CTCK nhận định thị trường 28/02: Ngừng các giao dịch mua để tránh rủi ro Tđến khi thị trường phát đi các tín hiệu rõ nét hơn

CTCK VPBS: Áp lực chốt lời đã giảm sau 2 phiên rung lắc

Thị trường tiếp tục giằng co nhưng phân hóa giữ nhịp tốt. Lượng cung ngắn hạn gia tăng không đáng kể trong phiên hôm qua trong khi lực cầu giá thấp hấp thụ tốt thậm chí sẵn sàng mua lên các vùng giá cao cho thấy trạng thái trội hơn vẫn đang nghiêng về bên cầu. Mặt khác, diễn biến phân hóa tốt với sự giữ nhịp ở nhóm trụ cũng là động lực duy trì tâm lý cho nhà đầu tư.

Chúng tôi cho rằng hai phiên rung lắc và giằng co đã giảm đi khá nhiều áp lực chốt lời ngắn hạn ở vùng giá hiện tại. Bên cạnh đó, hệ thống kỹ thuật của chúng tôi vẫn cho thấy quán tính tăng vẫn khá tốt về mặt xu hướng. Theo đó, chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng điểm vượt vùng 1.130 điểm của chỉ số VN-Index trong vài phiên tới nhưng rủi ro sẽ cao hơn nhiều trong những phiên cuối tuần khi chỉ số này tiến gần về 1.150 điểm.

Chiến lược giao dịch:Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ vị thế và có thể cân nhắc bán mạnh tay hơn ở vùng 1.150 điểm của VN-Index trong khi nhà đầu tư trung dài hạn vẫn có thể xem xét giải ngân ở các cổ phiếu cụ thể đã đạt được cân bằng ngắn hạn với dư địa tăng giá tốt trong năm 2018 như HPG, CTD, MWG, VNM, PNJ, PTB, CVT,.v.v….

Nhà đầu tư ở thị trường phái sinh có thể theo đuổi chiến lược giao dịch nhanh ở cả hai chiều và đóng lệnh ngay trong phiên với biên độ 1.080 – 1.120 điểm nhưng ưu tiên các vị thế LONG do VN30-Index đang dần cân bằng ở vùng đỉnh cũ và khả năng vượt vùng 1.120 điểm vẫn khá cao ở hiện tại bởi diễn biến tích cực ở nhiều mã trụ.

CTCK BSC: Chỉ số sẽ tiếp tục rung lắc khi tiến sát vùng đỉnh

Áp lực chốt lời từ cuối phiên giao dịch trước đẩy thị trường vào trạng thái giằng co. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng và Dầu khí có điều chỉnh trong phiên nhưng vẫn duy trì lực đỡ cho chỉ số. Các cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa mạnh khi VJC, MWG, GAS tăng tốt, ngược lại VIC, SAB, PLX lại điều chỉnh giảm. Các chỉ số giữ được sắc xanh nhưng rung lắc mạnh với thanh khoản suy giảm với số mã điều chỉnh áp đảo cho thấy đà tăng đang thu hẹp.

BSC nhận định, chỉ số sẽ tiếp tục rung lắc khi tiến sát vùng đỉnh. Nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lãi các mã đã tăng mạnh trong những nhịp hồi.

CTCK Rồng Việt: Thận trọng khi quyết định giải ngân

VNIndex (1.119,61, +0,46%) đóng cửa thành công trong sắc xanh chủ yếu nhờ lực đỡ của nhóm ngân hàng (CTG, VCB, VPB). Đối mặt với áp lực bán mạnh, bản thân các trụ ngân hàng cũng trải qua một phiên đầy sóng gió khi không ít lần “ngụp lặn” trong vùng giá đỏ. Ngoài nhóm ngân hàng, giao dịch tại nhóm cổ phiếu dầu khí (GAS, PVT, PVS, PVD) cũng tỏ ra khả quan. Ở chiều ngược lại, VIC trở thành “gánh nặng” của VNIndex với mức giảm 1,6%.

Đối với VIC, mặc dù cổ phiếu đang được giao dịch với mức giá khá cao (P/E ~58 lần), chúng tôi tin rằng tiềm năng tăng trưởng của VIC là vẫn còn dựa trên vị thế tiên phong trong nhiều lĩnh vực của Công ty, cùng với những kế hoạch phát triển mạnh mẽ hệ thống thương mại, tài sản du lịch, nghỉ dưỡng và mạng lưới bán lẻ trong tương lai gần.

Nhìn chung, VNIndex vẫn tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến giá của một số ít các cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi VN30 ghi nhận dòng tiền khá mạnh trên diện rộng thì phần lớn các mã vốn hóa trung bình và nhỏ lại chìm trong sắc đỏ. Tính riêng phiên hôm qua, độ rộng thị trường trên HSX khá tiêu cực với 172 mã giảm và 111 mã tăng. Mức độ phụ thuộc cao của chỉ số vào một nhóm nhỏ cổ phiếu khiến độ rủi ro của thị trường cũng bị đẩy lên mức cao. Ở thời điểm này, khi mà VNIndex vẫn đang trong vùng đỉnh cao lịch sử, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng khi quyết định giải ngân.

CTCK KB Việt Nam – KBSV: Ngừng các giao dịch mua để tránh rủi ro T+ đến khi thị trường phát đi các tín hiệu rõ nét hơn

Dòng tiền tiếp tục tập trung cao độ vào một nhóm nhỏ cổ phiếu vốn hóa lớn, gây tác động rất mạnh mẽ đối với các chỉ số chính nên rủi ro toàn phần của thị trường vẫn tiếp tục trong trạng thái cao, có thể gây những biến động bất thường khó dự báo.

Các tín hiệu kỹ thuật bước vào vùng nhạy cảm với khả năng tăng giảm là 50/50.

Đề xuất ngừng các giao dịch mua để tránh rủi ro T+ đến khi thị trường phát đi các tín hiệu rõ nét hơn và sẵn sàng bán khi nhóm Ngân hàng đảo chiều giảm mạnh trên 2% (với CTG, VCB).

Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 28/2

Bài viết mới