Đứt ruột bán “cậu vàng” FMC, Thủy sản Hùng Vương vẫn vùng vẫy trong bể lỗ – Bài học gì rút ra từ ván cờ M&A trên thương trường?

Đời không đoán được chữ ngờ

Khởi nguồn từ một đơn vị với vốn vỏn vẹn 32 tỷ đồng, HVG đã từng bước bành trướng để vượt mốc 2.270 tỷ đồng tính đến hiện tại, tức đạt tốc độ tăng hơn 73 lần chỉ sau 15 năm. Mục đích của công cuộc tăng vốn thần tốc trên nhằm mục đích xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, từ nuôi trồng, chế biến và phân phối thủy sản bằng hàng loạt thương vụ M&A đình đám.

Điểm lại thành tích những năm qua, Hùng Vương đã tiến hành sở hữu cổ phiếu Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), Thực phẩm Sao Ta (FMC), Thủy sản Tắc Vân (TFC), Russian Fish… để tăng tỷ lệ kiểm soát lên lần lượt hơn 51% vốn; đồng thời thành lập thêm 2 công ty con khác là Hùng Vương Sông Đốc và Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre.

Theo đó, tính đến 31/12/2015, Hùng Vương đã thiết lập được mô hình chuỗi cung ứng gồm 22 công ty con và liên kết lớn nhỏ khác nhau với mối quan hệ sở hữu dây mơ rễ má, tạo nên một mạng nhện trong toàn Tập đoàn. Chính điều này là niềm hãnh diện lớn lao lúc bấy giờ của Chủ tịch Dương Ngọc Minh khi không ít lần ông tự hào chia sẻ với báo giới.

Đứt ruột bán cậu vàng FMC, Thủy sản Hùng Vương vẫn vùng vẫy trong bể lỗ - Bài học gì rút ra từ ván cờ M&A trên thương trường? - Ảnh 1.

Chuỗi giá trị của HVG những năm 2011-2015 .

Tuy nhiên, đời đâu đoán được chữ ngờ, hệ lụy của hiện tượng domino ngành thủy sản bắt đầu manh nha và bùng phát; đỉnh điểm vào đầu năm 2016 khiến hàng loạt đại gia thủy sản báo lỗ nghìn tỷ, thậm chí đi đến bờ vực phá sản.

Cụ thể, đây là rủi ro thị trường không chỉ riêng Hùng Vương mà nhiều đơn vị trong ngành khó có thể tránh khỏi, nguyên nhân sâu sa đến từ thực trạng nuôi trồng manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân cũng như việc chính quyền chưa có quy hoạch cụ thể cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt cá tra nói riêng.

Từ đó, dẫn đến tình trạng cung cầu bất cập, giá nguyên vật liệu biến động nằm ngoài vùng kiểm soát. Chưa hết, doanh nghiệp trong nước còn liên tiếp gặp phải những trở ngại về thuế quan (chống bán phá giá) từ các quốc gia nhập khẩu cũng như khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm ngày càng thắt chặt.

Kết quả là, toàn thị trường từ chính quyền, nhà xuất khẩu cho đến người nuôi trồng phải lẩn quẩn trong cái vòng khủng hoảng thừa – thiếu, mãi cho đến tháng 2/2016 khi giá nguyên liệu cá tra xuống thấp nhất trong vòng 5 năm khiến nhiều nông dân bỏ đầm vì thua lỗ, doanh nghiệp cũng đau đầu không kém.

Trước cơn khủng hoảng này, công trình vay nợ để chạy đua M&A lao đao, lại không có dự phòng khiến HVG nhanh chóng sa cơ lỡ bước? Cần nhấn mạnh một điều là, thị trường thủy sản lúc bấy giờ còn gặp khó khăn từ việc huy động nguồn vốn vay ngân hàng do bị hạn chế, theo đó nhiều nghi vấn cho rằng HVG đã sử dụng dư nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Cơ sở cho những tin đồn trên xuất phát từ việc dư nợ vay của đơn vị này tăng trưởng chóng mặt qua các năm, đặc biệt là nợ vay ngắn hạn với tỷ trọng lúc nào cũng trên 60% tổng nợ Tập đoàn.

Đứt ruột bán cậu vàng FMC, Thủy sản Hùng Vương vẫn vùng vẫy trong bể lỗ - Bài học gì rút ra từ ván cờ M&A trên thương trường? - Ảnh 2.

Chưa kể, HVG còn kẹt vốn hàng ngàn tỷ tại dự án nuôi heo, hay câu lạc bộ bóng đá để thỏa lòng đam mê của người cầm trịch đã tiếp đà đẩy ông vua cá tra đến đỉnh điểm của nợ nần, áp lực lãi vay cứ thế ăn mòn lợi nhuận. Trong đó, VTF từng là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhờ những bước đi khá thận trọng, về chung nhà với Hùng Vương cũng “học đòi” đầu tư ngoài ngành (chăn nuôi heo), xây dựng nhà máy ồ ạt khiến dòng tiền không kịp đáp ứng.

Mặt khác, do Hùng Vương là một Tập đoàn nuôi trồng tôm, cá nên sau khi tiến hành tăng sở hữu lên hơn 90%, VTF cũng bị khách hàng hiện hữu là đối thủ công ty mẹ lơ dần khiến doanh thu giảm, con cưng một thời như vậy cũng dần đánh mất phong độ.

Đến cuối năm 2017, HVG báo lỗ hơn 713 tỷ đồng, mặc dù trong năm Tập đoàn đã bán đất, bán công ty con để xoay sở dòng vốn. Nhìn lại bức tranh kinh doanh HVG giai đoạn 2009-2017, hạ hồi phân giải mới thấy mặc dù doanh thu tăng trưởng chóng mặt, song lợi nhuận sau thuế gần như dậm chân tại chỗ, thậm chí điều chỉnh ngay cả trong thời điểm Công ty ăn nên làm ra. Biên lợi nhuận cũng trên đà giảm mạnh, từ 9% những năm 2009 về chỉ còn 1% tính đến cuối năm 2015, đi cùng với đó là mức dư nợ vay tăng dần qua các năm.

Có thể nói gót chân Asin của HVG trên thực tế đã manh nha từ những năm 2011, khi mà doanh thu lúc nào cũng vượt chỉ tiêu nhưng lợi nhuận vẫn cứ chưa hoàn thành mong đợi. Tuy nhiên, sự tự tin cùng những chiến lược mạnh mẽ của ban lãnh đạo tại nhiều kỳ ĐHĐCĐ đã khiến nhà đầu tư tiếp tục nuôi dưỡng kỳ vọng. Cho đến nước cờ cuối, HVG bán đi cậu vàng FMC thực sự khiến thị trường chết lặng, vua cá tra một thời lẽ nào đang đi đến bờ vực phá sản?

Đứt ruột bán cậu vàng FMC, Thủy sản Hùng Vương vẫn vùng vẫy trong bể lỗ - Bài học gì rút ra từ ván cờ M&A trên thương trường? - Ảnh 3.

15 năm tăng vốn thần tốc cho ván cờ M&A giờ còn lại gì?

Và mới đây, HVG vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2018 (01/10-31/12/2017) với khoản lãi ròng hơn 25 tỷ, trong khi giảm sút đến 53% doanh thu thuần, chỉ đạt 2.700 tỷ đồng. Được biết khoản lãi trên có được nhờ vào việc thoái sạch 54,28% vốn tương đương 21,16 triệu cổ phiếu FMC.

Việc bán đứt “gà đẻ trứng vàng” FMC – đơn vị chủ chốt trong chiến lược tiến sang ngành chế biến tôm đồng thời cũng đang có hiệu quả kinh doanh tốt nhất trong hệ thống HVG – đã gây nhiều bất ngờ cho giới đầu tư. Và giải đáp khúc mắc này, ông Minh thú thật với dư nợ khủng, HVG không thể hoạt động cũng như nuôi được lực lượng lao động lâu dài, do đó việc thoái vốn trên nhằm giảm nợ vay ngắn hạn cho Công ty.

Đứt ruột bán cậu vàng FMC, Thủy sản Hùng Vương vẫn vùng vẫy trong bể lỗ - Bài học gì rút ra từ ván cờ M&A trên thương trường? - Ảnh 4.

Ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HVG.

Trong năm, HVG đã miệt mài tái cơ cấu bằng việc thoái vốn tại hầu hết các công ty con và thanh lý một số bất động sản mà Tập đoàn đang nắm giữ. Đồng thời Tập đoàn cũng sẽ thoái vốn khỏi VTF, mảnh đất 765 Hồng Bàng với giá trị chuyển nhượng là 375 tỷ đồng…

Tuy nhiên những công tác trên gần như khó có thể cứu vãn tình thế, khi mà tính đến ngày 31/12/2017, tổng lỗ lũy kế Công ty đã vượt mức 450,5 tỷ, chiếm gần 20% tổng vốn góp chủ sở hữu. Tổng tài sản đạt 11.877 tỷ; trong đó tài sản ngắn hạn chiếm đến 70% với 8.230 tỷ đồng, song lại bị “giam” tại khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho, lần lượt ghi nhận hơn 5.303 tỷ và 2.493 tỷ đồng.

Đứt ruột bán cậu vàng FMC, Thủy sản Hùng Vương vẫn vùng vẫy trong bể lỗ - Bài học gì rút ra từ ván cờ M&A trên thương trường? - Ảnh 5.

Đặc biệt, tổng nợ Công ty lên đến con số 9.672 tỷ đồng, trong đó nợ vay dài và ngắn hạn ghi nhận hơn 6.036 tỷ đồng, chiếm đến 62%. Riêng nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn, xấp xỉ 8.912 tỷ đồng, cho thấy sự mất cân đối nguồn vốn một cách trầm trọng tại đơn vị thủy sản này.

Đứt ruột bán cậu vàng FMC, Thủy sản Hùng Vương vẫn vùng vẫy trong bể lỗ - Bài học gì rút ra từ ván cờ M&A trên thương trường? - Ảnh 6.

Cũng chính vì sự mất cân đối trên, năm 2016 Hùng Vương đã không thể trả cổ tức bằng tiền mặt do thiết hụt nguồn tiền đầu tư các dự án, mà tiếp tục tăng vốn bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Đồng thời, để giải quyết hậu quả giá trị lợi nhuận chưa phân phố bị âm do kết quả kinh doanh xám xịt thời gian qua, HVG còn chuyển sổ 140 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển sang chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối, cũng như không trích lập thêm cho khoản mục quỹ đầu tư phát triển và cả quỹ khen thưởng phúc lợi từ lợi nhuận công ty mẹ năm 2015.

Tựu trung lại, Thủy sản Hùng Vương là một bài học đáng giá cho doanh nghiệp ngành thủy sản nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường còn khá bất cập hiện nay; và giới kinh doanh nói chung về ván cờ M&A đặc biệt nhấn mạnh công tác quản trị rủi ro, không chỉ dừng lại nội tại Công ty mà phải tính cả yếu tố thị trường.

Một lần trót tin, một đời ôm lỗ?

Đó là câu chuyện của doanh nghiệp, còn với cổ phiếu HVG nhắc đến cũng có thể khiến nhiều nhà đầu tư đắng lòng.

Chính thức bước lên thương trường chứng khoán vào năm 2009 với giá tham chiếu 50.000 đồng/cp, cổ phiếu HVG sau đó giảm liên tục về vùng đáy 5.000 đồng vào cuối năm 2011. Nhìn vào đồ thị giá, có thể thấy thanh khoản đơn vị này khá lèo tèo thời gian trước đó, cho đến thời điểm cận kề kết thúc năm 2013 mới bắt đầu gia tăng mạnh với dải sóng khối lượng giao dịch đột biến.

Đây cũng là thời điểm đỉnh cao của công cuộc M&A cùng những chiến lược vô cùng tươi sáng của người cầm cương HVG. Chính điều này tạo niềm tin trong nhà đầu tư từ lớn đến bé, đẩy giá cổ phiếu HVG tăng vọt, đạt đỉnh hơn 22.000 đồng/cp trong năm 2014. Và từ đây, giá liên tục đi xuống, song thanh khoản vẫn tăng đều khi nhiều người vẫn rất kỳ vọng vào ông vua cá tra hiệu Hùng Vương.

Đứt ruột bán cậu vàng FMC, Thủy sản Hùng Vương vẫn vùng vẫy trong bể lỗ - Bài học gì rút ra từ ván cờ M&A trên thương trường? - Ảnh 7.

Giao dịch cổ phiếu HVG từ lúc niêm yết đến nay

Cho đến hôm nay, cổ phiếu dần rơi về vùng đáy lịch sử, kết phiên 23/02/2018 tại mức 5.110 đồng/cp, hơn nữa còn bị Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày 26/01 vì kinh doanh ngập trong thua lỗ. Nhà đầu tư theo đó bị găm hàng, bị dồn vào thế tiến thoái lưỡng nan, tức nắm giữ cổ phiếu không được mà bán ra cũng không xong!

Ghi nhận hơn 213 tỷ đồng lãi từ thoái vốn đầu tư, Hùng Vương lãi ròng 25 tỷ đồng quý 1, giảm lỗ lũy kế xuống còn 450 tỷ

Bài viết mới