Báo Nhật: Vietcombank sắp bán 10% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, GIC và Mizuho là đối tác tiềm năng

Chủ tịch HĐQT Vietcombank – ông Nghiêm Xuân Thành cho biết kế hoạch phát hành riêng lẻ đã được nhà nước chấp thuận. Cổ phiếu sẽ được phát hành theo phương thức đấu giá công khai hoặc bán riêng lẻ cho một số lượng hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông nói thêm, Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC là một trong những nhà đầu tư tiềm năng của Vietcombank. Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Vietcombank với 15% cổ phần, cũng sẽ được mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng.

Tại Việt Nam, quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng được giới hạn ở mức 30%. Vietcombank là một trong những số ít ngân hàng mới chỉ có chưa đến 10% vốn điều lệ dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Với mục tiêu tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, Vietcombank ban đầu kỳ vọng sẽ hoàn thành được việc chuyển 7,7% vốn cho GIC vào năm 2016. Tuy nhiên, thỏa thuận đã không thành công do không thống nhất được giá. Vietcombank muốn bán cổ phiếu dựa theo giá thị trường nhưng không thấp hơn mức giá đã xác định từ trước.

Chốt ngày 23/2, cổ phiếu VCB ở mức 71.400 đồng/cổ phiếu (3,14 USD), gấp đôi giá trị so với hồi cuối năm 2016.

Bà Phạm Thị Tố Tâm, chuyên viên phân tích tại Công ty CP Chứng khoán KIS cho biết chất lượng tài sản của Vietcombank khá tốt, đã giảm tỷ lệ nợ xấu năm 2017 xuống còn 1,13%, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 130%, cao nhất trong các ngân hàng cùng quy mô.

Vietcombank cũng đã bán cổ phần sở hữu tại các tổ chức tín dụng khác để giảm rủi ro sở hữu chéo. Ngoài ra, Vietcombank cũng có kế hoạch thoái vốn khỏi Vietnam Airlines vào năm nay, kỳ vọng sẽ thu về khoản tiền lớn. Ngân hàng này đồng thời đang đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ và cho vay cá nhân, – vốn chiếm tới 32,7% tổng dư nợ cho vay năm 2017 và 25,3% năm 2016. Cho vay bán lẻ là mảng đang mang tỷ suất lợi nhuận cao.

Trong khi đó, các ngân hàng khác ở Việt nam cũng đang tìm kiếm các nhà đầu tư ngoại. Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), một trong ba ngân hàng lớn nhất có vốn chi phối bởi nhà nước, đang cân nhắc việc phát hành cổ phiếu lên đến 30% cho nhà đầu tư nước ngoài; nhiều ngân hàng Hàn Quốc và Nhật Bản đã tỏ ra hứng thú với thương vụ này.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) năm vừa rồi đã ký hợp tác toàn diện với ngân hàng Daegu của Hàn Quốc, hướng tới hợp tác sâu hơn trong tương lai. Trong khi LienVietPostBank cũng đang chào bán hơn 10% vốn cho các nhà đầu tư ngoại.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Vpbank) đã bán 23% vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài năm ngoái trước khi lên sàn và có thể sẽ còn bán thêm.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đang tìm kiếm các nhà đầu tư ngoại cho hai ngân hàng nhà nước khác là Oceanbank và PGBank.

Thành lập từ năm 1963, Vietcombank tiền thân là Cục quản lý Ngoại hối trực thuộc NHNN. Sau đó, Vietcombank tách khỏi NHNN để trở thành ngân hàng đầu tiên và duy nhất ở thời điểm đó chuyên về giao dịch liên quan đến nước ngoài.

Bộ Tài chính được kỳ vọng sẽ duy trì phần lớn tiền gửi tại Vietcombank trong những năm tới đây. Có được lượng tiền gửi lớn, Vietcombank sẽ có lợi thế hơn so với các ngân hàng khác trong hoạt động cho vay, đặc biệt là khi Chính phủ yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Năm 2017, Vietcombank công bố tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 32,2%, đạt 11,3 nghìn tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đặt ra là 9,2 nghìn tỷ. Kết quả tích cực này nhờ mức tăng trưởng mạnh của huy động vốn và cấp tín dụng.

Thủ tướng: Vietcombank cần xác định tầm nhìn là ngân hàng tầm cỡ khu vực châu Á

Bài viết mới