Sáng nay 28-2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp kiểm tra với 16 Bộ ngành về việc cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng – Ảnh: Nhật Bắc
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trước cuộc họp này, vào tối qua (27-2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi ông yêu cầu báo cáo về nội dung dự kiến đưa ra tại cuộc họp và truyền đạt những yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng tới đại diện các Bộ, ngành dự họp.
Với vấn đề kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công Thương, Bộ Y tế với việc cắt giảm mạnh các thủ tục trong thời gian qua, cũng như xử lý những chồng chéo giữa các Bộ.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý các Bộ ngành về việc xem xét cắt giảm hoặc bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Tinh thần của lãnh đạo Chính phủ là chỉ đạo các bộ gương mẫu cắt bỏ giấy phép con, những rào cản làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), tiến tới cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho DN.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng việc cắt giảm danh mục hàng hoá, đơn giản hoá thủ tục và cắt giảm điều kiện kinh doanh là 3 yêu cầu cụ thể đề ra với các Bộ ngành.
“Cắt giảm, bãi bỏ phải thực chất chứ không chỉ là hình thức, cơ học thuần tuý, cắt giảm không phải là sửa chữa, cài cắm câu chữ, cắt thủ tục này rồi lại mọc quy định khác” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý.
Đáng chú ý, theo Tổ trưởng Tổ công tác, Thủ tướng cũng chỉ rõ tên và nhắc nhở một số Bộ thực hiện chậm trễ, để quá hạn nhiệm vụ được giao.
“Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) trình Thủ tướng quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đến 2030 nhưng đến nay Bộ này vẫn thiếu bản quy hoạch của nhiều tỉnh thành, làm chậm kế hoạch của địa phương. Hay Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thi công thí điểm 1km đường cao tốc mẫu để làm định mức xác định chi phí, tính thời gian thu phí hoàn vốn cho các dự án để minh bạch tới dư luận. Thời hạn đầu tiên cho việc thực hiện nhiệm vụ này được đề ra cho Bộ GTVT là tháng 10-2016 rồi gia hạn tới 31-7-2017 nhưng quá hạn đã lâu mà chưa hoàn thành nhiệm vụ”- ông Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt lời nhắc nhở của Thủ tướng với một số dự án như cảng Quy Nhơn, cảng Cái Mép – Thị Vải… vẫn chậm xử lý. Thủ tướng đòi hỏi tinh thần, không việc gì được phép lơ là, bỏ qua.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thống kê về số mặt hàng, số văn bản cần rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá theo chỉ tiêu giảm tối thiểu 50% thủ tục của từng Bộ ngành cụ thể.
Tính đến nay, Bộ Y tế vẫn còn 802 mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, mới giảm được ở danh mục các sản phẩm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tức vẫn còn hơn 400 mặt hàng nữa cần cắt giảm, nằm ở lĩnh vực thiết bị y tế, dược… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chưa xem xét với 128 mặt hàng cũng như 37 bộ thủ tục hành chính.
Bộ TN-MT có 132 mặt hàng mà đến nay chưa đề xuất cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, như vậy cần 55 mặt hàng cần xem xét. Còn Bộ Bộ GTVT có 127 mặt hàng chưa đề xuất cắt giảm, như vậy cần đề xuất cắt giảm với ít nhất 64 mặt hàng, có 9 bộ thủ tục hành chính chưa đề xuất cắt, tức có 5 bộ thủ tục thuộc diện cần đề xuất xem xét…
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng nhiều điều kiện kinh doanh còn quy định chung chung, hô hào như kiểu “phải sạch sẽ”, “phải rõ ràng”, “phải phù hợp”…còn gây khó khăn cho DN trong việc thực hiện, lượng hoá.
“Phải tránh ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh cài cắm câu chữ để gài bẫy DN. Nhiều DN than thở là họ bị bẫy, cơ quan chức năng vui vẻ thì qua, không vui thì bắt ngay cũng được. Vậy nên cần xem xét, có hướng sửa cho việc này” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Giải trình tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phân trần việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng định mức cho 1 km đường cao tốc không phải Bộ GTVT không thực hiện nhưng thực tế triển khai gặp vướng mắc và đã có báo cáo giải trình xin ý kiến Văn phòng Chính phủ.
Theo Đông, 1 km đường không mang tính đại diện do điều kiện mỗi vùng, địa hình địa chất khác nhau. Vì thế Bộ này đề xuất xây dựng định mức cho 1km đường cao tốc phân chia theo khu vực Bắc – Trung – Nam. Tuy nhiên cách xác định định mức cũng cần thay đổi theo tư duy thị trường chứ không thể bao cấp, đong đếm số lượng vật liệu đưa vào như trước đây.
Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng đề án mới về định mức, theo hướng xác định theo năng suất, đảm bảo tính thị trường.
“Cũng có thực tế là suốt thời qua không có dự án cao tốc mới nào được khởi công mà Bộ GTVT chỉ chủ yếu thực hiện giải trình về các dự án BOT đường bộ. Chỉ trừ đường cao tốc Bắc – Nam tuyến phía Đông sẽ triển khai trong tương lai nên thiếu cơ sở tính toán”- Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông giải thích.
Ông Đông cho biết thêm hiện đang thiếu 2 điều kiện để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng là chưa có dự án mới triển khai để gắn vào và đang trong quá trình cùng Bộ Xây dựng xây dựng đề án chung về định mức theo quan điểm mới. Vướng mắc này Bộ GTVT đã báo cáo 2-3 lần lên VPCP và đã nhận được sự đồng thuận.