“Khi nào là thời điểm thuận lợi để khởi nghiệp?”. Có hai thời điểm thuận lợi. Một là từ lúc còn là sinh viên, bạn chẳng có gì để mất, hai là đến năm 35 tuổi, khi bạn đã đủ chín chắn. Nhưng thời điểm khởi nghiệp tốt nhất với tôi chính là khi bạn có cảm giác: “Phải làm, nếu không làm thì bạn không chịu nổi, thậm chí, bạn không thể sống nổi”.
Khởi nghiệp từ thời sinh viên, đến năm 23 tuổi, Tạ Minh Tuấn được CSIP, World Bank, British Council công nhận là một trong 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu trên cả nước.
Căn bệnh ung thư của ba tôi chính là một “nỗi đau” đối với cả gia đình tôi. Và tôi khởi nghiệp vì muốn giải quyết “nỗi đau” đó. Đó là một động lực vĩ đại để tôi thành công! Khi đó, tôi có hai lựa chọn, một là để nỗi đau đó gặm nhấm dần ý chí của mình, hai là hành động để vượt qua nó, nếu không làm thì không thể chịu nổi. Ba tôi đã chọn hành động, và tôi cũng vậy. “Khởi nghiệp từ nỗi đau” chính là lý do của tôi.
Còn bạn? Lý do để khởi nghiệp của bạn là gì?
1. Vì “không thể chịu nổi cái nghèo và cái hèn thêm được nữa”. Làm giàu, chỉ cần chính đáng thì luôn là một lý do đủ tốt để vươn lên!
2. Hay vì bạn cảm thấy cuộc đời này ngắn ngủi lắm, nên muốn một lần được thỏa thích vẫy vùng, dù kết quả có ra sao cũng không hề hối hận. Bởi lẽ, “Tận nhân lực mới tri thiên mệnh”. Nếu không cố hết sức (tận nhân lực), thì không thể hiểu được “mệnh trời” của mình là gì (tri thiên mệnh).
Về già, sẽ cứ luẩn quẩn với câu hỏi “Nếu ngày ấy mình làm thì kết quả ra sao?”. Bạn sẽ không bao giờ biết câu trả lời nếu bạn chưa từng hành động. Còn nếu hành động thì dù thành công hay thất bại, bạn cũng đã có câu trả lời cho số phận của chính mình. Còn trẻ mà làm biếng thì về già sẽ… làm thinh, là vậy.3. Bạn khởi nghiệp vì không thể chấp nhận sự nhàm chán đang diễn ra hằng ngày, bạn không thể cứ sống mòn như vậy, nên bạn muốn theo đuổi một cái gì đó lớn lao hơn, tuy rằng cũng còn mơ hồ lắm.
Nhưng như Steve Jobs đã nói, nếu mỗi ngày trôi qua, bạn thức dậy và nhận ra công việc hiện nay không phải là điều mình muốn làm, và tình trạng này kéo dài qua nhiều tháng thì hãy tìm cách thay đổi đi thôi. Vì cuộc đời này hữu hạn lắm!
4. Nhắc đến Steve Jobs thì phải nói tới đam mê. Đôi khi, do bạn có tình yêu mãnh liệt với một cái gì đó, một lĩnh vực nào đó, có thể là bát phở, ngành thời trang, công nghệ rô bốt… Thế là bạn khởi nghiệp để được sống với đam mê của mình.
Như Warren Buffett hay nói, “Tôi nhảy múa trên đường đến nơi làm việc”. Và như một câu danh ngôn quen thuộc, “Khi làm việc vì đam mê, bạn không có cảm giác mình đang làm việc”. Nó giống như đang tận hưởng một trò chơi hơn.
5. Bạn muốn tạo ra những thử thách lớn hơn cho mình, để vượt qua những giới hạn cũ. Bạn làm tốt công việc chuyên môn, rồi sau nhiều va vấp bạn đã có thể quản lý, tiếp theo đó bạn muốn tự kinh doanh và xây dựng nên một “đế chế” của riêng mình.
6. Vài lần, lý do khởi nghiệp cũng “vĩ cuồng” lắm. Bạn không quan tâm lắm đến cơm áo gạo tiền. Bạn thật sự nghiêm túc với việc “thay đổi thế giới”. Bạn nhận thức rất rõ rằng muốn thay đổi thế giới thì hãy thay đổi chính mình. Bạn cũng nhận thức rất rõ tầm quan trọng của tiền bạc. Với bạn, tiền bạc quan trọng đấy, nhưng không phải điều quan trọng nhất.
Tiền không làm cho con người hạnh phúc, tiền chỉ làm cho con người hạnh phúc hơn mà thôi. Nghĩa là bạn phải biết cách để hạnh phúc ngay cả khi chưa có nhiều tiền, nếu không tất cả sẽ là bi kịch! Hình như bạn thích thú với việc “thay đổi thế giới” hơn.
Hình như bạn thích thú với việc “thay đổi thế giới” hơn.
Với bạn, mục tiêu lớn lao sẽ dễ thực hiện hơn mục tiêu quá nhỏ bé. Bởi, mục tiêu nhỏ quá thì chỉ có một cách để đạt được, và bạn phải tự mình thực hiện tất cả mọi thứ. Còn với mục tiêu lớn lao, có rất nhiều cách để thực hiện và bạn có thể truyền cảm hứng cho những người tài giỏi khác cùng giúp mình hiện thực hóa mục tiêu đó!
7. Nhiều người đã khởi nghiệp vì họ tìm ra một “vấn đề” nào đó trong chính cuộc sống thường ngày, hoặc trong chính cộng đồng mà họ đang sinh hoạt. Một cô gái sau khi sinh con, cô ấy muốn đi spa, nhưng không ai trông con cho cô ấy, spa không thể nhận khách là trẻ sơ sinh, cô ấy thì cần “thư giãn”. Cô ấy thấy rõ vấn đề của mình. Không có ai giúp giải quyết vấn đề này cả, nên cô ấy quyết định sẽ tự mình giải quyết nó. Thế là cô ấy mở ra dịch vụ spa cho cả mẹ và bé, lần đầu tiên xuất hiện trên “giang hồ”.
Thanh toán trọn gói một lần, sẽ có chuyên viên vô cùng dễ thương, tâm lý với trẻ, mát xa cho trẻ, ru cho trẻ ngủ, còn cô chỉ cần thoải mái cởi đồ ra, nằm lên giường, lim dim theo điệu nhạc thiền thật bình yên, và mỉm cười trôi vào giấc ngủ, trong lúc từng milimet cơ thể được chăm sóc thật tận tình, năng lượng được hồi phục. Kết thúc, cô ấy lại tràn đầy sinh khí để làm một người mẹ hiền, một người vợ tốt, một nhân viên mẫn cán. Hạnh phúc – đó chính là điều mà doanh nhân mang đến cho khách hàng của họ.
Thứ mà doanh nghiệp bán chính là hạnh phúc. Khách hàng trả tiền để tìm thấy hạnh phúc, khi vấn đề của họ được giải quyết một cách hiệu quả. Doanh nhân chính là người tìm kiếm lợi nhuận, bằng cách giải quyết vấn đề cho người khác. Họ giải quyết vấn đề đó càng thành công, và giải quyết được cho càng nhiều người, thì họ càng giàu có!
Thứ mà doanh nghiệp bán chính là hạnh phúc.
8. Cũng có người khởi nghiệp với lý do muốn “sửa sai”. Anh chàng nọ thấy ngành giáo dục có quá nhiều cái sai, sai quá sai, anh ấy muốn xây dựng một công ty giáo dục với phương pháp đào tạo hiệu quả hơn, để “sửa sai” cho ngành mà mình có nhiều tâm huyết.
Tại Bangladesh, những người nghèo đôi khi chỉ cần được cho vay những khoản tiền nhỏ thôi, có khi chỉ cần vài chục đô, là có thể tạo ra sinh kế để thoát nghèo, ví dụ mua một cái máy may chẳng hạn. Nhưng chẳng ai cho người nghèo vay tiền, còn ngân hàng thì chỉ cho người giàu vay. Kết quả là có nhiều kết cục thương tâm cho người nghèo. Hình như có gì đó sai sai!
Một người đàn ông nhìn thấy cái “sai” này của xã hội. Ông ấy xây dựng ngân hàng đầu tiên trên thế giới chuyên cho người nghèo vay tiền, sáng lập ra khái niệm tài chính vi mô (micro finance). Tên của ngân hàng đó là Grameen. Tên người đàn ông đó là Muhammad Yunus, một doanh nhân xã hội (social entrepreneur), người đoạt giải Nobel hòa bình thế giới năm 2006 cho chính sáng kiến này.
Kết quả thật ấn tượng, tỷ lệ hoàn trả khoản vay sau đó của người nghèo còn… cao hơn cả người giàu. Cho thấy chỉ cần con người được trao tặng niềm tin, bằng đúng phương pháp thì họ sẽ không khiến bạn thất vọng, người nghèo không có gì là kém cỏi hơn người giàu, thậm chí người nghèo còn… uy tín hơn người giàu thể hiện qua tỷ lệ hoàn trả tốt hơn. Yunus đã “sửa sai” cho cả xã hội bằng doanh nghiệp xã hội của ông ấy.
Cũng có khi, bạn khởi nghiệp không chỉ để “sửa sai” cho xã hội, mà cũng có phần để “sửa sai” cho con người vốn chưa hoàn thiện của mình trong quá khứ, như những lần khởi nghiệp sau của người viết cuốn sách này (cuốn Trước bình minh luôn là đêm tối – PV).
Đó chính là cái mà nhiều người gọi là Lý do để bắt đầu (Reason to Start) , hay Động lực (Motivator). Còn tôi, tôi thích gọi nó là Yếu tố kích hoạt (Trigger Factor). Trigger Factor của bạn là gì?
Trigger Factor của bạn là gì?
Khi đó, tôi có một Trigger Factor mạnh lắm. Từ căn bệnh ung thư của cha tôi, tôi muốn làm về y tế để chăm sóc và giúp đỡ cho những bệnh nhân như ba tôi. Đó là động lực, là lý do, là câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao (Why) tôi lại phải làm điều mà tôi đang làm? Tại sao tôi lại phải khởi nghiệp?” Tôi có một “Big Why” để mình thành công. Big Why của bạn là gì?
“Bigger Why” thì “Smaller How”. Khi chữ “Why” này đủ lớn, động lực đủ mạnh, bạn hiểu mình phải chiến đấu vì điều gì càng rõ rệt, thì việc làm nó như thế nào sẽ trở nên đơn giản hơn. Bởi lẽ khi đã có đủ động lực để hành động bất chấp mọi khó khăn, trở ngại và thử thách thì bạn sẽ có cơ may rất cao để tìm ra giải pháp. Nên khi bạn có cái “Big Why” này, bạn sẽ có khả năng tự truyền lửa cho chính mình. Bạn không cần được diễn giả truyền lửa nữa, bạn có thể tự tạo ra động lực cho bản thân (self-motivate).
Những Trigger Factor và Big Why mạnh nhất lại không xuất phát từ khối óc, nó khởi đầu nơi con tim. Trái tim là nơi có năng lượng mạnh gấp 5.000 lần khối óc. Đó là nơi chứa đựng bí mật thật sự của mọi thành công vĩ đại nhất. Nếu chỉ khởi nghiệp đơn thuần với lý do từ khối óc, từ việc tính toán xem mình lời lỗ thế nào, bản thân mình có lợi gì, thì động lực của bạn yếu ớt lắm. Huých nhẹ là bạn ngã ngay. Khó một chút là bạn từ bỏ ngay. Vì khối óc la lên rằng “Cái này mệt lắm, không có lợi nữa, nghỉ thôi!”.
Doanh nhân thì phải làm ra tiền, nhưng nếu chỉ làm ra mỗi tiền thì đừng gọi mình là doanh nhân. Khởi nghiệp thì phải mưu sinh nhưng nếu chỉ mưu sinh thì không gọi là khởi nghiệp. Lý do của bạn không nhất thiết phải quá vĩ đại nhưng nó cần vượt ra khỏi bản thân bạn. Bạn vĩ đại vì bạn chọn lựa sống một cuộc đời vĩ đại. Giấc mơ của bạn lớn hay nhỏ không quan trọng, quan trọng là bạn có thể lớn lên khi sống với giấc mơ đó. Nhưng tôi quan sát thấy trên thế giới, không có quốc gia nào đánh thuế giấc mơ cả, nên đã mơ thì cứ mơ cho ý nghĩa vào.
Doanh nhân thì phải làm ra tiền, nhưng nếu chỉ làm ra mỗi tiền thì đừng gọi mình là doanh nhân.
Hãy kết nối bản thân với một cái gì đó to lớn hơn chính mình. Để cho cái đó làm động lực, làm kim chỉ nam, làm “bánh lái” của đời mình. Ít nhất một lần trong đời, hãy cảm nhận được sự vĩ đại dung dị, và niềm hạnh phúc ý nghĩa, khi được là một phần của một cái gì đó lớn lao hơn chính mình. Đó có thể là Big Why của bạn đó!
*Bài viết được trích dẫn từ cuốn sách Trước bình minh luôn là đêm tối của tác giả Tạ Minh Tuấn. Khởi nghiệp từ thời sinh viên, đến năm 23 tuổi, Tạ Minh Tuấn được CSIP, World Bank, British Council công nhận là một trong 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu trên cả nước. Được mệnh danh chàng doanh nhân của giải thưởng, liên tiếp trong 2 năm 2015 và 2016, anh được Forbes xướng tên “kép” trong danh sách 30 người dưới 30 tuổi thành công và có sức ảnh hưởng nhất ở Việt Nam, châu Á. Năm 2017, Minh Tuấn lọt vào danh sách Businessman Of The Year.