CV được Steve Jobs viết từ năm 1973 này sẽ được bán đấu giá vào khoảng mùng 8 đến 15 tháng Ba tại nhà đấu giá RR Aution, Boston, Massachusetts. Bản CV đã cung cấp cho độc giả một cái nhìn thoáng qua về tham vọng của Jobs trong ngành công nghiệp công nghệ đang nổi lên và sự thành công như một lẽ tất nhiên của ông.
CV xin việc chỉ dài đúng một trang, được Jobs viết bằng tay và “rải rác” các lỗi ngữ pháp.
CV xin việc của Jobs từ năm 1973
Cụ thể trong đơn xin việc, về phần khả năng đặc biệt của bản thân, Jobs viết trong CV là “kỹ sư công nghệ điện tử và thiết kế số”.
Trong phần những kỹ năng của mình, Jobs ghi “Có” bên cạnh mục “Máy tính” và “Máy điện toán”, ông còn mở ngoặc thêm một dòng bên dưới: “thiết kế, công nghệ”.
Những khả năng, đam mê cùng tham vọng to lớn của Jobs trong ngành công nghệ chính là một bàn đạp vững chắc cho những thành công sau này của ông.
Steve Jobs.
Khi viết tên của mình, người đồng sáng lập Apple đã viết thành: “Steven jobs”. Trong phần địa chỉ, ông ghi “trường đại học Reed” với chuyên ngành chính là “tiếng anh, văn học”, ngôi trường mà ông đã tham dự một thời gian ngắn ở Portland, Oregon trước khi bỏ học. Trả lời câu hỏi “Có phương tiện đi lại?”, Jobs đã viết, “Có thể, nhưng không hẳn”. Đặc biệt trong phần điền số điện thoại, ông đã ghi “Không” và ghi “Có” trong phần giấy phép lái xe.
Trước khi đồng sáng lập Apple cùng với Steve Wozniak vào năm 1976, Jobs từng làm việc như một kỹ thuật viên cho nhà sản xuất trò chơi Atari.
Vào năm 1980, Jobs đã đưa công ty của mình lên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq và thu về khoảng 100 triệu USD – một trong những sự bùng nổ lớn nhất vào thời điểm đó. Công ty hiện có giá trị hơn 875 tỷ USD.
Jobs cũng rất thành công với vai trò là CEO của Apple từ năm 1997 cho đến năm 2011. Năm 2011, ông giao lại chức vụ cho Tim Cook – CEO đương nhiệm của Apple hiện nay. Ông qua đời vào năm đó, hưởng thọ 56 tuổi, nguyên nhân cái chết được cho là bởi sự lan rộng của chứng ung thư tuyến tụy hiếm gặp mà ông mắc phải.
Trong thời gian làm việc tại Apple, “người khổng lồ” công nghệ này đã tạo ra những sản phẩm nổi tiếng nhất cho người dùng bao gồm máy tính Macintosh, iPod, iTunes và iPhone.