lời là phải có sự phối hợp từ cả ba phía: người dùng, người cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý.
Trong đó, cơ quan quản lý cần có những môi trường pháp lý phù hợp, tạo điều kiện hơn về chính sách cho các công ty thâm nhập trong lĩnh vực này. Còn bên cung cấp dịch vụ phải chủ động nâng cao chất lượng phục vụ, tăng thêm nguồn vốn và tiết giảm chi phí để hạ thấp lãi suất cho người dùng.
Với người dùng, hơn ai hết, bản thân họ và xã hội phải hiểu và chấp nhận rằng mối quan hệ tín dụng giữa họ với công ty tài chính cũng như mức lãi suất đang áp dụng là có cơ sở và hoàn toàn phù hợp. Nói như ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng thì đừng chỉ nhìn vào mức lãi suất so với ngân hàng, mà chính khách hàng vay tiêu dùng phải hiểu loại hình vay tiêu dùng của mình là gì, mình thuộc diện khách hàng chuẩn hay dưới chuẩn…để có những cái nhìn thấu đáo hơn. Khi đánh giá lãi suất cao cần phải hiểu là so với cái gì, bởi lẽ chẳng hạn so với sản phẩm tín dụng có tài sản đảm bảo của ngân hàng là cao, nhưng so với lãi suất thẻ tín dụng của ngân hàng (từ 20-30%) thì lại không cao.
Và theo quan điểm của vị chuyên gia này, khi so sánh lãi suất tín dụng cần nhìn nhận giữa khả năng thu nhập dùng để thanh toán của người vay, món vay nhỏ lãi suất có thể cao nhưng trả theo số tuyệt đối tính theo thu nhập có được của họ lại không cao. Quan trọng là, tín dụng tiêu dùng chính là cơ hội cho người nghèo, người thu nhập thấp có thể tích lũy được tài sản, cải thiện đời sống của mình thông qua việc vay từ các công ty tài chính, do đó rất cần có sự ủng hộ phát triển của phân khúc này.