Warren Buffett không nên được tôn sùng là biểu tượng cho chủ nghĩa tư bản của Mĩ mà nên được miêu tả là ví dụ tiêu biểu cho sự thất bại của hệ thống này. Đó là nhận định được cây bút David Dayen của tờ The Nation đưa ra trong bài viết “The dirty secret behind Warren Buffet’s billions” (tạm dịch: Bí mật bẩn thỉu đằng sau hàng tỷ USD của Warren Buffett).
Lý thuyết hàng rào phòng vệ
Bài báo có tựa đề gây sốc của Dayen chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy khá thất vọng nếu bạn đặc biệt ưa thích những bài viết thường thấy trên báo chí ca ngợi tài năng chọn lựa cổ phiếu của Buffett. Theo cây bút này, danh mục đầu tư của Buffett bao gồm hàng loạt công ty có mức lợi nhuận khổng lồ, được hưởng mức thuế ưu đãi và có hình ảnh khó quên gắn liền với vị trí độc quyền trong tâm trí người tiêu dùng. Điều này giống như Buffett đang lợi dụng hệ thống thuế và lạm dụng người tiêu dùng.
Chính bản thân Buffett cũng đã liên tục nhấn mạnh chiến lược giống với một nhà quân sự thông thái. Ông muốn các doanh trại của mình phải có hàng rào phòng vệ được mở rộng ra thêm mỗi năm, cho phép các công ty bên trong tự do phát triển và làm những gì họ thích. Với các nhà đầu tư, điều đó được định nghĩa là các bạn hãy đi tìm các công ty có hàng rào phòng vệ lớn.
Mở rộng hàng rào phòng vệ, đó là lý thuyết tối thượng của ông.
“Nếu bạn sở hữu một doanh nghiệp tốt, nếu bạn sở hữu một tờ báo độc quyền hay một đài truyền hình riêng, thì ngay cả chính đứa cháu ngốc nghếch của bạn cũng có thể lên làm CEO ở đó.” Ông nói trong cuộc phỏng vấn với một ủy ban nhà nước năm 2008.
Trong cuộc họp cổ đông Berkshire Hathaway năm 2000, ông cũng nói: “Chúng ta hãy nghĩ về các doanh nghiệp có hàng rào phòng vệ vững chắc giữ cho nó không thể bị đối thủ lấn lướt. Đây là điều mà chúng ta cần phải liên tục nhắc nhở những người quản lí của Berkshire, chúng ta muốn hàng rào này được mở rộng ra thêm mỗi năm”.
Luật chống độc quyền
Nước Mỹ vốn là quốc gia khởi đầu cho chủ nghĩa thương mại tự do, vì vậy nếu xem Buffett là một nhà đầu tư thì có thể dễ dàng thấy được ông đang nhận về lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các nhà đầu tư còn lại, ngay cả khi có cùng quy mô vốn. Thực tế, để chống lại chủ nghĩa độc quyền trong kinh doanh, nước Mỹ có các bộ luật đã tồn tại trong hơn hai thế kỷ để chống lại các hình thức tập trung độc quyền của một ngành, khuyến khích sáng tạo và mạo hiểm có điều tiết rủi ro. Nhưng thực sự là nỗ lực chống độc quyền chưa thực sự đem về kết quả đáng kể.
Tuy hành động này tạo ra lợi ích cho Buffett và những người làm việc trong hệ thống công ty của ông bởi lợi nhuận thu về ngày càng nhiều, chính điều này lại tăng cường thêm tiềm năng cho các công ty của Buffett thu về lợi nhuận gộp khổng lồ, làm tổn hại nghiêm trọng đến các công ty nhỏ hơn và giảm đi đáng kể lựa chọn của người tiêu dùng, đe dọa tăng trưởng kinh tế và khiến tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng trầm trọng.
Buffett đã theo con đường này từ đầu, “Buffett không theo đuổi các tấm gương khác trong vấn đề độc quyền trong xã hội Mĩ, mà ông ta trở thành người dẫn đầu nó” – Dayen nhận định.
Mới đây nhất, Apple (APPL) đã trở thành tầm ngắm trong danh mục của ông. Dayen gọi Apple là “công ty trốn thuế xấu xa nhất của nước Mỹ”.