Cả thế vận hội mùa đông đang hướng đến “chàng trai vàng” của sân băng Nhật Bản: Yuzuru Hanyu. Nhưng mấy ai biết rằng, để có một vận động viên tài năng vẹn toàn như vậy, gia đình Hanyu hay những bậc cha mẹ Nhật khác đều đã áp dụng phương pháp dạy con tiến bộ như thế nào. Những đứa trẻ lớn lên trước khi thành tài thì đều được chú trọng giáo dục thể chất và nhân cách sống.
Sức khoẻ tốt là nền tảng để phát triển toàn diện
Điều đầu tiên có thể khiến bạn ngỡ ngàng khi đến Nhật là ở trường học, các câu lạc bộ, các hoạt động thể dục thể thao xuất hiện khắp mọi nơi từ mẫu giáo đến tiểu học và các cấp lớn hơn.
Với người Nhật, sức khỏe tốt là điều kiện tiên quyết để phát triển toàn diện. Thầy cô và cha mẹ đều định hướng giáo dục thể chất cho con ngay từ khi lọt lòng. Ở Nhật Bản, trẻ chưa đến 1 tuổi đã có thể tham gia thi đấu thể thao với các cuộc thi bò được tổ chức mỗi năm hay tham gia các lớp học nhảy, học võ khi ở độ tuổi lớn hơn. Tại các trường trung học lại có rất nhiều các câu lạc bộ như câu lạc bộ đấu kiếm, câu lạc bộ bóng rổ, bóng chày đều được mở ra và rất được nhà trường coi trọng. “Một trí tuệ minh mẫn trong cơ thể cường tráng” là câu châm ngôn “bỏ túi” của hầu hết các ông bố bà mẹ Nhật.
Cũng giống như cha mẹ Nhật Bản khác, gia đình của Hanyu hướng con mình đến những hoạt động thể thao từ bé. Cha của Hanyu đã truyền cho anh một niềm yêu thích với bóng chày. Tuy nhiên, căn bệnh hen suyễn đã cản trở Hanyu trong việc chơi bóng. Không hề ngăn cấm, mẹ anh vẫn luôn khuyến khích con trai mình tập trượt băng bởi đó là môn thể thao trong nhà, hoàn toàn không có bụi ảnh hưởng đến bệnh của Hanyu. Đó cũng là nơi một tài năng trượt băng “nảy mầm”.
Truyền động lực sống cho trẻ
Không những hướng cho con rèn luyện sức khỏe từ bé, nhiều cha mẹ Nhật còn động viên con theo học trường thể thao. Đây không chỉ là nơi rèn luyện cho trẻ sự cứng cáp và khả năng chịu đựng mà còn đem lại lòng tự hào dân tộc, dạy những đứa trẻ cách biết khát khao vinh quang và chiến đấu vì nó ngay từ khi còn ở độ tuổi tiểu học. Đó là một cách truyền động lực sống cho con.
Với người Nhật, trẻ hơn ai hết là người cần động lực sống. Bởi vì ai rồi cũng cần phải lớn lên, tự suy nghĩ, lựa chọn cuộc đời của chính mình. Việc lựa chọn với người lớn vốn đã không đơn giản, với con điều đó còn khó khăn hơn. Do vậy, cha mẹ Nhật luôn cố gắng tiếp thêm động lực để con có thể vững vàng hơn trong những quyết định của mình.
Để gìn giữ truyền thống và truyền động lực sống cho con, rất nhiều phụ huynh đã ủng hộ con em mình tiếp xúc từ sớm với sumo.
Ví dụ như rất nhiều cha mẹ đã lựa chọn võ đường sumo cho con theo học không chỉ vì đó là truyền thống tốt đẹp cần gìn giữ mà còn để giúp cho con mạnh mẽ hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trong võ đường, các em được đào tạo với chế độ dinh dưỡng và luyện tập khắc nghiệt. Mỗi ngày, võ sĩ sumo chỉ ăn hai bữa nhưng có giá trị dinh dưỡng gấp khoảng 10 lần người bình thường. Một ngày mới được bắt đầu với bài tập luyện cơ. Chiều đến là các màn đấu tay đôi, đòi hỏi sự thông minh khéo léo nhanh chóng hạ gục đối phương. Song song với các màn khổ luyện về thể chất là các bài tập tinh thần, tạo nên thứ ý chí thép quyết thắng đối phương còn hơn là phải… “chết tức tưởi vì thua”.
Bất cứ em nhỏ nào cũng có thể nản lòng với quá trình luyện tập khổ ải đó, nhưng qua mỗi bài tập, mỗi cuộc thi ý chí và thể lực của các em được tôi rèn, sự đam mê, yêu thích với môn võ thuật này cũng từ đó mà thêm sâu sắc. Động lực để các em biết khát khao, biết phấn đấu đó ở đâu mà ra? Phải chăng là từ nỗ lực khơi lên ngọn lửa hứng thú trong con của mỗi người bố, người mẹ Nhật Bản? Với bố mẹ Nhật, trách nhiệm không chỉ là nuôi con nữa mà còn là tạo cho con một môi trường sống có thể khơi gợi lòng say mê và động lực sống.
Chính nhờ quan niệm ấy, từ những võ đài này, có hàng trăm võ sĩ sumo nhí đã tham gia thi đấu với khao khát chiến thắng và tinh thần quả cảm. Và chính từ động lực lớn mà bố mẹ truyền cho con, nhiều võ sĩ đã chiến thắng và trở thành vận động viên sumo chuyên nghiệp. Gieo được một tài năng sumo như vậy là công lao không hề nhỏ trong cách dạy con của bố mẹ Nhật Bản.
Các bậc phụ huynh Nhật hướng đến giáo dục toàn diện
Ngay từ nhỏ, cha mẹ Nhật đã dạy con một cách toàn diện. Bởi vậy trẻ không chỉ lớn lên khỏe mạnh mà còn có tri thức, hiểu biết văn hóa, xã hội. Như cha mẹ của Yuzuru Hanyu đã từng nói với con: “Đừng trở thành một người chỉ biết đến mỗi trượt băng. Hãy học hành chăm chỉ như khi tập luyện”.
Ông Kazuya Igarashi hiệu trường trường cấp 3 nơi Yuzuru theo học cho biết: “Cậu mang cả sách giáo khoa và các tài liệu học ngay cả khi đi thi đấu để duy trì việc học. Từ những ngày còn học cấp 2, Yuzuru luôn nhận được điểm cao đặc biệt là môn toán và những môn khoa học tự nhiên”. Đó cũng là lý do vì sao Yuzuru Hanyu trở thành một tài năng toàn vẹn chiếm trọn sự yêu mến của người dân Nhật Bản cũng như người hâm mộ khắp thế giới.
Chú trọng cả việc học văn hoá lẫn thể chất nhưng bố mẹ Nhật không hề áp đặt con phải học một môn cụ thể nào. Mong muốn của con hoàn toàn được tôn trọng. Nếu bố mẹ Việt hướng cho con học Toán, Văn, Anh, Lý, Hoá thì Nhật không có một quy chuẩn nào cho việc học hay chơi của con. Bởi mỗi đứa trẻ có một năng khiếu riêng ở một lĩnh vực, một mức độ khác nhau nên chẳng thể “ép con cá trèo lên cây hay con mèo bơi dưới nước”. Bố mẹ Nhật tôn trọng quyết định và truyền cảm hứng cho con phát huy khả năng của mình.
Nhưng hơn hết, trước khi có tài thì phải có đức, đây mới là điểm quan trọng nhất trong cách giáo dục của cha mẹ Nhật. Quan điểm của người dân xứ hoa anh đào là nhân cách quan trọng hơn kiến thức. Bởi vậy trẻ em Nhật không phải trải qua bất cứ một kỳ thi nào trong ba năm đầu tiểu học. Đây là thời điểm để trẻ rèn luyện nhân cách, xây dựng những đức tính tốt. Trẻ được học cách tôn trọng người khác, yêu thương động vật và thiên nhiên. Nhà trường cũng dạy các em cách sống rộng lượng, cảm thông và chia sẻ.
Fukuhara Ai – nữ hoàng bóng bàn Nhật Bản.
Fukuhara Ai – nữ hoàng bóng bàn Nhật Bản là một minh chứng cho phương cách giáo dục này của xứ Phù Tang. Cô không chỉ là một biểu tượng cho thanh niên Nhật về sự cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống mà còn là người luôn chan chứa tình yêu thương như chính cái tên của cô vậy. Mẹ của Ai – một vận động viên bóng bàn tài năng đã dìu dắt cô gặt hái nhiều chiến thắng trong Olympic và dạy cô trở thành một người có nhân cách tốt.
Cô từng nói trong sự xúc động nghẹn ngào khi đạt huy chương: “Tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi được trao huy chương cho mọi người, đặc biệt là những người sống ở khu vực thiên tai”. Đó là năm 2011 khi quê hương Sendai của cô bị tàn phá bởi trận sóng thần.
Những vận động viên thiên tài, họ không chỉ được người dân trên toàn thế giới yêu mến bởi tài năng, sự toàn diện mà còn bởi nhân cách con người. Được sống trong một nền giáo dục tiến bộ và mang đậm bản sắc Nhật Bản, họ đã làm rạng danh quê hương, khiến cho thế giới cúi đầu nể phục.
Nguồn: Tổng hợp từ CNN, Tumblr và một số nguồn khác