“Quy định mới tạo thêm nhiều chi phí; việc kiểm tra toàn bộ có thể mất từ một đến hai tháng, trong khi các xe khác trong lô hàng phải ở lại cảng và chịu chi phí lưu kho hằng ngày”, ông Kukuh Kumara, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô ở Indonesia (Gaikindo) nói vào hôm thứ 4 (22/02).
Nghị định mới khiến Hiệp hội này phải gửi đơn kiến nghị đến Bộ Công nghiệp Indonesia vào ngày 27/01. Theo đó, Gaikindo thông báo 4 nhà hãng ô tô lớn là Toyota, Suzuki, Daihatsu và Hino đã ngừng kế hoạch sản xuất 9.337 ô tô cho thị trường Việt Nam. Những chiếc xe này từng được dự kiến sản xuất từ 12/2017 – 03/2018.
Indonesia xuất khẩu 30.000 ô tô/năm đến Việt Nam. Trong đó, Toyota, Suzuki, Daihatsu và Hino là 4 hãng xuất khẩu lớn nhất, theo ông Kukuh.
Bộ trưởng Bộ công nghiệp Indonesia, ông Airlangga Hartarto, cho biết Bộ Công nghiệp nước này đã gửi một thông báo phản hồi tới Bộ Giao thông Vận tải của Việt Nam.
Ông Jongkie Sugiarto, đồng chủ tịch Gaikindo, cho biết các nhà sản xuất ô tô của Indonesia không gặp vấn đề gì trong việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng từ phía Việt Nam, như tiêu chuẩn Euro IV, túi khí hay hệ thống chống bó cứng phanh (ABS). Tuy nhiên, ông cho rằng việc kiểm tra các mẫu xe lại là một rắc rối.
“Việc kiểm tra rất khó bởi vì thử nghiệm phải tiến hành trên mỗi mẫu xe, trong mỗi lô hàng. Nếu kiểm tra không đạt, Việt Nam sẽ trả lại lô hàng”, ông nói.
Theo Cơ quan Thống kê Trung ương của Indonesia, trong giai đoạn 01 – 11/2017, số lượng xe hơi Indonesia xuất khẩu sang Việt Nam trị giá 241,2 triệu USD, tăng mạnh so với con số 17,78 triệu USD năm 2016. Indonesia cũng là nước xuất khẩu ô tô lớn thứ ba sang Việt Nam với thị phần là 13,12%, chỉ xếp sau Thái Lan và Trung Quốc.
Vụ trưởng Thương mại quốc tế của Bộ Thương mại Indonesia, ông Oke Nurman, cho biết nếu các nhà sản xuất ô tô của nước này ngừng xuất khẩu sang Việt Nam, Indonesia có thể mất khoảng 85 triệu USD trong giai đoạn 12/2017 – 03/2018. Ông nói Chính phủ Indonesia đã quyết định can thiệp bằng cách vận động phía Việt Nam.
Ông Oke cũng cho rằng Nghị định 116 được triển khai quá sớm. Theo ông, Việt Nam là một thành viên của WTO, do đó phải thông báo về ý định hạn chế hoạt động thương mại với WTO. “Nếu Việt Nam không thông báo với WTO, chúng tôi có thể kiến nghị với WTO”, ông Oke nói.
Trước đó, vào tháng 1, Toyota và Honda đã thông báo ngừng xuất khẩu ô tô sang Việt Nam do rào cản phi thuế quan được đặt ra bởi Nghị định 116.
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu tiên của năm 2018, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam sụt giảm mạnh. Tính chung cả tháng 1 chỉ có 337 xe ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam. Trong đó, riêng ô tô con (xe dưới 9 chỗ ngồi) chỉ có 17 chiếc, tổng trị giá 567.000 USD. Một điều bất ngờ là trong đó không có xe nào được nhập từ Indonesia vào Việt Nam.