Từ trước Tết Âm lịch, đại diện Ban quản lý Parkson Flemington đã thông báo đến các đối tác kinh doanh về kế hoạch đóng cửa, và các bên đã đạt được thỏa thuận. Đơn vị này cũng thông tin việc tạm dừng hoạt động Parkson Flemington sẽ không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các trung tâm thương mại khác thuộc hệ thống Parkson tại Việt Nam.
Được biết, Parkson Flemington là trung tâm thương mại thứ 4 của Parkson trên cả nước và là trung tâm thương mại thứ 2 tại TP.HCM đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả. Các trung tâm thương mại ngưng hoạt động trước đó là Parkson Keangnam, Parkson Thái Hà (Hà Nội), Parkson Paragon (quận 7, TP.HCM).
Hiện trên cả nước, Parkson còn 6 trung tâm thương mại đang hoạt động, trong đó 4 trung tâm tại TP.HCM, gồm Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1), Parkson Cantavil (quận 2), Parkson Hùng Vương Plaza (quận 5) và Parkson CT Plaza (quận Tân Bình). Có mặt tại các trung tâm thương mại này trong những ngày gần đây, rất nhiều gian hàng chỉ thấy toàn nhân viên đứng “lướt” điện thoại thông minh, lượng khách đến mua sắp rất ít.
Theo số liệu tài chính mới nhất được Parkson Retail Asia công bố ngày 26/2/2018, chuỗi trung tâm thương mại Parkson tại Việt Nam đang có mức tăng trưởng -5% trong tài khóa kết thúc ngày 31/12/2017. Tại Myanmar, Parkson hiện cũng đang hoạt động cầm chừng.
Công ty này cũng thông tin đã rất nỗ lực tung ra các chương trình quảng cáo nhằm thu hút khách hàng, nhưng tăng trưởng doanh số của cùng một cửa hàng quý 4/2017 so với cùng kỳ năm trước là âm 2,3%.
Niên độ tài chính của Parkson bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 6 năm sau. Như vậy, năm tài chính 2016-2017 của Parkson đã kết thúc với con số lỗ 67 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu niên độ tài chính 2017-2018, Parkson đang tạm lỗ 24 tỷ đồng, doanh thu khoảng 233 tỷ đồng.
“Đại gia” bán lẻ này thừa nhận sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức phía trước, đặc biệt nhất là tại thị trường Malaysia. Riêng thị trường Việt Nam, Parkson cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trước viễn cạnh cạnh tranh lĩnh vực bán lẻ ngày càng diễn ra khốc liệt.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Parkson luôn trung thành với mô hình hoạt động Department Store (tạm gọi là siêu thị bán lẻ hàng hiệu), đã khiến chuỗi này lép vế hơn rất nhiều khi mô hình Shopping Mall hay Shopping Center quy mô lớn, hay còn gọi là trung tâm mua sắm đáp ứng các nhu cầu, tiện ích cho khách hàng từ mua sắm với siêu thị tổng hợp cho đến ăn uống, vui chơi, xem phim.
Đặc biệt, việc phải gánh chi phí để duy trì, làm mới mô hình và mở rộng thêm các trung tâm thương mại nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường dài hạn dần trở thành áp lực lớn cho Parkson.
Song, thách thức lớn nhất nằm ở chỗ chi phí ngày càng lớn và miếng bánh thị trường buộc phải chia năm xẻ bảy cho nhiều đối thủ mới hơn và đáng gờm hơn khiến nhà bán lẻ này đuối sức trong nửa thập niên qua.
Theo CBRE Việt Nam, xu hướng sáp nhập trong khối bán lẻ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai do nhiều nguyên nhân như: Định dạng bán lẻ hiện đại ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, thậm chí so với các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á; Việt Nam vẫn còn rất nhiều thương hiệu các cửa hàng siêu thị nhỏ cửa hàng tiện lợi.
Bên cạnh đó, sự mở rộng của các nhà bán lẻ nước ngoài, mặc dù mặt nào đó có lợi cho người tiêu dùng nhưng mặt khác, có thể làm tăng sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước.