Như chúng tôi đã đưa tin, Bộ Tài chính mới đây đã gửi Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng kịch khung thuế với nhiều mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít.
Bộ này cũng đề xuất tăng thuế môi trường với dầu diesel lên kịch khung 2.000 đồng/lít, thay cho mức 1.500 đồng/lít; thuế với dầu mazút, dầu nhờn tăng lên mức kịch khung 2.000 đồng/lít, thay cho mức 900 đồng/lít như hiện hành.
Với các loại nhiên liệu khác như than antraxit thuế cũng tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/tấn; than mỡ, than nâu,…tăng từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/tấn.
Giá tăng, người tiêu dùng gánh
Với đề xuất tăng kịch trần khung thuế, giá các loại xăng dầu và nhiên liệu sẽ có xu hướng tăng đáng kể. Cụ thể, giá xăng sẽ tăng lên 1.000 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 500 đồng/lít, dầu mazut và dầu nhờn tăng 1.100 đồng/lít, mỡ nhờn cũng tăng 1.100 đồng/lít.
Giá của các loại than, túi ni lông cũng tăng tương ứng với mức độ tăng của khung thuế: túi ni lông tăng 10.000 đồng/kg, than antraxit tăng 15.000 đồng/tấn, dung dịch HCFC tăng 1.000 đồng/kg…
Trong báo cáo đánh giá tác động của Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho rằng với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng chỉ tăng 1.000 đồng/lít và nếu giá dầu thô không biến động nhiều, các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi thì mức độ tác động đối với giá bán xăng dầu, tỷ lệ tăng thuế bảo vệ môi trường trong giá bán khoảng 4,9%; đối với dầu diesel khoảng 3,2%; đối với dầu mazut khoảng 8,9%; đối với dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%.
Bộ Tài chính cũng tính toán đến tác động của tăng thuế đến việc tăng giá hàng hóa sẽ có tác động đến chỉ số về tiêu dùng thực tế của hộ gia đình, phúc lợi xã hội và lạm phát.
“Tiêu dùng thực tế của hộ gia đình giảm khoảng 22.000 đồng/tháng ở nhóm có thấp nhất và khoảng 130.000 đông/tháng ở nhóm có thu nhập cao nhất. Phúc lợi xã hội giảm trung bình khoảng 0,19% trong giai đoạn đầu và khoảng 0,45% trong dài hạn. Mức lạm phát thấp hơn 0,2% trong giai đoạn đầu và nhỏ hơn 0,5% trong dài hạn”, Bộ Tài chính tính toán.
Ngoài ra, Bộ này còn cho rằng xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trên diện rộng ngay cả khi không sử dụng nên việc điều chỉnh tăng mức thuế đối với xăng dầu sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; chuyển dần sang sản xuất, sử dụng sản phẩm, nhiên liệu thân thiện với môi trường, qua đó giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường.
Cụ thể, với mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đối với xăng gốc hóa thạch là 3.000 đồng/lít thì mức thuế, đối với xăng E5 thấp hơn 150 đồng/lít. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên 4.000 đồng thì thuế với xăng E5 sẽ thấp hơn 200 đồng.
Ngân sách sẽ có thêm gần 15.000 tỷ từ thuế xăng dầu
Bộ Tài chính tính toán trên cơ sở số lượng xăng dầu, than đá, dung dịch HCFC, túi ni lông thuộc diện chịu thuế tính thuế, thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng bằng số lượng các hàng hóa này thu thuế bảo vệ môi trường năm 2017 thì theo phương án đề xuất điều chỉnh nêu trên, tổng số thu thuế dự kiến khoảng 57.312 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỷ đồng/năm.
Cụ thể, đối với xăng, dầu số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 55.591 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.863 tỷ đồng/năm.
Đối với than đá: số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 1.590 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm.
Đối với dung dịch HCFC, số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 63,5 tỷ đồng/năm, tăng 12,7 tỷ đồng/năm.
Đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế, số thu thuế bảo vệ môi trường khoảng 67,5 tỷ đồng/năm, tăng 13,5 tỷ đồng/năm.
Cùng với số thu thuế bảo vệ môi trường tăng lên, số thu thuế VAT đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng lên khoảng 1.568,4 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu ngân sách nhà nước dự kiến tăng lên khoảng 17.252,6 tỷ đồng/năm.
“Việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hóa trên sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường”, Bộ Tài chính nhận định.
Theo thống kê cho thấy, nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường từ ngân sách nhà nước tăng dần trong giai đoạn 2012-2016. Tổng chi ngân sách cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016. Số thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 theo báo cáo trên là 105.985 tỷ đồng, bình quân 21.197 tỷ đồng.