Kính thưa thạc sĩ và kỹ sư thất nghiệp: Thay vì ở nhà “ăn bám” và chê nghề “chân tay”, nhấc mông lên và làm gì có ích cho đời…như chạy Grab

Ngày hôm qua, tôi có xem được một đoạn phát sóng trong chương trình Chuyển động 24h phát sóng trên kênh VTV1 về “xe ôm thời công nghệ”. Chắc hẳn trong năm vừa qua, khái niệm này đã ngày càng phổ biến với người dân hơn khi Grab, Uber xuất hiện trên thị trường Việt Nam.

Cũng chính vì thế, người dân cũng đã sử dụng dịch vụ này ngày một nhiều hơn không chỉ bởi vì sự tiện ích mà còn chắc chắn về giá cả không bị đội lên. Và trong vài năm nay, đã có không ít những sự kiện, những tranh luận “nảy lửa” xoay quanh dịch vụ xe ôm công nghệ.

Còn ngày hôm qua, tôi có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ, tâm sự của các tài xế xe ôm trên sóng đài truyền hình quốc gia.

Vẫn biết là số lượng tài xế xe ôm công nghệ ngày một tăng lên, bằng chứng rõ ràng nhất là người ta có thể nhìn thấy bất cứ khi nào cũng có hai màu áo đặc trưng chạy xe bon bon trên đường phố Hà Nội.

Tôi cũng đã từng nhiều lần trò chuyện với các tài xế xe ôm công nghệ khi sử dụng dịch vụ của họ, tôi cũng biết họ đủ mọi lứa tuổi, đến từ đủ mọi nơi, làm đủ mọi ngành nghề. Nhưng vì cuộc sống ngày một đắt đỏ nên họ chọn lái xe ôm để kiếm thêm chút tiền ngày nào hay ngày đấy.

Trên sóng truyền hình, ta nhìn thấy cả những kĩ sư thất nghiệp, phụ nữ từ các tỉnh lân cận, sinh viên đại học…đều tham gia đội quân này, không chỉ như vậy, đến cả một vị Giám đốc doanh nghiệp cũng quyết định “chạy xe” kiếm tiền trong giai đoạn công ty gặp khó khăn. Và ngay cả một Thạc sĩ Kinh tế cũng vì miếng cơm manh áo, muốn có thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình nên đã chấp nhận làm công việc này.

Kính thưa thạc sĩ và kỹ sư thất nghiệp: Thay vì ở nhà ăn bám và chê nghề chân tay, nhấc mông lên và làm gì có ích cho đời...như chạy Grab - Ảnh 1.

Thực ra, theo quan điểm của tôi, nghề nào cũng là nghề, nghề nào cũng đáng được trân trọng.

Nhất là trong khi kinh tế khó khăn, việc thiếu người thừa, người linh hoạt, tháo vác sẽ tìm được việc cho chính mình, bất kể việc gì, miễn là kiếm được chút thu nhập để trang trải qua ngày, còn có người ỷ lại, thế nào cũng được, ăn bám bố mẹ, ngày ngày làm vài cốc trà đá vỉa hè, chém gió, nói chuyện thế giới, cạnh khóe, ganh ghét những người hơn mình.

So sánh hai kiểu người như vậy, ai đáng khen hơn?

Trong năm 2017 vừa qua, người ta tính toán rằng có hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ lâm vào cảnh “ôm bằng tốt nghiệp”, há miệng chờ việc. Nhờ sự xuất hiện của hai hãng taxi điện tử lớn nhất hiện giờ, nhiều sinh viên, cử nhân, thạc sĩ đã có thể đốt cháy giai đoạn đợi việc bằng cách trở thành đối tác Grab hay Uber, chẳng phải đó là tín hiệu đáng mừng sao?

Tất nhiên, tôi biết, chẳng phụ huynh nào mong muốn con em mình sẽ chạy xe ôm sau 4 – 5 năm trời đèn sách miệt mài cả.

Chạy xe ôm là một nghề bình thường cũng như làm phục vụ hay bảo vệ, cũng như bán quần áo hay trà sữa, việc nào cũng quý và có cái khó riêng, đáng ra phải nên tự hào vì mình còn có ích cho xã hội.

Chạy Grab hay Uber cũng như xương rồng mọc trên sa mạc vậy.

Trong một môi trường hết sức khắc nghiệt như sa mạc, thay vì mọc lá thì xương rồng mọc gai để hạn chế hơi nước thoát ra. “Trong cái khó ló cái khôn”, kinh tế khó khăn, thay vì ngồi đợi việc, nhiều người đã chọn cách chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập.

Kính thưa thạc sĩ và kỹ sư thất nghiệp: Thay vì ở nhà ăn bám và chê nghề chân tay, nhấc mông lên và làm gì có ích cho đời...như chạy Grab - Ảnh 2.

Chúng ta không biết những con người chạy Uber hay Grab kia đang nung nấu gì hay có ước mơ gì, không hiểu thế giới quan và xuất phát điểm của họ như thế nào cả. Trong khi chạy xe ôm, họ vẫn có thể học, vẫn có thể tích lũy cho mình nhiều kiến thức, chỉ cần họ tin tưởng vào bản thân và không sa ngã vào những thú vui nhất thời thì chắc chắn cơ hội sẽ còn nhiều.

Cuộc sống của bất cứ ai chắc chắn cũng có những lúc thăng lúc trầm, lúc được lúc mất. Vậy nên, cứ hãy làm tốt công việc hiện tại để dành những điều đẹp đẽ nhất cho tương lai!

Nghề nào cũng là nghề, nghề nào cũng đáng được trân trọng, đừng vì tai mắt của xã hội mà đánh mất cái tôi và sự tôn trọng với nghề.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Chạy Grab, Uber 7 ngày Tết bằng 2 tháng lương viên chức

Bài viết mới