Năm 2017, các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán đã mang đến những con số minh chứng khá rõ nét cho một năm tăng trưởng tích cực của nền kinh tế chung. Số liệu của UBCKNN mới đây cho biết có đến 94% trên tổng số công ty niêm yết có lợi nhuận. Mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các DN niêm yết trên toàn thị trường cũng có mức tăng trưởng mạnh đến 26,4%. Riêng ngành tài chính ngân hàng tăng rất mạnh (62,6%); bất động sản và xây dựng tăng lần lượt là 39,8% và 31,9%.
Theo đó, thị trường chứng khoán cũng đã có mức tăng mạnh nhất trong vòng 10 năm và kéo dài đà tăng cho đến hết tháng đầu của năm 2018. Trở lại sau kỳ nghỉ tết âm lịch, thị trường tiếp tục có mức tăng ấn tượng với chỉ số VNIndex tăng 27,4 điểm (2,59%) lên mức 1.087 điểm vào cuối phiên ngày 21/2/2018 cho thấy sự hưng phấn của các nhà đầu tư.
Nhiều dự báo lạc quan
Tiếp đà hưng phấn của năm 2017, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn đang là địa chỉ hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán nói riêng cũng được nhiều dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. Thậm chí nhiều kỳ vọng Vnindex sẽ vượt đỉnh cũ trong quá khứ và hướng đến đỉnh cao mới theo nhiều yếu tố tích cực như sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và sự chuyển dịch nguồn lực của nền kinh tế vào khối tư nhân.
Hàng loạt DNNN lớn tiến hành cổ phần hoá cũng đang thu hút rất nhiều sự quan tâm rất lớn của các NĐTNN, hay như câu chuyện dài hạn cho TTCK Việt Nam là vấn đề thăng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo chuẩn phân loại của MSCI cũng đang được nhắc lại ngày một nhiều, nhất là trong năm 2017 khi mà thị trường thu hút một lượng vốn đầu tư từ nước ngoài khổng lồ.
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam 2018, ngân hàng Thụy Sĩ UBS mới đây cũng cho rằng Việt Nam quá lôi cuốn để đầu tư và kỳ vọng Việt Nam có thể đạt được kịch bản GDP tăng trưởng 6,8% trong năm nay. Thậm chí, UBS còn dự báo rằng kinh tế VN sẽ tăng trung bình 7,2%/năm trong nửa thập kỷ tiếp theo nếu Chính phủ thành công trong việc bán cổ phần tại một số lượng lớn DNNN và trao quyền kiểm soát cho tư nhân.
Không chỉ UBS, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng đã công bố chỉ số xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh (EDBI) 2017-2018 của VN tăng 14 bậc, cho thấy mức ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải cách hành chính và môi trường đầu tư đang tích cực.
“Niềm tin của Nhà đầu tư được củng cố bởi nỗ lực thực hiện cam kết của Chính phủ và sự cải thiện của các biến số vĩ mô. Môi trường kinh doanh tiếp tục được chú trọng cải thiện thông qua các chủ trương bãi bỏ điều kiện kinh doanh của Chính phủ và các bộ ngành. Cụ thể, Nghị định 08/2018/NĐ-CP bãi bỏ khoảng 600/1.200 điều kiện kinh doanh trong ngành công thương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị bãi bỏ 34% điều kiện kinh doanh và đơn giản hoá phần lớn các điều kiện khá.c Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo quyết liệt, không những bãi bỏ điều kiện mà bãi bỏ cả ngành nghề kinh doanh có điều kiện…”, RongViet Research đánh giá.
Cẩn trọng với ‘bẫy tăng giá’ từ nhóm cổ phiếu lớn
Hiện tại, với sự ổn định của kinh tế vĩ mô cùng với tốc độ tăng trưởng GDP cao dẫn đến nhiều nhận định cho rằng với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận (EPS) khoảng 19% như hiện nay, chỉ số PE của thị trường là tương đối hợp lý (PEG xấp xỉ bằng 1). Tuy nhiên, vẫn có một số quan điểm cho rằng thị trường đang đứng trước nguy cơ điều chỉnh bởi mức giá của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đã quá cao tiệm cận mức 20 lần vào thời điểm hiện tại.
PE VNIndex từ 2009 (nguồn: Bloomberg)
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi thị trường đã tăng quá mạnh, tiềm tàng khả năng điều chỉnh khá sâu trước khi tăng trở lại. Nguyên nhân quan trọng nhất được chuyên gia đưa ra đó là P/E của thị trường đã gần vượt mức 20 lần, được xem là mức ngưỡng của thị trường giá cao; so với mức hợp lý chỉ nên vào khoảng 15 lần.
Ông Hiển cho rằng hiện nay trên thị trường đã có những cổ phiếu lớn có giá quá cao, trong khi khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận không có nền tảng vững chắc từ công nghệ hay thị phần; Những cp này có thể trở thành các bẫy Bull trap với vốn điều lệ lớn và giá tăng quá cao tạo ra khoảng chênh lệch rất lớn giữa giá trị sổ sách và vốn hóa.
“Chúng ta xem 4 cổ phiếu hàng đầu hiện nay ở 4 ngành nghề khác nhau, thì đều thấy việc tìm kiếm lợi nhuận trong trung hạn sẽ khó, chứ chưa nói tới ngắn hạn do giá cổ phiếu đã tăng quá mạnh.” TS Đinh Thế Hiển dự báo.
“Cách đây 10 năm, thị trường còn mới mẽ và cơ hội cho các DN tăng ‘size’ lớn hơn. Nhưng bây giờ, tiềm năng và cơ hội tăng trưởng như trước đây đã gần như không còn. Chính vì vậy, PE thị trường cao như hiện nay là bất hợp lý ngoại trừ những DN có sự đột phá về sản phẩm hay công nghệ.” TS. Hiển kết luận.
Nhóm phân tích RongViet Research cũng cho rằng, ở mức PE khá cao hiện tại, rủi ro ở nhóm này cũng cao tương ứng nếu các quỹ mở đột ngột bị rút vốn. Theo đó, RongViet Research khuyên nhà đầu tư cần cẩn trọng với dòng vốn đầu tư từ các quỹ mở và ETF. Bởi tính đến cuối năm 2017 kéo dài cho đến nay, dòng vốn nước ngoài gián tiếp gia nhập TTCK Việt Nam khá mạnh mẽ thông qua các quỹ đầu tư ETF và quỹ mở. Mức độ tham gia của NĐT nước ngoài trên sàn chứng khoán Việt Nam đã tăng từ mức 10 – 11% trong các năm trước lên khoảng 15% vào nửa cuối năm 2017, đồng nghĩa với mức độ tác động sẽ mạnh hơn.
Trích báo cáo chiến lược 2018 VDSC
Theo đó, RongViet Research cho rằng NĐT có thể sàng lọc các cơ hội đầu tư tại nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình đang có định giá PE thấp và triển vọng kinh doanh tích cực cho mục tiêu trung – dài hạn.