Trong đó, chiều dài của cầu chính khoảng 4km còn lại là 2 đường dẫn lên cầu. Cầu Mỹ Thuận 2 được thiết kế theo cấp đường ô tô cao tốc, tốc độ thiết đảm bảo đồng bộ với toàn tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Quy mô đầu tư cầu rộng 6 làn xe, phần đường dẫn vào cầu được phân kỳ đầu tư hai giai đoạn, giai đoạn trước mắt đầu tư với 4 làn xe , vận tốc thiết kế 80km/h; Giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.
So với cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam bắc qua sông Tiền (cầu Mỹ Thuận hiện tại) thì cầu Mỹ Thuận 2 to, đẹp và có chiều dài hơn rất nhiều. Cầu Mỹ Thuận hiện tại được khởi công vào tháng 7/1997 và khánh thành 3 năm sau đó. Cầu dài hơn 1,5 km, rộng gần 24 m, hai cầu dẫn mỗi bên 11 nhịp, mỗi nhịp 40 m. Độ cao thông thuyền là 37,5 m.
Ông Nguyễn Nhật – Thứ trưởng Bộ GTVT tiết lộ trên báo Nhà đầu tư, rằng hiện cả đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc đều sẵn sàng tài trợ vốn vay ưu đãi cho dự án này. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu có tổng mức đầu tư khoảng 5.125 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức đầu tư công. Lý do là cầu Mỹ Thuận 2 có tổng mức đầu tư lớn, chiều dài ngắn, nên không hấp dẫn về tài chính nếu đầu tư theo hình thức PPP.
Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Ban quản lý dự án 7 đã đề xuất lên Bộ GTVT đầu tư dự án cầu Mỹ Thuận 2 theo hình thức đối tác công tư PPP. Theo đề xuất này thì Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng mức đầu tư 5.870 tỷ, trong đó phần vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 2.500 tỷ (chiếm 42,6%), dự kiến lấy từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cao ốc Bắc Nam, phần vốn còn lại sẽ huy động từ vốn của nhà đầu tư.
Kế hoạch triển khai gồm: lập báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 3/2018; tuyển chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng BOT vào tháng 2/2019; đấu thầu xây lắp vào tháng 4/2019; thi công dự án từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2022.
Với phương án đầu tư PPP, Dự án cầu Mỹ Thuận sẽ hoàn thành sớm hơn 2 năm (2022) so với phương án đầu tư ODA, kịp hoàn thành đồng thời với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ, đồng thời không làm phát sinh nợ công.