Sóng gió tiền ảo năm Đinh Dậu

Năm 2017, thị trường tài chính quốc tế bùng nổ làn sóng đầu tư tiền kỹ thuật số (tiền ảo). Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp cũng lập sàn giao dịch tiền ảo, chủ yếu là Bitcoin đồng thời tự phát hành tiền ảo mang ký hiệu riêng biệt lôi kéo hàng ngàn người tham gia.

Tiền ảo bùng phát khắp nơi khiến Chính phủ các nước lo ngại. Lần lượt Mỹ, đến Trung Quốc đều lên tiếng cảnh báo về loại tài sản này. Ngay cả Hàn Quốc – quốc gia tập trung nhiều nhà đầu tư và sàn giao dịch tiền ảo thuộc hàng lớn nhất thế giới, cũng cảnh báo sẽ có biện pháp mạnh “dẹp loạn” các sàn và hoạt động giao dịch tiền ảo khiến cho thị trường tiền ảo, trong đó có Bitcoin, chìm trong u tối.

Anh T., người từng chơi tiền ảo ở TP HCM, cho hay cách đây 4 năm, 1 Bitcoin chỉ có giá vài trăm USD nhưng đến cuối năm 2017 tăng lên gần 20.000 USD (khoảng 400 triệu đồng). “Trong năm 2017, thời điểm Bitcoin có mức giá 200 triệu đồng, tôi liên tục mua bán và sinh lời được 400 triệu đồng rồi nghỉ chơi, nếu không tôi đã thua lớn vì thời gian gần đây Bitcoin rớt giá kinh khủng, từ 400 triệu hiện chỉ còn chưa tới 200 triệu đồng (ngày 10-2-2018 chỉ còn chưa tới 184 triệu đồng, tức khoảng 8.200 USD)” – anh T. kể.

Sóng gió tiền ảo năm Đinh Dậu - Ảnh 1.

Bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung đã biến động kinh hoàng trong 1 năm qua. Ảnh: Hoàng Triều

Trước đó, vào ngày 16-1, sàn Bitconnect quốc tế sụp đổ sau cảnh báo của chính quyền hai bang của nước Mỹ là Texas và North Carolina, trang chơi tiền ảo Bitconnect tại Việt Nam có hơn 50.000 thành viên và rất nhiều người trong số này rơi vào tình cảnh trắng tay. Còn giá Bitcoin thì liên tục lao xuống dốc, từ 330 triệu đồng còn 184 triệu đồng.

Đến ngày 11-2, giá Bitcoin có tăng nhẹ lên 205 triệu đồng. Thế nhưng, tại thời điểm này, nhiều người đang ôm Bitcoin với giá cao đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng nề. Bởi khi họ muốn bán thì chủ sàn tiền ảo tại Việt Nam không thu mua vì nếu mua vào sẽ không biết biết bán lại cho ai.

Tuy đã nhìn thấy bài học từ tiền ảo Bitcoin nhưng hiện nay nhiều người vẫn “lao đầu” vào các loại tiền ảo BNC, TTC do doanh nghiệp trong nước tạo ra. Giá BNC từ 2,3 USD đã lên 5,1 USD, tức tăng hơn gấp đôi so với lúc được phát hành. Ngoài ra, các doanh nghiệp tạo ra tiền ảo BNC, TTC còn thiết lập hàng chục nhà hàng, điểm bán hàng hóa gia dụng… để thanh toán tiền mua hàng hóa, trong đó 30% số tiền mua hàng sẽ được thanh toán bằng BNC hoặc TTC trong khi hoạt động này vẫn chưa được pháp luật thừa nhận.

Theo LS – TS Bùi Quang Tín (Đoàn Luật sư TP HCM), tiền ảo BN, TTC là một loại hình huy động vốn để phát hành tiền ảo (ICO). “Thống kê trên thị trường quốc tế cho thấy 99% hoạt động ICO là lừa đảo bởi ICO phải đáp ứng được các điều kiện: Tiền ảo ICO được tạo ra từ công nghệ và được giới công nghệ thông tin công nhận; có giá trị thực tế thông qua các ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thanh toán, quản trị; đồng thời đồng tiền ảo đó phải tạo ra các ứng dụng cho tương lai”- ông Tín cho biết

Để giải quyết các vấn đền liên quan đến tiền ảo, Bộ Tư pháp dự kiến tháng 8 tới sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng pháp luật, hoạt động tiền ảo và đến tháng 12-2018 sẽ xây dựng văn bản về tiền ảo, tiền điện tử và trình Chính phủ xem xét. Tiếp đó năm 2020, Bộ Tư Pháp sẽ xây dựng luật sửa đổi bổ sung các luật liên quan tiền ảo.

“Người dân cần lưu ý, giao dịch tiền ảo là giao dịch ẩn danh rất dễ trở thành công cụ để tội phạm lợi dụng thực hiện. Tiền ảo là dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị đánh cắp, thay đổi dữ liệu hay ngừng giao dịch là rất lớn. Giá trị tiền ảo biến động liên tục nên rủi ro là rất lớn. Đây là loại tài sản chưa được cơ quan nhà nước nào quản lý nên khi xảy ra tranh chấp thì việc bảo vệ an toàn pháp lý là khó khăn. Người dân thực hiện giao dịch hết sức cẩn trọng và cân nhắc” – ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế (Bộ Tư pháp), cảnh báo.

Bitcoin có thể giảm xuống còn 900 USD

Bài viết mới