Theo HoREA, trong giai đoạn thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng từ năm 2008 – 2009; 2011 -2013, hàng tồn kho và nợ xấu bất động sản rất nghiêm trọng.
Với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mà trong đó dành 70% để hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và người có thu nhập thấp đô thị mua căn hộ nhỏ và vừa có giá trị dưới 1,05 tỷ đồng, đã thực hiện được 03 mục tiêu: giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, hỗ trợ hơn 56.000 người có thu nhập thấp tạo lập nhà ở, và là một nguyên nhân quan trọng giúp cho thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng kể từ cuối năm 2013 cho đến nay.
Do đó, việc thực hiện một gói tín dụng mới là điều cần thiết để cho nhiều người dân thu nhập thấp, thu nhập trung bình của đô thị có cơ hội sở hữu nhà.
Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cơ chế kiểm soát rủi ro để đảm bảo nguồn vốn tín dụng này được sử dụng đúng mục đích. Do vậy, cần khuyến khích các chủ thể có liên quan đến dự án nhà ở (chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng, người mua nhà…) cùng mở tài khoản giao dịch tại cùng ngân hàng để giám sát, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả dòng tiền.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn TP đã có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn với tổng số 16.506 căn. Trong đó, có 14.754 căn hộ chung cư, 1.752 căn nhà thấp tầng.
Cụ thể, phân khúc cao cấp có 5.164 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%. Phân khúc trung cấp có 5.136 căn, chiếm tỷ lệ 31,1%. Phân khúc bình dân có 6.206 căn, chiếm tỷ lệ 37,6%.
Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất (68,7%) trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường. Đây là tín hiệu đáng mừng vì các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ) đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và có tính thanh khoản cao.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì số lượng nhà ở chào bán giảm so với cùng kỳ năm 2016. Phân khúc nhà ở bình dân chào bán tăng 1,9 lần, phân khúc cao cấp tăng 1,8 lần, nhưng phân khúc trung cấp giảm đến 42,1%, có những chủ đầu tư lớn chuyên phát triển dự án nhà ở trung cấp không có sản phẩm bán trong 06 tháng đầu năm nay.
Được biết, mới đây Tập đoàn Hoàng Quân (HQC) đã tiến hành khởi công và động thổ đồng loạt 7 dự án bất động sản. Trong đó, có 3 dự án nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông (Q.2 TP.HCM), HQC An Phú Tây (Bình Chánh, TP.HCM), có tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỷ đồng với 1.740 căn hộ bao gồm cả chung cư cao tầng và nhà thấp tầng 1 trệt 1 lầu.
Trong đó, dự án HQC Bình Trưng Đông được xây dựng trên khu đất gần 4.300 m² tại đường Nguyễn Duy Trinh, Q.2. Dự án dự kiến hoàn thành vào Quý IV/2018; HQC An Phú Tây tọa lạc tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh với vốn đầu tư gần 173 tỷ đồng trên diện tích đất khoảng 7.700 m². Dự án dự kiến hoàn thành Quý III/2018.
Nói về việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội trong nước, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT HQC cho rằng Nhà nước không cần có chính sách ưu đãi riêng với chủ đầu tư hay người mua nhà mà nên có một số chính sách ưu đãi chung liên quan tới ngân hàng và thuế.
Cụ thể, ông Tuấn đề xuất tiếp tục ưu đã về đất đai, tiếp tục giữ mức thuế VAT 5%, dùng lãi suất giá rẻ thay vì bù lãi suất (ví dụ lãi suất thị trường 10% thì cho doanh nghiệp vay lãi suất 8%). Vì thế, ông Tuấn nói không cần một ngân hàng chính sách xã hội tham gia cho vay lãi suất ưu đãi mà ngân hàng nào cũng có thể tham gia được.