Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày càng thể hiện được vị thế năng động của mình, nhưng để xây dựng được những tên tuổi đại diện quốc gia thì còn cả một chặng đường dài.
Động lực tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Trong con số hơn 213 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam năm 2017, các doanh nghiệp FDI đã xuất khẩu 152,19 tỷ USD, tương đương 71% giá trị xuất khẩu của năm.
Khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân
Một điểm nhấn đặc biệt quan trọng năm 2017 là khi Ban chấp hành TƯ Đảng ra Nghị quyết xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, một Ban tư vấn về phát triển kinh tế tư nhân cũng đã được thành lập.
Dù còn nhiều việc phải làm từ phía các nhà làm chính sách, nhưng những quyết sách lớn của Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân đã giúp cho không khí làm ăn kinh doanh và tinh thần doanh nhân khởi nghiệp được cổ vũ mạnh mẽ hơn.
Điều đáng lo ngại là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân chậm được nâng cao và đang phải cạnh tranh chật vật với doanh nghiệp ngoại và hàng hóa nhập khẩu. Khu vực kinh tế hộ gia đình cạnh tranh không lành mạnh, làm hàng giả, hàng nhái, trốn thuế khá phổ biến. Tín dụng cấp cho khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế. Tăng thuế, tăng cách tính bảo hiểm cũng đang đặt thêm gánh nặng chi phí cho kinh tế tư nhân.
TS. Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp của Bộ Công Thương cho rằng, công nghệ ứng dụng của các doanh nghiệp hơn 45% là công nghệ cực thấp, gần 50% là công nghệ thấp, chỉ có 8% là công nghệ trung bình, 2% là công nghệ cao đạt được trình độ so với thế giới, như vậy vũ khí của doanh nghiệp để kinh doanh là công nghệ của chúng ta chưa có.
Điều đau đầu nhất là tính liên kết của doanh nghiệp Việt Nam đang tỏ ra rất yếu ớt; trình độ quản trị doanh nghiệp còn sơ khai làm cho sự phát triển của doanh nghiệp không bền vững.
Đồng thời, việc thực hành theo chuỗi là rất kém. Đó là những yếu kém nổi bật của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay.
Vai trò của doanh nghiệp nhỏ đang to lên
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện cả nước có hơn 600 ngàn doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp tư nhân.
Hầu hết đều là các doanh nghiệp trẻ thành lập từ năm 2000 trở lại đây và phần lớn trong số đó là doanh nghiệp siêu nhỏ.
Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là động lực của mọi nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Mô hình phát triển sắp tới của Việt Nam sẽ là mô hình nền kinh tế sáng tạo, bao trùm và bền vững, trong đó, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là động lực chính. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là chủ thể của tất cả các nền kinh tế trong APEC và trên thế giới.
Với sự tiếp sức của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và thương mại điện tử thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là khu vực có sự cạnh tranh lớn nhất, sáng tạo lớn nhất vì nó huy động được toàn bộ nguồn lực cho xã hội và cho phát triển.
Khi hình thành lên chuỗi giá trị, các nhà cung ứng trong chuỗi chính là các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân đều rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình như tiếp cận đất đai, vốn vay, tiếp cận các thương quyền khó khăn hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước.
Kinh tế tư nhân Việt Nam cần chấp nhận cạnh tranh thị trường bình đẳng, qua đó được sàng lọc, trưởng thành, Nhà nước có thể trợ giúp phù hợp với cơ chế thị trường, tập trung vào những sản phẩm, dịch vụ Việt Nam có thể mạnh như phần mềm, du lịch, chế biến nông, thủy sản.. Qua đó sẽ hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân thực chất, có năng lực cạnh tranh.
Môi trường chính sách và cách ứng xử của khu vực công
Để kinh tế tư nhân lớn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, chìa khóa nằm trong cải cách thể chế nhà nước, chấm dứt các nhóm lợi ích…
Nhà nước phải công khai minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, loại bỏ chi phí ngoài pháp luật, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hướng doanh nghiệp đầu tư vào nguồn nhân lực, khoa học-công nghệ.
Cần bảo vệ tài sản hợp pháp của doanh nhân, tránh hình sự hóa các vấn đề dân sự, bảo đảm doanh nhân yên tâm lớn, mạnh, đóng góp xứng đáng cho phát triển đất nước.
Đặc biệt, cần giảm bớt các can thiệp không cần thiết của Nhà nước vào doanh nghiệp tư nhân, phát triển hợp tác công tư (PPP), thu hút tư nhân vào xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa… Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phê phán hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”, vấn đề là cần có chương trình hành động cụ thể để thực hiện trong thực tế.
Cùng quan điểm trên, ông Thắng đồng tình, nếu các cơ quan quản lý nhà nước không thay đổi thì doanh nghiệp Việt NAm không thể lớn lên được.
Sự thay đổi từ cách ứng xử của khu vực công sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc hình thành một “môi trường sống” lành mạnh nuôi dưỡng sức phát triển và tham vọng lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân.
Những quyết sách vĩ mô thể hiện quyết tâm cao nhất và sự kỳ vọng của Đảng, Chính phủ đối với vai trò của doanh nghiệp trong tiến trình chấn hưng kinh tế đã được ban hành. Việc còn lại là làm gì để chủ trương này được thực hiện thông suốt, để chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, chấm dứt sự nhũng nhiễu phiền hà của bộ máy hành chính, để cho quyết tâm của một “chính phủ kiến tạo” và liêm chính thực sự trở thành một môi trường nuôi dưỡng doanh nghiệp, kích thích và cổ vũ tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp ở mọi khu vực nền kinh tế.