Một năm qua, tiền ảo đã rất ‘hot’, kéo theo đó là sự nóng lên của những dự án gọi vốn bằng tiền ảo mang đến những khoản lợi nhuận ‘x5, x10 tài sản’. Và như thế, cụm từ ICO cũng đã trở nên quen thuộc và trở thành một trào lưu đầu tư trong năm 2017.
Giờ đây, ICO đang ‘mọc’ lên như nấm. Thế nhưng, trong các dự án gọi vốn bằng tiền ào trên thế giới lúc này, có lẽ không có một dự án nào ‘hot’ như ICO của cả đất nước Venezuela. Mới đây, Chính phủ Venezuela đã chính thức công bố đợt mở bán sớm (Presale) đồng tiền kĩ thuật số Petro (PTR) của mình. Thời gian chính thức mở bán là 11 giờ (giờ Hà Nội) ngày 20/2 và sẽ kết thúc vào 7 giờ (giờ Hà Nội) ngày 19/3.
Như thế, PTR đã chính thức được bán ra, với hy vọng trở lại sự thịnh vượng của đất nước Venezuela đang ở giữa sự khó khăn đầy rẫy đã bắt đầu được nhen nhóm.
6 tỷ USD, 82 triệu đồng tiền và hy vọng ‘giành lại thịnh vượng’ của Venezuela
Đồng tiền kỹ thuật số Petro, giống như nhiều loại token trong các dự án ICO khác, cũng được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn ERC20 của Ethereum Blockchain (Blockchain nổi tiếng thứ 2 trên thế giới sau Bitcoin).
Dự án này hệ trọng với Venezuela đến mức Chính phủ nước này phải cử hẳn ông Tareck El Aissami – Phó Tổng Thống điều hành đợt Presale. Ngay đến cuốn Per Telesur – sách hướng dẫn cách mua tiền kĩ thuật số Petro theo tiếng Venezuela – cũng được nội các ông Tổng Thống Maduro chuẩn bị bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Chính phủ Venezuela dự kiến sẽ tạo ra 100 triệu đồng Petro và mang bán khoảng 82,4 triệu đồng. Giá trị đồng Petro được bán ra là khoảng 60 USD. Tính ra, nếu bán hết toàn bộ số token như kế hoạch, Chính phủ đất nước Nam Mỹ sẽ thu về 6 tỷ USD.
Riêng đợt bán Presale này, với số lượng 38,4 triệu đồng bán ra, Venezuela sẽ thu về khoảng 2,8 tỷ USD.
Đất nước Venezuela khủng hoảng mọi mặt đang chờ kế hoạch ICO như một giải pháp vực dậy
Đây có thể là một con số không quá lớn với nhiều vị tỷ phú hay nhìn từ lăng kính của nền kinh tế một quốc gia. Thế nhưng, đối với Venezuela, số tiền 6 tỷ USD này cùng với hơn 82 triệu đồng được bán ra sẽ là chìa khóa để đất nước này vượt qua tình thế khó khăn hiện tại.
Chẳng thế mà Tổng thống Maduro đã từng nói: “Petro ra đời và chúng tôi sẽ giành lại sự thịnh vượng cho Venezuela…Các công ty lớn mạnh nhất và blockchain sẽ ở bên Venezuela, chúng tôi sẽ ký các hàng loạt các thỏa thuận”
Hiện tại, do nhiều thông tin chưa thể tiếp cận, người ta vẫn chưa có những số liệu đầu tiên về đợt bán Presale của ICO tại đất nước Venezuela. Cần lưu ý rằng với cách làm của các ICO ‘hot’ thông thường, các đợt bán Presale sẽ thường rất chạy và trở thành động lực để tạo tâm lý FOMO, qua đó dễ dàng kéo các nhà đầu tư tham gia vào đợt ICO chính thức sau này hơn.
‘Bản vị dầu’ hay là canh bạc với cả Venezuela: Thoát cấm vận của Mỹ, xây dựng hẳn nền tiền tệ mới tân tiến
Đi sâu vào những toan tính của Chính phủ Venezuela về dự án ICO quốc gia thì có thể thấy mục tiêu của nội các ông Maduro không chỉ là số tiền 6 tỷ USD. Xa hơn, có lẽ ông này đã tính toán rằng đây thực sự là canh bạc đổi đời của chính Chính phủ của ông và của đất nước Nam Mỹ này.
Cụ thể, theo dự kiến, Petro sẽ được chấp nhận như là một phương thức thanh toán của Venezuela. Người ta có thể dùng Petro để mua bằng các đồng tiền chính danh mạnh (USD, EUR…) và các đồng tiền kĩ thuật số khác. Điểm quan trọng là Venezuela dự định sẽ sử dụng Petro cho các hoạt động kinh doanh quốc tế chủ yếu liên quan đến dầu, qua đó tăng cường khả năng đồng tiền này được chấp nhận.
Điều quan trọng nhất, Petro cũng sẽ là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới được phát hành bảo đảm bằng lượng dầu dự trữ của một đất nước. Tỷ lệ đảm bảo là 1 đồng Petro sẽ đổi lấy 1 thùng dầu ngoài khơi Venezuela.
Trước đây khi phát hành tiền tệ, các nước có chế độ ‘bản vị vàng’ để đảm bảo cho số tiền mình in ra. Giờ đây, với sự bảo chứng bằng bằng nguồn dự trữ dầu mỏ của mình, có thể gọi chính sách của Chính phủ Venezuela là “bản vị dầu” thay cho “bản vị vàng” trước đây.
Ông Maduro và đồng tiền ‘bản vị dầu’ của mình
Nói một cách đơn giản, Chính phủ của ông Maduro vẫn có thể thu tiền về túi mà không cần bán đi một thùng dầu nào. Hơn nữa, Chính phủ Venezuela bán ra đồng Petro và thu về đồng tiền mã hóa Ethereum. Nếu trong tương lai, giá trị Ethereum tăng lên, số tiền theo USD mà nội các của ông Maduro sẽ còn vượt cả con số 6 tỷ USD
Từ đây, có thể nói một nền tiền tệ mới với đồng Petro sẽ ra đời và khi đó, theo các chuyên gia kinh tế tất cả những lệnh trừng phạt của Mỹ và Phương Tây có thể sẽ bị vô hiệu hóa.
Vì sao lại vậy? Lý do vì đồng tiền định danh Bolivar của Venezuela đang bị cấm vận, trừng phạt nặng nề bởi các nước lớn. Trong khi các đồng tiền mạnh như USD sẽ được chấp nhận, thì đồng Bolivar thì không, nhất là trong các hoạt động giao thương quốc tế.
Như thế, nếu Petro được biết đến và sử dụng rộng rãi, một nền tiền tệ mới xoay quanh Petro sẽ ra đời và các nước lớn sẽ không có cách nào để kiểm soát đồng tiền này. Vì thế, Petro có thể coi như chiếc phao cứu sinh cuối cùng của nội các ông Maduro, bởi nếu như kế hoạch không được như mong muốn, người đàn ông này biết mình phải làm gì.
Giờ đây, ông Maduro đang làm hết mình để kế hoạch vể Petro đạt được thành công. Ông này giao cho ông Carlos Vargas để làm giám sát viên tiền kĩ thuật số cho dự án. Ông này đã tự tin tuyên bố rằng: “Petro sẽ được quản lý bởi những người giỏi nhất và sau đó thị trường thứ cấp sẽ dần dần xuất hiện”.
Tất nhiên là những viễn cảnh tươi đẹp này mới được vẽ ra trong đầu ông Maduro. Tại ngay đất nước Venezuela, phe đối lập đang cho rằng việc bán đồng tiền kĩ thuật số này là “bất hợp pháp và không hợp hiến”. Nó được xem như là một “nỗ lực để thế chấp bất hợp pháp” dự trữ dầu của Chính phủ ông Maduro.
Tạm biệt Bolivar, chào đón Petro?
Còn tại Mỹ, các thượng nghị sĩ khác cũng lên án Petro như là một cách nhằm phá vỡ lệnh trừng phạt của quốc gia này lên Venezuela. Các thượng nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ đã tuyên bố “Bộ Tài chính Mỹ cần phải có các công cụ và cơ chế thực thi để chống lại việc sử dụng tiền kĩ thuật số để tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nói chung và trong trường hợp của Venezuela nói riêng”.
Hiện tại Venezuela đang phải đối mặt với một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất nhất từ trước tới này. Các công dân nước này hiện đang phải dùng tiền ảo cho cuộc sống hàng ngày, vì đồng tiền được sự bảo đảm của Chính phủ là Bolivar đã gần như vô dụng, với mức lạm phát quá kinh khủng.
Và trong cơn khủng hoảng, người ta mới thấy được sự trỗi dậy mạnh mẽ của tiền ảo tại đất nước này. Theo những thống kê không chính thức, Venezuela chính là nước đào Bitcoin mạnh top đầu thế giới, ngang hàng với Nga hay Trung Quốc. Hay như gần đây, một bức ảnh được lan truyền chóng mặt trên mạng đã cho thấy trẻ em Venezuela đang được giúp đỡ bởi chương trình Bitcoin Cash.