Thủ tướng: Bộ Ngoại giao phải là ‘người dũng cảm’ chống trì trệ

Đánh giá cao cán bộ ngoại giao, những người gánh sứ mệnh “đem chuông đi đánh xứ người”, Thủ tướng cho rằng điều này có được do 2 nguyên nhân, một là “đầu vào của chúng ta được lựa chọn tương đối kỹ càng và hai là quá trình rèn luyện, phấn đấu, học tập tu dưỡng của từng cán bộ”. Đây là truyền thống, là tài sản quý báu mà Bộ Ngoại giao gìn giữ phát huy từ thế hệ này qua thế hệ khác.Mở đầu lời phát biểu trước các cán bộ, chuyên viên Bộ Ngoại giao, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về đội ngũ cán bộ của ngành, trong đó có nhiều người mà Thủ tướng đã làm việc trực tiếp, có trình độ cao, có khả năng tổng hợp, định hướng phản ứng chính sách, tâm huyết, trách nhiệm.

Thủ tướng nhìn nhận thành tựu chung của đất nước có đóng góp to lớn, nhiều mặt của Bộ Ngoại giao.

Trong hoạt động đối ngoại năm 2017, chúng ta đã tăng cường quan hệ với hầu hết các đối tác chủ chốt. Nếu chỉ tính riêng trao đổi đoàn cấp cao, chúng ta đã tiến hành 18 chuyến thăm cấp cao trong năm, đến 19 nước; tham dự 8 hội nghị đa phương quốc tế lớn; tiến hành hàng trăm cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới, riêng Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng là 50 cuộc. Đồng thời, nước ta đã đón 36 lượt nguyên thủ, thủ tướng các nước đến thăm. Nội dung các hoạt động đối ngoại đều rất thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững.

Trong quan hệ đối ngoại, thông qua các biện pháp vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chúng ta đã kiên quyết và kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước.

Thủ tướng cho biết, ông rất chú ý đến các bức điện, các báo cáo của Bộ Ngoại giao về tình hình thế giới để có định hướng chính sách, tháo gỡ vướng mắc thể chế khi mà khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam trước biến động thế giới còn yếu, hay trước vấn đề quản lý kinh tế-xã hội, nhất là quản lý doanh nghiệp Nhà nước, tài sản công còn nhiều bất cập. Thủ tướng bày tỏ “đau đáu trong việc tìm ra một lối đi, cách làm hiệu quả nhất cho đất nước” và mong muốn Bộ Ngoại giao nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng cho Việt Nam.

Bộ Ngoại giao đã thực hiện tốt công tác quan tâm chăm lo đồng bào ta ở nước ngoài, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, nhất là đối với các ngư dân, phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, hướng về xây dựng quê hương đất nước, mà điển hình, theo Thủ tướng, Việt Nam là một trong 10 nước có kiều hối lớn nhất.

Nhìn tổng quát thì kết quả đạt được là do đội ngũ cán bộ Bộ Ngoại giao có trình độ, có nhiệt huyết, trách nhiệm, Thủ tướng đánh giá “các đồng chí có nhiều báo cáo, đề xuất tốt, khoa học trong định hướng chiến lược phát triển đất nước, giữ vững độc lập, tự chủ”. Uy tín Việt Nam có được cũng do có sự đóng góp của cán bộ Bộ Ngoại giao.

Theo Thủ tướng, thành tích lớn nhưng cũng cần nói đến cả bất cập, hạn chế để rút kinh nghiệm, khắc phục. “Ta làm tốt công tác tại diễn đàn ASEAN nhưng nhận thức về ASEAN vẫn chưa lan tỏa đến người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng chỉ rõ và cho rằng, ngoại giao kinh tế, hội nhập kinh tế cần chú trọng hơn nữa, tranh thủ hiệu quả các cam kết trong các hiệp định tự do thương mại đã ký để phát triển thị trường. Công tác nghiên cứu, tham mưu dự báo cần kịp thời, nhạy bén, khẩn trương hơn nữa trong bối cảnh quốc tế đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Mỗi đại sứ, cán bộ cơ quan đại diện ngoại giao cần thực sự là những sứ giả về kinh tế. Trong mọi lĩnh vực công tác, kể cả Bộ Ngoại giao, còn có tình trạng công chức hoàn thành chưa tốt nhiệm vụ, do vậy, việc xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, vững mạnh cần tiếp tục là một ưu tiên quan trọng, góp phần vào xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là không ngồi chờ, không thụ động mà phải chủ động giúp doanh nghiệp.

Thủ tướng khẳng định định hướng hòa bình, hợp tác vẫn là xu hướng chính nhưng tình hình thế giới có nhiều thay đổi khó lường, do đó, phải có cách làm, lối đi cần thiết trong công tác đối ngoại, đưa đất nước tiến lên.

Bộ Ngoại giao cần khắc phục tình trạng trên nóng dưới lạnh, siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, phục vụ. Cần đi đầu trong thực hiện phương châm hành động “10 chữ” mà Chính phủ đề ra trong năm 2018.

Thủ tướng đề nghị với 1.200 cán bộ, công chức, trong đó trên 1/3 dưới 35 tuổi, “cần cố gắng rèn luyện tốt hơn nữa, đề cao trách nhiệm cá nhân trong nghiên cứu, đề xuất xử lý công việc chuyên môn của cục, của vụ mình”.

Do đó, việc đổi mới cách chỉ đạo, bám sát công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm với dân, với nước, với Bộ rất quan trọng.

Cần chú trọng hơn nữa nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, nâng cao tiềm lực quốc gia.

“Cần tổ chức thực hiện các thỏa thuận hợp tác, hiệp định đã ký kết để thúc đẩy đến cùng kết quả chuyến đi”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn có cuộc kiểm điểm việc những hiệp định, văn bản đã ký kết thực hiện đến đâu, “chứ không phải đi, về, biết rồi để đó mà phải biến thành hành động”.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần là chúng ta có nhiều đối tác chiến lược, cần đưa vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương, nhất là với ASEAN, Liên Hợp Quốc nhằm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao tiềm lực đất nước. Kiên trì thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu.

Thủ tướng: Bộ Ngoại giao phải là người dũng cảm chống trì trệ - Ảnh 1.

Thủ tướng xem các hình ảnh về công tác đối ngoại – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Yếu tố con người là quan trọng nhất

Thủ tướng nhấn mạnh về quốc phòng an ninh, chúng ta đã có chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ xa và giữ nước từ khi nước chưa nguy. Theo tinh thần đó, về đối ngoại, chúng ta phải thực hiện tốt chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…

Các nước, các khu vực, đối tác lớn, bạn bè năm châu đều rất quan trọng, cần cố gắng xây dựng niềm tin, tin cậy hơn nữa; nếu có điểm nghẽn thì cảnh báo sớm hơn nữa cho nhau và cùng tìm cách tập trung tháo gỡ để cục diện quan hệ với các nước phải bình đẳng, bền vững hơn, tạo thế đan xen lợi ích để cùng hợp tác, cùng thắng. Đừng để nước ta mất niềm tin với các đối tác.

Nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế là một trọng tâm, cần có chủ trương sáng tạo, phương châm hoạt động, những cách làm mới để thúc đẩy việc này tốt hơn. Do đó, những nội dung về ngoại giao kinh tế cần được cụ thể hóa hơn để dễ vận dụng hơn, nhất là năm nay chúng ta có nhiều hiệp định thương mại được ký kết.

Các đại sứ, sứ quán cần tập hợp thông tin, nghiên cứu, kiến nghị về chiến lược, những phương hướng phát triển thị trường cho hàng hóa Việt Nam.

Các nhà ngoại giao, cơ quan ngoại giao không chỉ giúp chính quyền, người dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu về Việt Nam mà còn phải giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiểu về đất nước và những cơ hội kinh doanh ở nơi mình công tác.

Cho biết luôn đọc kỹ các bức điện, báo cáo của Bộ Ngoại giao, các sứ quán, của các vụ, cục liên quan khác, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao cần chọn những chuyên đề để báo cáo lãnh đạo Bộ và báo cáo Thủ tướng như: Những xu hướng của thị trường chứng khoán sắp tới, vấn đề Biển Đông, vấn đề tiền ảo, vấn đề xu hướng tiêu dùng khu vực…

Thủ tướng nhấn mạnh để thành công thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người. Do đó, cần quan tâm xây dựng lớp cán bộ ngoại giao vừa hồng, vừa chuyên. Cán bộ ngoại giao cần có bản lĩnh, trí tuệ, không chỉ làm tốt ngoại giao chính trị mà cả ngoại giao kinh tế, là những sứ giả văn hóa, làm tốt công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài cũng như bảo hộ các quyền, lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ở ngoài nước. Cán bộ ngoại giao ở nước ngoài phải gương mẫu, là tấm gương, đừng để những việc tai tiếng xấu, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. “Tinh thần lớn mà Thủ tướng muốn nói với đồng chí là phải tìm, đưa vào Bộ Ngoại giao những người tài đức; đầu ra phải cơ cấu lại, giảm những bộ phận không cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ kiến tạo phát triển thì Bộ Ngoại giao cần thực hiện chức năng ngoại giao kiến tạo phát triển.

“Những cản trở, trì trệ luôn có ở một đất nước, một tổ chức, một cơ quan, cho nên phải có những người dũng cảm để chống trì trệ, chống vô tổ chức, chống xuống cấp của tổ chức, cơ quan, từ đó chúng ta xây dựng đất nước. Chính vì thế, Bộ Ngoại giao phải là người dũng cảm đó”, Thủ tướng chia sẻ: “Các đồng chí cần đưa ra các sáng kiến mới, những ý tưởng mới để chống trì trệ, cản trở sự phát triển đất nước. Đây là nhiệm vụ nặng nề mà tôi mong các đồng chí cố gắng”.

Về vấn đề cán bộ, Thủ tướng nêu rõ, Bộ Ngoại giao cần nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công tác đối ngoại trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho các vị trí khác nhau ở cơ quan ngoại giao tại mỗi nước và thậm chí trong từng vụ, cục. Nếu làm tốt việc này, Bộ Ngoại giao sẽ là một trong những cơ quan đi đầu trong việc thực hiện thông điệp 2018 của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Lấy ví dụ có một ngân hàng thương mại quốc tế đưa ra công thức 6:3:2, tức là một nhân viên tín dụng mỗi ngày phải gọi điện thoại cho 6 khách hàng, gặp 3 người và ký 2 hợp đồng, như vậy mới gọi là hoàn thành tốt nhiệm vụ, Thủ tướng đặt vấn đề, bộ chỉ số đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của một tham tán thương mại, một đại sứ, một cục trưởng, vụ trưởng, một chuyên viên ở Bộ Ngoại giao là như thế nào.

Thủ tướng mong rằng mỗi cán bộ, nhân viên ngoại giao là những chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao, sẽ luôn trung thành, kiên định về đường lối, linh hoạt, sáng tạo trong hành động vì một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu”, như Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu, nhà ngoại giao kiệt xuất của dân tộc, hằng mong muốn.

Bộ Ngoại giao điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt

Bài viết mới