Kết thúc năm 2017, tổng diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL đạt 6.078 ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thu hoạch cũng tăng 5,4%, đạt 1,25 triệu tấn. Trong đó, 3 địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất cả nước là Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ cũng có sản lượng cá tăng lần lượt: 6%; 5,9% và 6,4%.
Theo như đánh giá của Bộ NN&PTNT, nhờ liên tục phải trải qua các giai đoạn bấp bênh của thị trường với việc tính toán cung – cầu, người nuôi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thả nuôi.
Bên cạnh đó, lo ngại về mức giá từ năm trước, ngay từ đầu năm 2017, người nuôi sản xuất cầm cự hoặc không thả nuôi. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc tăng cường mua các loại cá từ 750 – 800 gr khiến cho nguyên liệu cá tra bị thiếu hụt trong QI/2017. Nhưng cũng từ quý này, giá cá tại nhiều địa phương bắt đầu tăng mạnh. Ngay tại thời điểm quý I/2017, giá cá tra tại ĐBSCL nhiều biến động do hai nguyên nhân chính là thiếu cá tra giống và diện tích nuôi bị thu hẹp.
Đến tháng 4-5/2017, giá cá nguyên liệu tăng lên mức khó tin so với cùng kỳ năm trước lên mức 28.000 – 28.500 đồng/kg, cao hơn từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi thu lãi nhưng cả DN và người dân đều thiếu cá bán và chế biến. Trong khi đó, việc xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn tại một số thị trường lớn như Mỹ và EU.
Bước sang quý II và III/2017, giá cá giảm nhiệt xuống dao động ở mức từ 24.000 – 26.500 đồng/kg. Nhưng ngay quý cuối năm, giá cá tra tăng tiếp lên mức 29.000 – 31.500 đồng/kg. Như vậy, mức giá này đã cao hơn từ 5.000 – 6.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2016.
Vasep cho biết, do khan hiếm cá nguyên liệu đã kéo giá cá tra tăng không ngừng tại ĐBSCL trong năm 2017 và có thể trong 2 quý đầu năm 2018. Vừa thiếu cá nguyên liệu, vừa khó khăn về thị trường xuất khẩu, vừa không dễ đàm phán tăng giá, DN cá tra Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong năm nay vì kế hoạch gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.