Các chỉ số cơ bản ở thị trường chứng khoán lớn thứ hai và thứ 4 thế giới đã giảm điểm mạnh hơn bất kỳ chỉ số lớn nào kể từ cuối tháng 1 đến nay. Dù tỏ ra miễn nhiễm với cú lao dốc 666 điểm của chỉ số Dow Jones phiên 3/2 và tăng 0,7% trong phiên 5/2, riêng trong phiên sáng nay (9/2), Shanghai Composite đã giảm 5,38% trong khi Hang Seng Index mất 3,33%.
Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc đột ngột giảm mạnh nhất kể từ cú sụp đổ năm 2015 đến nay đã gây sốc cho các nhà đầu tư vốn quen với việc những động tác can thiệp của Chính phủ Trung Quốc giúp thị trường bình yên trong suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, sau khi dẫn dắt Shanghai Composite Index đi qua thời kỳ tăng giá yên bình nhất trong lịch sử, dường như giờ đây giới chức Trung Quốc đang nâng mức giới hạn chịu đựng trong bối cảnh nước này muốn loại bỏ rủi ro đạo đức và giảm thiểu những nguy cơ phát sinh từ hệ thống ngân hàng trong bóng tối nay đã có quy mô lên đến 16.000 tỷ USD.
Câu hỏi lớn nhất ở đây là liệu có phải chứng khoán Trung Quốc đang phát đi tín hiệu về một thời kỳ gian khó sắp tới với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hay không. Hầu hết các chuyên gia phân tích vẫn lạc quan khi ước tính kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng vững chắc 6,5% trong năm 2018. Họ chỉ ra rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc đã trụ vững trong suốt 2 tuần qua, trong khi đồng nhân dân tệ dù hôm qua vừa bất ngờ sụt giá mạnh nhưng vẫn đang ở mức cao nhất 2 năm so với USD. Về tâm lý của nhà đầu tư cũng không có chút dấu hiệu nào cho thấy kịch bản năm 2015 lặp lại.
Tuy nhiên, đừng quên rằng ở Trung Quốc những cú lao dốc rất dễ gây ra hiệu ứng bóng tuyết. Giới quan sát dự đoán mức độ biến động sẽ tăng lên khi thanh khoản thị trường sụt giảm khi kỳ nghỉ Tết âm lịch cận kề. Dữ liệu lịch sử cho thấy trung bình nếu đã giảm 10% trở lên thì chỉ số Shanghai Composite sẽ phải mất 2 tháng để bắt đầu quay đầu.
Theo Wu Kan, nhà quản lý quỹ tại Shanshan Finance, tâm lý của nhà đầu tư vừa bị ảnh hưởng bởi cơn bán tháo trên TTCK Mỹ, vừa phải chịu áp lực từ nỗ lực giải chấp (deleveraging) ở quê nhà. Do đó mức độ ưa thích rủi ro đã giảm mạnh và tình hình được dự báo sẽ không thể tốt lên trước kỳ nghỉ lễ.
Kể từ tháng 2/2016, khi Ủy ban giám sát chứng khoán Trung Quốc có Chủ tịch mới, TTCK Trung Quốc rất yên bình và gần như không chịu tác động nào từ thị trường thế giới nhờ các biện pháp kiểm soát vốn. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây thị trường Trung Quốc ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với hệ thống tài chính toàn cầu, đặc biệt là qua các mối liên kết với thị trường Hồng Kông hay Thâm Quyến, khiến thị trường này trở nên nhạy cảm hơn với biến động bên ngoài.
Có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn cơn khiến thị trường chứng khoán toàn cầu rơi vào trạng thái bị bán tháo – từ nỗi lo lãi suất tăng, lợi suất trái phiếu tăng đến mức giá đã bị thổi phồng hay động thái của các quỹ đầu cơ. Tuy nhiên đối với thị trường Trung Quốc thì có 1 yếu tố rất rõ ràng: chiến dịch giảm tỷ lệ đòn bẩy mà Chính phủ nước này đang theo đuổi. Chính sách rốt ráo ngăn chặn các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) đã rút cạn tiền trên thị trường chứng khoán, đẩy chi phí đi vay của doanh nghiệp lên cao và làm tăng rủi ro vỡ nợ.
Mặc dù nhiều khả năng giới chức Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách quản lý nếu như thị trường lao dốc quá mạnh, chuyên gia Zhang Haidong của Jinkuang Investment Management cho rằng mức sụt giảm chưa đủ mạnh để nhóm gọi là “quỹ giải cứu quốc gia” nhảy vào thị trường. Hiện P/E của chỉ số Shanghai Composite ở mức 16 lần, cao hơn 7% so với trung bình 5 năm.