Năm 2017 thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều vụ “chuyển nhà” đình đám, đặc biệt, không chỉ những cổ phiếu chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HoSE, mà nhà đầu tư còn chú ý nhiều đến những doanh nghiệp chuyển từ giao dịch trên thị trường UpCOM sang niêm yết trên HoSE.
Đặc biệt, năm 2017 chưa từng chứng kiến vụ “chuyển nhà” nào từ HoSE ngược lại sang HNX. Hiện tượng doanh nghiệp niêm yết trên HoSE chuyển “bắc tiến” ra niêm yết trên HNX rất hiếm từ trước tới nay.
Đột phá đến từ giai đoạn cuối năm
“Tiếng vang” lớn nhất của những mã chứng khoán chuyển sàn năm 2017 vừa qua lại đến từ những ngày cuối năm âm lịch 2017 khi dồn dập cả SGR của Địa ốc Sài Gòn, cả GEX của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam.
CTCP Địa ốc Sài Gòn được chấp thuận niêm yết toàn bộ gần 39,6 triệu cổ phiếu trên HoSE với mã chứng khoán SGR . Ngày giao dịch đầu tiên 15/1/2018, nếu tính theo năm âm lịch vẫn thuộc năm con gà 2017. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 29.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó cổ phiếu của Địa ốc Sài Gòn đã giao dịch trên UpCOM từ tháng 5/2015.
Đến nay sau hơn 1 tháng, có lúc SGR đã tăng lên mức 38.900 đồng/cổ phiếu sau đó giảm sâu và hiện giao dịch ở mức giá 30.200 đồng/cổ phiếu.
Ngay sau khi SGR chuyển nhà chưa lâu GEX của Gelex cũng chính thức giao dịch phiên đầu tiên trên HoSE từ 18/1 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 25.100 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi chuyển sàn, GEX đã tăng trần 3 phiên liên tiếp sau đó hạ nhiệt và hiện về giao dịch ở mức 31.000 đồng/cổ phiếu, tăng 23,5% so với ngày chào sàn.
Đi kèm với những tín hiệu tích cực từ việc chuyển sàn, năm 2017 Gelex còn báo lãi đột biến trên 1.300 tỷ đồng – mức lãi kỷ lục công ty từng đạt được, và lần đầu tiên giúp Gelex ghi danh vào câu lạc bộ những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ trong 1 năm.
Diễn biến giá cổ phiếu GEX trong 6 tháng gần đây.
Những cổ phiếu “chuyển nhà” từ HNX sang HoSE giờ ra sao?
Năm 2017 có 13 mã chứng khoán hủy niêm yết trên HNX trong đó có 4 doanh nghiệp chuyển sàn sang niêm yết trên HoSE bao gồm CTS của Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam; VDS của Chứng khoán Rồng Việt; VND của Chứng khoán VnDirect; CVT của CTCP CMC.
Hơn 90,4 triệu cổ phiếu CTS của VietinbankSC hủy niêm yết trên HNX từ 15/6/2017. Ngày giao dịch cuối cùng trên HNX 14/6/2017 với giá kết phiên 11.500 đồng/cổ phiếu. Có hơn 1,07 triệu cổ phiếu CTS khớp lệnh trong phiên cuối giao dịch trên HNX.
Diễn biến giá cổ phiếu CTS trong 1 năm gần đây.
CTS chuyển sang niêm yết trên HoSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.950 đồng/cổ phiếu – giảm 550 đồng so với giá đóng cửa phiên cuối trên HNX. Ngay khi chuyển sàn, lượng cổ phiếu CTS khớp lệnh phiên đầu đã tăng đột biến lên hơn 2,18 triệu đơn vị, và hơn 1,06 triệu cổ phiếu tiếp tục khớp lệnh phiên sau đó.
Tuy nhiên đà tăng giá cổ phiếu CTS không lớn, mức giá khớp lệnh cao nhất của CTS trên HoSE là 14.400 đồng/cổ phiếu sau đó giảm nhẹ, và hiện tại CTS đang giao dịch quanh mức giá 13.000 đồng/cổ phiếu. CTS cũng vừa phát hành thành công hơn 7 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, nâng tổng lượng cổ phiếu niêm yết trên HoSE lên hơn 97,6 triệu đơn vị. Vốn hóa thị trường đạt gần 1.270 tỷ đồng.
Sau sự kiện chuyển sàn của VietinbankSC, Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cũng giao dịch phiên cuối cùng trên HNX vào ngày 10/7/2017 và hủy niêm yết từ 11/7/2017. Chỉ 1 tuần sau đó 70 triệu cổ phiếu VDS chính thức niêm yết trên HoSE và giao dịch phiên đầu vào 19/7/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.700 đồng/cổ phiếu.
Theo đại diện CTCK Rồng Việt, mục đích chuyển sàn được ban điều hành công ty đưa ra là nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu của công ty, mở rộng các kênh huy động vốn trung và dài hạn. Ngay sau khi chuyển sàn không lâu Chứng khoán Rồng Việt phát hành 21 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 910 tỷ đồng. Số cổ phiếu này đã được niêm yết bổ sung và giao dịch vào 18/1/2018.
Sau nửa năm “chuyển nhà”, cổ phiếu VDS vẫn đang giao dịch quanh mốc 11.800 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường đã vượt mốc ngàn tỷ đồng, đạt trên 1.070 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu VDS trong 6 tháng gần đây.
Gần 155 triệu cổ phiếu VND của Chứng khoán VnDirect giao dịch phiên cuối cùng trên HNX vào ngày 11/8 và hủy niêm yết từ 14/8/2017. Và chỉ mấy ngày sau đó VND đã niêm yết và giao dịch phiên đầu trên HoSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 23.900 đồng/cổ phiếu.
Ngay khi chuyển sàn VnDirect đã quyết định bán đi 6 triệu cổ phiếu quỹ. Và tới đây, ngày 28/2 Chứng khoán VnDirect sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 15 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 10%, đồng thời phát hành hơn 50 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng để tăng vốn điều lệ.
Chuyển nhà, VnDirect cũng tạo thêm 1 “kỳ tích” khi giá cổ phiếu vượt đỉnh đạt được gần 8 năm trước, thậm chí xác lập đỉnh mới ở mức giá 32.300 đồng/cổ phiếu. Và hiện VND giao dịch ở mức giá 29.600 đồng/cổ phiếu, tăng 23,8% so với “giá chuyển sàn” trước đó.
Trong 4 mã chứng khoán “chuyển nhà” từ HNX sang HoSE năm 2017 vừa qua có đến 3 công ty chứng khoán, và duy nhất CTCP CMC (CVT) là khác ngành. Hơn 28,22 triệu cổ phiếu CVT hủy niêm yết trên HNX từ 29/9/2017 và giao dịch chính thức trên HoSE từ 5/10/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 50.600 đồng/cổ phiếu.
Vừa chuyển sàn chưa lâu, CVT công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 160 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với năm trước đó. Giá cổ phiếu CVT cũng tăng mạnh, có lúc lên đến 56.800 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, khi có kết quả kinh doanh năm 2017 với lãi sau thuế trên 174 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm 2016, thì ngược lại giá cổ phiếu CVT lại giảm sâu, hiện giao dịch ở mức 45.400 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 10% so với giá chào sàn HoSE.
Diễn biến giá cổ phiếu CVT trong 6 tháng gần đây.
Chuyển sàn từ niêm yết trên HNX sang giao dịch trên UpCOM
May Phú Thịnh – Nhà Bè (NPS) bất ngờ quyết định hủy niêm yết tự nguyện trên HNX từ 5/12/2017 để công ty tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính là sản xuất hàng may mặc nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp. NPS cũng đã quyết định đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UpCOM từ 13/12/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.700 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, hầu như không có cổ phiếu nào khớp lệnh, và trong số ít phiên có cổ phiếu khớp lệnh hiếm hoi, chủ yếu giá cổ phiếu NPS giảm. Đặc biệt, 2 phiên giảm sàn liên tiếp ngay trước kỳ nghỉ tết đã làm giá cổ phiếu giảm sâu xuống mức 7.800 đồng/cổ phiếu – “mất” đi 27% chỉ sau hơn 2 tháng “chuyển nhà”.
Dệt may G.Home (G20) bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX từ 21/7/2017 do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên BCTC kiểm toán. Một tuần sau đó G20 lên giao dịch trên thị trường UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 1.900 đồng/cổ phiếu. Hầu như cũng không có giao dịch khớp lệnh trên thị trường, và hiện G20 giảm về mức giá 1.500 đồng/cổ phiếu.
Cũng như G20, CTCP Hưng Đạo Container (HDO) cũng bị hủy niêm yết bắt buộc do kiểm toán không đưa ra ý kiến trên BCTC kiểm toán. HDO lên giao dịch trên UpCOM từ 2/6/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 1.200 đồng/cổ phiếu và hiện giá cổ phiếu HDO cũng giảm sâu về mức 800 đồng/cổ phiếu.
Cùng chung số phận, PVR của CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR) bị hủy niêm yết trên HNX từ 26/5/2017 do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên BCTC kiểm toán. PVR đã giao dịch trở lại trên UpCOM từ 2/6/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 2.800 đồng/cổ phiếu.
Sau hơn nửa năm, PVR đã tái cơ cấu lại khá nhiều so với thời điểm hủy niêm yết trên HNX với ban lãnh đạo có nhiều thay đổi. Tuy thế, trên thị trường giá cổ phiếu PVR vẫn giảm mạnh, có lúc bắt đáy ở mức giá 1.700 đồng/cổ phiếu và hiện hồi phục lại ở mức giá 2.400d đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu PVR trong 6 tháng gần đây.
Còn SDH của CTCP Xây dựng hạ tầng Sông Đà sau khi bị hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp đã đăng ký giao dịch trên UpCOM từ 15/9/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 1.900 đồng/cổ phiếu và nhanh chóng giảm sâu, hiện mất đi hơn 1 nửa giá trị, về giao dịch quanh mốc 900 đồng/cổ phiếu.
Xi măng Sông Đà Yaly (SDY) bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ và đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ 9/6/2017 với giá tham chiếu ngày chào sàn 7.700 đồng/cổ phiếu. Có những lúc SDY đã giảm sâu về quanh mức 4.000 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó đã hồi phục và hiện đứng giá ở mức 7.500 đồng/cổ phiếu.
Không những thế, Xi măng Sông Đà Yaly cũng vừa quyết định đổi tên thành CTCP Xi măng Elecem, đồng thời cổ đông lớn CTCP Đầu tư Xây dựng Bưu điện đã thoái vốn, thay vào đó là các cổ đông lớn là các cá nhân.
Diễn biến giá cổ phiếu SDY 1 năm gần đây.
Cũng lỗ 3 năm liên tiếp và bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX, CTCP Vận tải và thuê tàu (VFR) lên giao dịch trên UpCOM từ 9/6/2017 với giá chào sàn 9.900 đồng/cổ phiếu. Sau hơn nửa tháng VFR đã giảm mất 40% giá trị, về giao dịch quanh mức 5.900 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu VBH của Điện Tử Hòa Bình cũng bị hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp từ 2014-2016. VBH đã giao dịch trở lại trên UpCOM từ 5/6/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 20.900 đồng/cổ phiếu.
Trái với hầu hết các cổ phiếu xuống giao dịch trên UpCOM, VBH đã tăng 19%, lên mức 24.900 đồng/cổ phiếu dù lượng cổ phiếu khớp lệnh trong phiên cũng hầu như không có. Điểm đáng chú ý nhất, kết quả kinh doanh của Điện tử Hòa Bình đã được cải thiện khi lũy kế cả năm 2017 VBH đã thoát lỗ, dù số lãi chỉ hơn 400 triệu đồng.
Cổ phiếu EFI của CTCP Tài chính giáo dục bị hủy niêm yết bắt buộc vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ về công bố thông tin, đồng thời bị tạm ngừng giao dịch do công ty chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị tạm ngừng giao dịch.
Ngay sau đó ngày 24/4 EFI đã đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 7.600 đồng/cổ phiếu.
“Vận hạn” chưa hết với EFI khi công ty bỗng thông báo việc mất liên lạc với kế toán trưởng thời điểm giữa tháng 12/2017. Và sau đó không lâu công ty công bố thông tin về việc có dấu hiệu thất thoát lớn về tài sản tại ngân hàng và công ty chứng khoán. EFI cho biết thêm, đại diện công ty đang làm việc với cơ quan chức năng để điều tra làm rõ sự việc và các vấn đề có liên quan.
Trước những vấn đề trên, giá cổ phiếu EFI đã tiếp đà giảm sâu và hiện giao dịch ở mức giá 3.500 đồng/cổ phiếu, mất hơn một nửa giá trị chỉ sau gần 1 năm giao dịch trên UpCOM.
Chuyển sàn giao dịch từ HoSE sang UpCOM
Cổ phiếu CYC của CTCP Gạch men Chang Yih bị hủy niêm yết trên HoSE từ 10/5/2017 do công ty thua lỗ 3 năm liên tiếp. Đặc biệt trước đó công ty công bố BCTC kiểm toán năm 2016 với kết quả kinh doanh chuyển từ lãi sang lỗ, đồng thời có thêm thông tin về việc lượng hàng tồn kho thành phẩm sau kiểm kê nhỏ hơn số liệu công bố trên sổ sách gần 8,9 tỷ đồng….
Cổ phiếu YCY đã đăng ký giao dịch lại trên UpCOM từ 22/5/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 2.400 đồng/cổ phiếu, và sau khi giảm sâu xuống mức giá 1,600 đồng/cổ phiếu thì CYC đã tăng nhẹ trở lại và hiện giao dịch ở mức giá 2.200 đồng/cổ phiếu.
Lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, cổ phiếu VNA của CTCP Vận tải biển Vinaship bị hủy niêm yết trên HoSE từ 21/4/2017 và công ty đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trở lại trên UpCOM từ 3/5/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 1.000 đồng/cổ phiếu. Sau hơn nửa năm, hiện VNA đã tăn 30%, lên mức 1.300 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên kết quả kinh doanh của công ty vẫn chưa được cải thiện. Năm 2017 công ty lỗ thêm gần 76 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu VNA trong 6 tháng gần đây.
Cũng do thua lỗ 3 năm liên tiếp, toàn bộ hơn 80 triệu cổ phiếu VNH của Thủy hải sản Việt Nhật bị hủy niêm yết trên HoSE từ 23/3/2017. Công ty đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ 31/3/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 1.400 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên VNH đang đà giảm sâu và hiện giao dịch ở mức giá 900 đồng/cổ phiếu.
Gần 12 triệu cổ phiếu ATA của CTCP Ntaco bị hủy niêm yết trên HoSE từ 6/2/2017 do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên BCTC kiểm toán năm 2015 của công ty. Những “rắc rối” của Ntaco liên quan đến việc hàng tồn kho “bỗng dưng” biến mất.
Ngay sau đó Ntaco đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ 17/2/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 650 đồng/cổ phiếu. Đến nay cổ phiếu ATA đã tăng gấp đôi, lên mức 1.300 đồng/cổ phiếu. Những ngày đầu năm 2018 Ban lãnh đạo công ty cũng vừa trình ĐHCĐ bất thường thông qua hàng loạt phương án xóa sổ các công nợ phải thu không có thực, xóa dự phòng hàng trăm tỷ đồng…
Cổ phiếu hủy niêm yết trên HoSE
Có 2 trường hợp hủy niêm yết trên HoSE trong năm 2017 khá đặc biệt là cổ phiếu TIC của CTCP Đầu tư Điện Tây Nguyên (để sáp nhập với Điện Gia Lai GEG) và BHS của CTCP Đường Biên Hòa (để sáp nhập với Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh).
Ngoài ra Khoáng sản Bắc Giang (BGM) bị hủy niêm yết trên HoSE từ 10/8/2017 do công ty đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ về công bố thông tin. Trước đó BGM đã bị tạm ngừng giao dịch từ 29/3/2017. Đến nay Khoáng sản Bắc Giang vẫn chưa giao dịch lại trên bất cứ sàn chứng khoán có tổ chức nào.
Năm 2017 không phải là “năm tốt” cho các cổ phiếu chuyển sàn so với những năm trước đó khi hầu hết các mã chứng khoán không đạt được sự tăng giá mạnh như kỳ vọng, thậm chí hầu hết các mã chứng khoán đều giảm giá.