Nghiên cứu “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho thấy năng suất lao động của doanh nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi nhờ sự xuất hiện của doanh nghiệp FDI, thông qua hiệu ứng lan toả tích cực đến các cấu phần như quy mô doanh nghiệp, chất lượng lao động, cường độ vốn.
Dù vậy, nghiên cứu chỉ ra rằng trình độ lao động thấp của Việt Nam là nhân tố cản trở tác động tích cực của nguồn vốn FDI với năng suất lao động. Ở cấp độ doanh nghiệp, trình độ lao động thấp sẽ hạn chế khả năng tiếp thu và chuyển giao công nghệ. Như vậy, nếu thiếu lao động có trình độ đáp ứng ở một mức nào đó, việc phổ biến công nghệ sẽ khó hoặc không xảy ra.
Ngoài trình độ lao động, chênh lệch lớn về công nghệ và năng suất lao động cũng đang gây khó khăn cho việc di chuyển lao động có chuyên môn giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. TS. Tuệ Anh nhận định hiện tượng rời khỏi DNNN có lẽ là nhiều hơn rời khỏi doanh nghiệp FDI để đến doanh nghiệp trong nước.
TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và dự báo KTXH quốc gia cho biết nhìn chung các nghiên cứu gần đây đều khẳng định tác động tích cực của FDI đến năng suất của doanh nghiệp trong nước ở Việt Nam thông qua kênh liên kết dọc và xuôi. Tuy nhiên, tác động lan toả qua hai kênh này là không đáng kể. Nguyên nhân là các doanh nghiệp FDI hoạt động trong một môi trường khá biệt lập với doanh nghiệp trong nước, mối liên kết sản xuất, cung cấp đầu vào rất yếu do năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước bị hạn chế.
World Bank trong báo cáo năm 2017 chỉ ra rằng tỷ lệ các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng đầu vào trong nước ở Việt Nam thấp hơn đáng kể so với một số nước xung quanh như Trung Quốc, Malaysia hay Thái Lan. Hơn nữa, xu hướng các doanh nghiệp FDI mua đầu vào trong các nước dường như tỷ lệ nghịch với tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp trong doanh thu và tỷ lệ vốn do nước ngoài sở hữu.
World Bank cũng cho rằng việc thiếu các nhà cung cấp trong nước có năng lực cạnh tranh có thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng trong chuỗi giá trị toàn cầu là hạn chế lớn nhất mà các công ty xuyên quốc gia hay các công ty hàng đầu trong lĩnh vực ICT/điện tử chế tạo tại Việt Nam đang phải đối mặt. Đối với ngành công nghiệp ô tô, thiếu các nhà cung cấp trong nước có thể dẫn đến việc phụ thuộc quá lớn vào phụ tùng, linh kiện nhập khẩu.
Ở quy mô ngành, nghiên cứu “Hiệu ứng lan toả của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới doanh nghiệp ngành nông nghiệp Việt Nam” của Lê Thị Hà Thu cũng cho thấy sự hiện diện của doanh nghiệp FDI không có tác động lan toả tích cực đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đối với từng nhóm doanh nghiệp có quy mô khác nhau sẽ có ảnh hưởng khác nhau. Ví dụ đối với doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ là tích cực, còn với quy mô vừa và lớn thì rất nhỏ.
Như vậy, về mặt lý thuyết, dòng vốn FDI tác động đến năng suất lao động của Việt Nam, nhưng tác động tích cực chỉ xảy ra khi doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực học hỏi công nghệ mới, hoặc có đủ năng lực cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp nước ngoài.
Do vậy, trong tương lai, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước thông qua các dự án phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển nhà cung cấp cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần khuyến khích tăng cường cơ chế hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Việc thu hút FDI hiện nay thông qua nhiều công cụ ưu đãi nhưng cần phải gắn chặt với việc tạo dựng mạng lưới cung cấp trong nước…