2017 được xem là năm thành công của kinh tế Việt Nam với nhiều kỷ lục ở cả tăng trưởng GDP, xuất khẩu, thu ngân sách, thu hút đầu tư… bất chấp phục hồi chậm chạp của kinh tế thế giới và khu vực. Những chỉ tiêu đạt được này sẽ là tiền đề cho kinh tế Việt Nam năm 2018 tiếp tục vươn xa.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) (Nguồn: Thời báo ngân hàng)
Dưới đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về bức tranh kinh tế 2018:
– Ông nhận định thế nào về bức tranh kinh tế 2017?
+TS.Nguyễn Đình Cung: Năm 2017 là một năm khá thành công của kinh tế Việt Nam. Các mục tiêu kinh tế xã hội đều đạt được, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng.
Hồi đầu năm, khá nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ về khả năng đạt được tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đặt ra. Nhưng cuối cùng chúng ta đã đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra ở mức vượt mục tiêu, là 6,81%.
Năm 2017 còn khá “bận rộn” với mục tiêu cải cách. Đặc biệt, Trung ương Đảng ra 3 Nghị quyết rất quan trọng, đặt nền tảng cho những cải cách tiếp theo, gồm: Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và Nghi quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế.
Năm 2017 cũng là năm bận rộn về cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Những rào cản về môi trường kinh doanh đã được thảo luận nhiều năm, nhiều lần… thì năm qua cũng đã được triển khai thực hiện không chỉ ở Chính phủ mà còn chuyển động đến tất cả các bộ: Công Thương, NN&PTNT, Khoa học và Công nghệ… và thậm chí còn còn chuyển động về cả các địa phương.
Và kết quả là những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh đã được quốc tế thừa nhận bằng việc xếp hạng Việt Nam tăng 19 bậc. Tương tự, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam không chỉ tăng về thứ bậc mà còn tăng về điểm. Cụ thể, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017 được nâng hạng từ 63 lên thứ 55 và tăng 1 điểm.
Như vậy, tôi cho rằng, 2017 là một năm khá thành công của kinh tế Việt Nam.
–Dù vậy, hẳn chúng ta còn những điều chưa làm được, thưa ông?
TS. Nguyễn Đình Cung: Nếu so sánh với những yêu cầu mà chúng ta phải có và đáng phải có để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam và thu hẹp khoảng cách với các nước thì rõ ràng chúng ta còn khoảng cách tương đối xa.
Tăng trưởng của chúng ta nói là cao nhưng thực ra nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước. Chúng ta phải đạt được khoảng 7,5%-8% thì mới hy vọng thu hẹp khoảng cách này. Vì vậy, chúng ta chưa thể hài lòng với mức tăng trưởng hiện tại, mặc dù đây đã là mức được đánh giá là khá thành công và tương đối cao.
Ngoài ra, về cải cách, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra là tương đối toàn diện, nhưng việc triển khai trên thực tế là triển khai từng vụ việc chứ không triển khai đồng bộ, với quy mô lớn, tốc độ nhanh trong khi thế giới bây giờ đi rất nhanh bằng công nghệ 4.0…Thời nay, môi trường kinh doanh đòi hỏi sự hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phải nâng đỡ khuyến khích sáng tạo trong khi cơ chế của chúng ta chưa có được điều này.
Cho nên, tôi cho rằng, thay đổi về thể chế là yêu cầu hết sức cần thiết. Quy mô phải lớn hơn, tốc độ nhanh hơn, đồng bộ hơn… tiến thẳng lên thị trường hiện đại, hội nhập chứ không phải cứ lòng vòng thế này.
Về tái cơ cấu, chúng ta triển khai nhưng chưa mang lại kết quả rõ nét. Ví như, tái cơ cấu DNNN vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi, đầu tư công cũng lờ mờ, xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém có chuyến động nhưng chưa thể hiện bằng kết quả có thể đo lường được.
–Vậy theo ông, chúng ta cần phải đặt ra những mục tiêu gì cho năm 2018 để bức tranh kinh tế có nhiều gam màu sáng hơn?
TS. Nguyễn Đình Cung: Chúng ta đặt ramục tiêu cho năm 2018 ở mức bình thường bởi chúng ta không tạo áp lực lớn về tăng trưởng ngắn hạn mà muốn tạo dư địa để cải cách chiều sâu mạnh mẽ hơn, tạo nền tảng cho những năm sau tốt hơn.
Chính vì lẽ đó, năm 2018, tôi không chú ý nhiều đến những con số như tăng trưởng phải đạt 6,5% hay 6,7%… mà muốn tập trung vào những gì đạt được đằng sau đó, để từ đó đặt nền tảng tốt hơn cho những năm sau.
Tuy nhiên, về những chỉ tiêu đặt ra cho năm 2018, tôi cho rằng chúng ta có thể đạt được.
Theo quan điểm của tôi, nếu chúng ta có những cải cách toàn diện hơn, sâu rộng hơn, tốc độ nhanh hơn thì chắc chắn bức tranh kinh tế 2018 sẽ có nhiều điểm sáng hơn so với 2017.
–Xin cảm ơn ông!