Trước Tết Âm lịch, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Tài thông báo chào bán khoản nợ xấu của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn. Dư nợ gốc mà BIDV Phú Tài cho Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân liên quan vay trị giá hơn 1.208 tỷ đồng. Phần lãi tính đến cuối năm 2017 là 1.070 tỷ đồng.
Không chỉ bởi món nợ xấu lên đến 2.200 tỷ đồng, thông báo nói trên gây chú ý khi “con nợ” được xướng tên là một công ty do bà Võ Thị Thanh làm Chủ tịch HĐQT. Bà Thanh cũng là Chủ tịch HĐQT của CTCP Thuận Thảo, người đã 2 lần được vinh danh là “bông hồng vàng”, một nữ doanh nhân cực kỳ nổi tiếng tại tỉnh Phú Yên.
Khi ấy, câu chuyện sa cơ lỡ vận của Thuận Thảo được nhắc lại như một bài học vô cùng đắt giá.
Từ biểu tượng của tỉnh đến doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu hàng trăm tỷ đồng
Năm 1997, sau hơn một chục năm làm Tổng đại lý chuyên phân phối hàng hóa cho 20 công ty trong nước và công ty liên doanh với nước ngoài tại tỉnh Phú Yên, doanh nghiệp tư nhân mang tên Vận tải và Thương mại Thuận Thảo đã được thành lập nên bởi 2 vợ chồng ông bà Võ Văn Thuận và Võ Thị Thanh (Thảo). Công ty phát triển nhanh chóng, trở thành biểu tượng của tỉnh này khi tiên phong tạo nên nhiều cái “đầu tiên”: Siêu thị tư nhân đầu tiên tại Phú Yên, bến xe khách tư nhân đầu tiên của Việt Nam…
Cho đến trước năm 2010, Thuận Thảo vẫn thể hiện tham vọng tăng trưởng nhanh như vũ bão thông qua việc xây dựng hàng loạt dự án bất động sản như Resort&Spa Golden Beach, khu vui chơi giải trí Thuận Thảo Land, Khách sạn 5 sao Cendeluxe, nhà hát Sao Mai… Khi Tuy Hòa còn là hòn ngọc thô chưa có nhiều đại gia bất động sản đến khai phá, giữa những ngôi nhà thấp tầng và kém khang trang thì Khách sạn 5 sao Cendeluxe của Thuận Thảo được coi là tòa nhà biểu tượng của tỉnh.
Thế nhưng, khi chọn đúng giai đoạn khủng hoảng kinh tế để đầu tư mở rộng thì từ sau năm 2011, Thuận Thảo sa vào khó khăn không lối thoát. Đó chính là năm mà công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn được thành lập để thực hiện các dự án bất động sản tại huyện Bình Chánh (Tp.Hồ Chí Minh).
Trong các năm 2011 và 2012, Thuận Thảo có một khoản phải thu cung cấp dịch vụ trị giá hàng trăm tỷ đồng đối với Thuận Thảo Nam Sài Gòn nhưng không trích lập dự phòng. Năm 2013, khoản phải thu này được Thuận Thảo chuyển thành khoản cho vay ngắn hạn 400 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng và lãi suất 14,4%/năm, được đảm bảo bằng quyền chuyển đổi thành vốn góp của Thuận Thảo Sài Gòn, sau đó điều chỉnh lại thành thời hạn 24 tháng.
Cũng trong năm này, cả doanh thu lợi nhuận của Thuận Thảo đều sụt giảm rất mạnh và công ty may mắn thoát lỗ nhờ Chủ tịch hào phóng xóa nợ hàng chục tỷ đồng. Đến tận năm 2015, khi khoản nợ đối với Thuận Thảo Nam Sài Gòn không còn cách nào cứu vãn, Thuận Thảo phải trích lập dự phòng hơn 300 tỷ đồng cho khoản nợ gốc 400 tỷ đồng và lãi vay 53 tỷ đồng nói trên. Điều này đã giáng một đòn nặng nề vào kết quả kinh doanh vốn đã mong manh của doanh nghiệp. Với chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 358 tỷ đồng, công ty lỗ ròng gần 440 tỷ đồng.
Cho đến cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Thuận Thảo là 1.079 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 630 tỷ đồng.
Giữa 2016, doanh nghiệp đã bị hủy niêm yết toàn bộ 43,5 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM do âm vốn chủ sở hữu và sau đó chuyển sang thị trường Upcom. Cổ phiếu GTT chỉ còn 500 đồng/cổ phiếu và thường xuyên không có giao dịch trên TTCK.
“Liệu cơm gắp mắm”
Từng trả lời phỏng vấn trên báo chí, bà Võ Thị Thanh thể hiện là một nữ doanh nhân quyết liệt và có tư duy sáng suốt. Bà nói rằng, làm doanh nghiệp phải biết “liệu cơm gắp mắm”. Thế nhưng Thuận Thảo có lẽ đã “liệu” sai.
Nếu nhìn vào giai đoạn mở rộng của doanh nghiệp này, không khó để thấy rằng nguyên nhân chính dẫn đến những khoản lỗ khổng lồ kia là do doanh thu không đủ đề bù đắp chi phí lãi vay, chi phí khấu hao do đầu tư dàn trải. Công ty luôn ở trong tình trạng tiền làm ra chỉ dùng để trả nợ. Cùng với việc không có tiền để tu bổ các dự án thì các khu vui chơi, khách sạn và resort của Thuận Thảo càng xuống cấp và kéo theo sự sụt giảm doanh thu.
BIDV Phú Tài – đơn vị đang rao bán 2.200 tỷ đồng nợ xấu của Thuận Thảo Nam Sài Gòn cũng là ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất của Thuận Thảo. Nói về việc vay ngân hàng, bà Thanh từng phát biểu: “Phải thể hiện sự quyết liệt, bản lĩnh của mình, làm sao để Ngân hàng thấy được tiềm năng của doanh nghiệp, để họ thấy tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội trả nợ sẽ tốt hơn là bóp chết doanh nghiệp”.
Để có thể thuyết phục được ngân hàng, bà Thanh cho biết phải đem hầu hết tài sản cá nhân ra đặt cược. Thay vì chỉ thế chấp tài sản của công ty như các doanh nghiệp khác, toàn bộ tài sản cá nhân, nhà cửa của mình, bà cũng đem đi thế chấp hết.
Thuận Thảo là minh chứng điển hình về một “đại gia” sử dụng nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn, hơn nữa là đầu tư bất động sản vào đúng giai đoạn khó khăn nhất, khi nền kinh tế đang xuống dốc và lãi suất cho vay thì cao ngất ngưởng. Một điểm chung khác đó là việc cho vay, đi vay lòng vòng giữa công ty và những người trong Ban quản trị và công ty thành viên.
Ví dụ khác cho sự sa chân của những “ông vua” khi quản trị tài chính theo cách này chính là Gỗ Trường Thành (TTF), Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Quốc Cường Gia Lai (QCG) hay nhiều doanh nghiệp bất động sản khác. Thế nhưng số phận của Thuận Thảo đã kém may mắn hơn nhiều.